Mục tiêu cải cách điều kiện kinh doanh: Chọn cắt bỏ hay đơn giản hóa?

Mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành có vẻ không quá khó khăn, nhưng câu hỏi hiệu quả của công việc này thế nào thì cho tới nay vẫn chưa thể trả lời.

02/03/2020 15:14

Mục tiêu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành có vẻ không quá khó khăn, nhưng câu hỏi hiệu quả của công việc này thế nào thì cho tới nay vẫn chưa thể trả lời.

Bức tranh không mới

Hội thảo Cải cách điều kiện kinh doanh: Nhận diện vấn đề và dự địa cải cách tiếp theo, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Aus4Reform tổ chức hôm qua (27/2), đã không có thêm nét vẽ mới nào trong bức tranh hiện hữu về điều kiện kinh doanh.

Bộ Công thương tiếp tục đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ này, khi ngày 5/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương. Cũng mới có một thông tin tốt như vậy. Còn lại, bức tranh vẫn tương tự cuối năm 2019. Đó là, với 30 văn bản về điều kiện kinh doanh được ban hành, cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh (theo báo cáo của các bộ, ngành), về cơ bản, giải quyết được các điều kiện chung chung, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hay dễ tạo sự tùy ý trong thực thi…

Điều đáng nói là, vẫn không có một đánh giá nào về hiệu quả thực tế của các văn bản, nỗ lực cắt giảm này. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), người được giao trực tiếp nghiên cứu các vấn đề liên quan đến điều kiện kinh doanh thừa nhận như vậy.

Phân tích ở góc độ quyết liệt của Chính phủ, có thể nói, cải cách điều kiện kinh doanh là một trọng tâm luôn nóng. Trong 3 năm (2017-2019), có tới 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung cải cách, trong đó, năm 2018 có tới 20 văn bản, năm 2019 có 10 văn bản.

“Có lẽ, khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như điều kiện kinh doanh. Cũng chưa có mục tiêu nào mạnh mẽ như yêu cầu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh. Nhưng thực tế, doanh nghiệp có cảm nhận được kết quả này không? Câu trả lời rất đáng tiếc là chưa?”, bà Thảo nói.

Cơ sở của nhận định trên là kết quả khảo sát doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cuối năm 2019. Dù tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện và tỷ lệ doanh nghiệp than phiền khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện năm 2019 giảm hơn năm 2018, song theo bà Thảo, con số trên vẫn quá cao.

Có nên thay đổi mục tiêu?

Phải nhắc lại, cuối năm 2017, khi các cuộc đấu trí liên quan đến cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh rất căng thẳng giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu, thì Bộ Công thương đã ghi điểm khi là cơ quan đầu tiên ban hành Quyết định 3610a/2017/QĐ-BCT, công bố danh mục 675 điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa.

Có thể nói, chính quyết định này đã tạo sức ép để các bộ, ngành phải tham gia rà soát, đề xuất đơn giản hóa, bãi bỏ điều kiện kinh doanh trong 3 năm (2017-2019). Nhưng có lẽ, Nghị định số 17/2020/NĐ-CP không có được tác động tương tự.

Vấn đề nằm ở chỗ, khi đánh giá mức độ cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, bà Thảo và cộng sự hầu như chỉ nhìn thấy hình thức “đơn giản hóa”, theo kiểu giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự, giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất…

Trên thực tế, mặc dù các bộ đều báo cáo đã hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng chưa có báo cáo đánh giá nào về hiệu quả và tác động của cải cách. Bộ Công thương cũng vậy.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, lý do có thể nằm ở mục tiêu cải cách điều kiện kinh doanh chưa rõ ràng.

“Nếu xác định mục tiêu là cắt bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh, thì chỉ cắt bỏ 1 điều kiện, còn lại là đơn giản hóa, cũng là hoàn thành nhiệm vụ”, ông Cung phân tích.

Năm 2018, khi CIEM đề xuất cách làm mới về cải cách điều kiện kinh doanh, mô hình “lê máy chém” của Hàn Quốc và nhiều nền kinh tế khác được chọn để học tập. Theo đó, bên cạnh xác định rõ mục tiêu là cắt bỏ 50%, các bộ, ngành được yêu cầu, nếu đề xuất thêm 1 điều kiện kinh doanh thì phải đồng thời bãi bỏ 1 điều kiện kinh doanh.

“CIEM đã trình phương án bãi bỏ 50% điều kiện kinh doanh hiện hành, chưa được chấp thuận, nhưng hiện tại, có lẽ phải làm rõ yêu cầu này trong năm nay, để cải cách điều kiện kinh doanh đi vào thực chất. Điều quan trọng là, chỉ khi điều kiện kinh doanh không phù hợp được bãi bỏ, các cơ quan quản lý nhà nước mới tư duy khác về công cụ quản lý nhà nước, từ đó tạo điều kiện để thực thi cam kết mà Chính phủ đã đưa ra là giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Cung đề xuất.

Nguyên tắc để bãi bỏ, theo ông Cung, là những điều kiện không có cơ sở khoa học, không có hiệu lực quản lý thực tiễn và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Nhiều người nói tôi cực đoan, nhưng tôi nghĩ, đó là cách để bảo vệ lợi ích của nền kinh tế, chứ không vì lợi ích của một bên nào. Đây là lúc phải đặt lợi ích chung của nền kinh tế lên trên hết”, ông Cung nói.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, các vấn đề này sẽ được CIEM đưa ra trong hội nghị tới đây về cắt giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, dự kiến tổ chức trong tháng 3/2020.

“Tỷ lệ cắt bỏ thấp, nhưng chủ yếu lại cắt những quy định theo pháp luật chuyên ngành đã có và doanh nghiệp đương nhiên phải tuân thủ, như các đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường… Việc cắt bỏ này không có ý nghĩa về quản lý, không tạo điều kiện thuận lợi hay giảm chi phí cho doanh nghiệp…”. Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM)