“Một uỷ ban với quy mô rất lớn, tổ chức kiểu gì cũng không hiệu quả”
19/07/2016 15:23
Nên hay không nên thành lập một “siêu uỷ ban” quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, liệu các Bộ, ngành có “buông” những doanh nghiệp “gà đẻ trứng vàng”, và siêu uỷ ban có đủ năng lực quản lý, giám sát tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…?
Bộ ngành chưa chịu trách nhiệm
Bộ Kế hoạch Đầu tư đã công bố dự thảo Nghị định về việc thành lập Uỷ ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước (gọi tắt là Uỷ ban), dự kiến có 30 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc 7 Bộ thay vì để các bộ, ngành quản lý như hiện nay với các lĩnh vực dầu khí, điện lực, than khoáng sản, hàng không, dệt may, hàng hải, cà phê…
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện các Bộ ngành đang thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhưng không phải là người chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư nhà nước, của cơ quan và cá nhân được phân công thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp rất thấp. Do đó làm giảm hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, việc hình thành Uỷ ban là cần thiết để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước, tạo điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước tập trung thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước.
Trao đổi với BizLIVE, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Tuấn Minh cho biết, khi đưa các doanh nghiệp nhà nước vào một Uỷ ban đầu mối giám sát giảm đi thay vì như trước đây để giám sát doanh nghiệp nhà nước phải uỷ quyền thông qua các Bộ ngành, và một phần thông qua UBND tỉnh địa phương.
“Khi đưa các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc các Bộ ngành mà dự thảo quy định là giảm bớt đầu mối giám sát, để Chính phủ uỷ quyền cho các Bộ, khi đưa vào Uỷ ban, Chính phủ uỷ thác cho Uỷ ban quản lý nhưng chúng ta cần một đầu mối như vậy”, ông Minh nói.
Bộ có thể phản ứng, không ủng hộ
Đặt câu hỏi liệu Uỷ ban có đủ năng lực để quản lý, giám sát phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ở nhiều mảng, lĩnh vực khác nhau, ông Minh cho rằng, điều này phụ thuộc nhiều vào cách thức tổ chức và việc tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự ở Uỷ ban đó như nào.
“Tất cả các Bộ đều có bộ phận giám sát quản lý doanh nghiệp thuộc bộ, giờ sẽ gom lại thành các ban và có thể một số nhân sự từ các Bộ về các Ban để phụ trách và sẽ tổng hợp, chuyên trách hơn. Về năng lực, theo tôi, có thể tương đương so với trước đây”, vị chuyên gia đặt giả thiết.
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Tuấn Minh
Trước một số ý kiến lo ngại có thể chồng chéo hoặc các Bộ bị “đụng chạm” vào quyền lợi nhất định của Bộ tại các doanh nghiệp trực thuộc sẽ không đồng ý với phương án này, ông Minh cho rằng, việc các Bộ có thể phản ứng không ủng hộ việc hình thành Uỷ ban cũng có thể vì khi đó họ sẽ mất đi quyền lợi nhất định. Nhưng đây là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý tập trung doanh nghiệp nhà nước, các Bộ sẽ phải chấp nhận điều này.
“Một Uỷ ban với quy mô rất lớn việc tổ chức kiểu gì cũng không hiệu quả. Không thể nào điều hành một đống tài sản khổng lồ như vậy. Gom vào một đầu mối có lẽ mang tính chất cải cách nhiều hơn, nếu hiểu theo hướng là Uỷ ban cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước sẽ tích cực hơn với chức năng tinh gọn khu vực doanh nghiệp nhà nước và đưa ra cách thức quản trị hiệu quả hơn sẽ có hiệu quả nhất định”, ông Minh cho biết thêm.
Trong Uỷ ban này dự kiến bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC (thuộc Bộ Tài chính), theo ông Minh, SCIC đơn giản là doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư vốn của Nhà nước, bản chất là doanh nghiệp nhà nước trong khi Uỷ ban Quản lý giám sát, đưa chức năng quản lý, giám sát mạnh hơn và tìm cách đưa ra giải pháp quản lý, giám sát hiệu quả hơn.
“Hai chức năng này khác nhau, có thể đến một thời điểm doanh nghiệp nhà nước nhỏ có thể gom về SCIC và chức năng quản lý, giám sát được đẩy vào bộ phận của Chính phủ hoặc Quốc hội, chức năng kinh doanh nên để Quỹ đầu tư hoặc công ty kinh doanh vốn, chức năng tách rời không phải trộn lẫn như hiện nay, một mặt mang tính chất hành chính nhà nước một mặt khác là chức năng kinh doanh”, ông Minh kết luận.