Một số vấn đề mới trong quy trình kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng của Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ngày 3-1-2018, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương có Quyết định số 684-QĐ/TW ban hành Quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng thay thế Quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng trong Quyết định 1084-QĐ/UBKTTW, ngày 05-12-2012 của UBKT Trung ương khóa XI; trong đó giao UBKT các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ vào Quy trình của UBKT Trung ương ban hành quy trình của cấp mình.

14/05/2018 11:06

Ngày 3-1-2018, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương có Quyết định số 684-QĐ/TW ban hành Quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng thay thế Quy trình tiến hành công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật đảng trong Quyết định 1084-QĐ/UBKTTW, ngày 05-12-2012 của UBKT Trung ương khóa XI; trong đó giao UBKT các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ vào Quy trình của UBKT Trung ương ban hành quy trình của cấp mình.

Sau khi đánh giá kết quả hơn 5 năm thực hiện các quy trình tiến hành công tác kiểm tra, kỷ luật đảng, Vụ Nghiên cứu, Cơ quan UBKT Trung ương với chức năng tham mưu giúp UBKT Trung ương ban hành quy trình mới. So với quy trình cũ, quy trình mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục “hành chính” trong Đảng, tăng cường trách nhiệm của đoàn kiểm tra và trưởng đoàn kiểm tra, cùng với vai trò chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ nhiệm UBKT chỉ đạo đoàn kiểm tra ở cả ba bước: Bước chuẩn bị, bước tiến hành và bước kết thúc kiểm tra.

- Bước chuẩn bị: Đối tượng kiểm tra của UBKT Trung ương trước hết là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý hoặc là các tổ chức đảng trực thuộc Trung ương như các ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương; các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn ở Trung ương và theo Quy chế làm việc thì trưởng đoàn kiểm tra là các đồng chí thành viên UBKT Trung ương.

So với bước chuẩn bị của quy trình cũ, thì trong quy trình lần này, vụ trưởng dự kiến đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra phải có trách nhiệm đề xuất đồng chí Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương chỉ đạo đoàn kiểm tra để Thường trực UBKT Trung ương xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, nếu trưởng đoàn kiểm tra là đồng chí Phó chủ nhiệm UBKT Trung ương thì đề xuất đồng chí Phó Chủ nhiệm phụ trách vụ chỉ đạo đoàn kiểm tra. Còn đối với kiểm tra cách cấp, hay giải quyết khiếu nại… có đối tượng kiểm tra không phải là đảng viên, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương quản lý thì tùy từng vụ việc cụ thể, trưởng đoàn kiểm tra cũng có thể là vụ trưởng và thành viên UBKT Trung ương chỉ đạo đoàn kiểm tra; vấn đề này tuỳ từng trường hợp cụ thể sẽ do Thường trực UBKT Trung ương xem xét, quyết định.

Đồng chí Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương sẽ theo sát đoàn kiểm tra, là “cầu nối” giữa tập thể Thường trực UBKT Trung ương và đoàn kiểm tra, giúp cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực UBKT Trung ương được thường xuyên, sâu sát, kịp thời hơn, mọi công việc của đoàn kiểm tra được chuẩn bị chu đáo trước khi trình ra UBKT Trung ương vì kết quả kiểm tra cuối cùng được công bố là kết quả của UBKT Trung ương chứ không phải là của đoàn kiểm tra.

- Bước tiến hành: Việc triển khai quyết định kiểm tra, so với quy trình trước đây, ngoài thành phần là đoàn kiểm tra, đối tượng kiểm tra và đại diện tổ chức đảng có liên quan còn có đồng chí Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương chỉ đạo đoàn kiểm tra để trực tiếp quán triệt mục đích, yêu cầu và nhiệm vụ của đoàn kiểm tra. Quy trình mới có bổ sung thêm, nếu cần bổ sung thành phần tham dự hội nghị thì trưởng đoàn kiểm tra quyết định. Điều này được thực hiện linh hoạt để các đảng viên và tổ chức đảng có liên quan được nghe trực tiếp mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ của đoàn kiểm tra và chủ động phối hợp với đoàn kiểm tra trong quá trình thẩm tra, xác minh.

Trong bước tiến hành kiểm tra, công tác thẩm tra, xác minh có vai trò rất quan trọng; vai trò của đoàn kiểm tra và trưởng đoàn kiểm tra là chính, nhiệm vụ chủ yếu để làm rõ mọi vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Vấn đề giám định kỹ thuật chuyên môn giao cho trưởng đoàn kiểm tra xem xét, quyết định vì bản chất cũng là để làm rõ vấn đề vi phạm đã đã xảy ra.

Đối với những “vi phạm đã rõ, đến mức phải thi hành kỷ luật” và “đối tượng kiểm tra tự giác nhận khuyết điểm, vi phạm và hình thức kỷ luật” thì trưởng đoàn báo cáo Thường trực UBKT Trung ương cho phép thực hiện quy trình “kép”.

Như vậy, phải hội đủ hai yếu tố “cần” và “đủ” nêu trên, đoàn kiểm tra mới báo cáo Thường trực UBKT Trung ương cho thực hiện quy trình “kép”; còn có cho phép thực hiện hay không thực hiện quy trình kép thì tuỳ tính chất vụ việc do tập thể Thường trực Ủy ban xem xét, quyết định.

Ưu điểm của quy trình kép là gọn và nhanh chóng kết thúc cuộc kiểm tra nên chỉ nên thực hiện đối với những vi phạm đơn giản; nhưng có nhược điểm là dễ “bỏ lọt” vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng khi đối tượng kiểm tra nhận những khuyết điểm vi phạm nhỏ để tránh bị phát hiện những khuyết điểm, vi phạm lớn; thông thường, để cho chắc chắn, ở cấp Trung ương thường thực hiện theo quy trình đơn.

Trong quá trình kiểm tra, có thể phát sinh những vấn đề mới không như dự kiến ban đầu, Quy trình lần này cũng bổ sung, trường hợp cần điều chỉnh, bổ sung nội dung, đối tượng kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra báo cáo Thường trực Ủy ban xem xét, quyết định. Việc bổ sung phải thực hiện bằng văn bản và thông báo cho đối tượng kiểm tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về việc tổ chức các hội nghị để thông qua kết quả thẩm tra, xác minh, nghe đối tượng kiểm tra giải trình và biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật (nếu có).

Thông thường, việc tổ chức các hội nghị được thực hiện từ dưới lên như chi bộ, cấp ủy tổ chức đảng có đối tượng kiểm tra là thành viên; ban thường vụ cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương để đoàn kiểm tra lắng nghe đối tượng kiểm tra giải trình và các ý kiến đa dạng, nhiều chiều từ các tổ chức đảng có liên quan khi thông qua báo cáo thẩm tra, xác minh.

Vấn đề cần lưu ý, không được để lộ, lọt thông tin, tài liệu về thẩm tra, xác minh cho các đối tượng không có liên quan biết; việc thông báo kết quả thẩm tra, xác minh bằng văn bản nhưng đoàn kiểm tra phải thu lại tài liệu đoàn đã phát ra khi kết thúc hội nghị, không được phát tán, tránh gây rối nội bộ, làm phức tạp tình hình khi chưa có thông báo kết luận kiểm tra chính thức của UBKT.

Quy trình lần này có hướng mở hơn, tức là tuỳ nội dung, đối tượng kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra báo cáo Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương chỉ đạo đoàn kiểm tra quyết định tổ chức đảng tổ chức hội nghị và thành phần dự các hội nghị.

Trường hợp cần thiết, Thường trực Ủy ban xem xét, quyết định việc tổ chức các hội nghị và thành phần tham dự, vì theo Quy định 30-QĐ/TW khóa XII của Ban Chấp hành Trung ương hiện nay, có những vấn đề đặc biệt không nhất thiết phải kiểm điểm ở chi bộ hay ở các tổ chức đảng trung gian mà tổ chức đảng có thẩm quyền trực tiếp xem xét, quyết định như: Vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao; nội dung vi phạm liên quan đến bí mật của Đảng và Nhà nước mà chi bộ không biết; vi phạm trước khi chuyển đến sinh hoạt ở chi bộ…

Tuy nhiên, tại hội nghị ban thường vụ cấp ủy, cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương thành phần tham dự phải có đồng chí Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương chỉ đạo đoàn kiểm tra.

- Bước kết thúc: Quy trình lần này cơ bản giữ nguyên như quy trình cũ, tuy nhiên có vấn đề mới bổ sung, sau khi kết thúc cuộc kiểm tra đoàn kiểm tra họp rút kinh nghiệm, thống nhất nhận xét, đánh giá (bằng văn bản) về ưu điểm, khuyết điểm của từng thành viên đoàn kiểm tra, trình Phó Chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo đoàn kiểm tra ký, gửi người đứng đầu các đơn vị có cán bộ tham gia đoàn kiểm tra; lập và nộp lưu hồ sơ.

Vì thực tế đoàn kiểm tra của UBKT Trung ương thường là đoàn “liên ngành” với thành viên đoàn ở các vụ, đơn vị trong Cơ quan UBKT Trung ương và cán bộ được trưng tập từ các bộ, ngành ở Trung ương nên việc nhận xét, đánh giá cán bộ tham gia đoàn kiểm tra làm cơ sở cho công tác tổ chức, cán bộ sau này.

Cuối cùng, việc đôn đốc, giám sát việc chấp hành kết luận, quyết định kỷ luật của UBKT Trung ương hoặc của cấp trên được giao cho thành viên UBKT Trung ương trực tiếp phụ trách lĩnh vực, địa bàn và vụ lĩnh vực, địa bàn./.