Mở rộng phạm vi áp thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu?
22/12/2016 10:17
Cục Quản lý cạnh tranh đang tiếp tục điều tra làm rõ sự chuyển dịch tăng nhập khẩu thép cuộn để có hướng xử lý kịp thời.
Mới đây, 18 doanh nghiệp sản xuất thép gửi đơn kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nhanh chóng xử lý hành vi nhập khẩu ồ ạt thép cuộn vào Việt Nam. Hiệp hội thép Việt Nam cũng đưa ra số liệu nghi vấn có sự lẩn tránh thuế nhập khẩu và kiến nghị Bộ Công Thương mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.
Vậy có hay không tình trạng doanh nghiệp “lách” thuế, nhập khẩu thép ồ ạt gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và có nên mở rộng phạm vi áp thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu?
Từ tháng 4/2016, Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế lần lượt là 23,3% và 15,4%. Sau áp dụng biện pháp tự vệ, tăng trưởng ngành sản xuất thép xây dựng 10 tháng tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2015. Lượng sản xuất phôi thép đạt khoảng 6,5 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp thoát lỗ và bắt đầu có lãi.
Tuy nhiên, trong văn bản kiến nghị của 18 doanh nghiệp thép cho thấy, từ khi áp thuế tự vệ với thép dài và phôi thép, doanh nghiệp kê khai sang mã số nhập khẩu HS khác đối với thép cuộn - là một trong những sản phẩm chưa thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng nhập các mã thép cuộn không thuộc phạm vi áp thuế tự vệ thương mại tăng lên rõ rệt. Tính riêng 10 tháng năm nay, lượng thép cuộn nhập khẩu đã tăng gấp hơn 4 lần so với tổng lượng nhập của cả năm 2015. Đáng chú ý là xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu hoàn toàn mới sản phẩm không chịu thuế hoặc thuế suất thấp.
“Chúng tôi thấy có tình trạng nhập khẩu ồ ạt thép cuộn kê khai vào mã HS 7213.91.90 tăng đột biến, mã này thì đang chịu mức thuế xuất nhập khẩu thấp chỉ 3%. Việc nhập khẩu ồ ạt này đang gây tác động tiêu cực đến ngành sản xuất trong nước. Nhiều cơ sở thép trong nước kiến nghị mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ. Trên cơ sở đó, Hiệp hội cũng đã có đơn gửi các bộ ngành liên quan có giải pháp để bảo vệ sản xuất trong nước”, ông Sưa cho biết.
Trước những nghi vấn này, Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với hơn 20 doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất thép trong nước. Các doanh nghiệp nhập khẩu thép khẳng định không có sự lẩn tránh thuế mà chỉ nhập do nhu cầu trong nước về nguyên liệu sản xuất tăng cao.
Ngoài ra, do mã sản phẩm thép dài nhập khẩu vào Việt Nam bị áp thuế tự vệ cao tới 15,4%, đẩy giá thành cao, nên doanh nghiệp chuyển sang mặt hàng tương ứng và chưa bị áp thuế.
Bà Hoàng Yến, Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang cho biết, sản phẩm thép trong nước chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu về hàm lượng, thành phần, ngoài ra yêu cầu thanh toán của doanh nghiệp trong nước cũng khắt khe hơn.
“Ngay khi có quyết định áp thuế tự vệ, giá thép trong nước tăng khiến giá thép nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp tăng theo đẩy giá sản phẩm khi ra thị trường. Thực tế, Việt Nam mới sản xuất chủ yếu thép xây dựng, còn thép nguyên liệu làm gia công cơ khí thì chưa làm được nhiều nên phải nhập khẩu. Doanh nghiệp kiến nghị cần gỡ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm nào trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu”, bà Yến cho biết.
Phòng vệ thương mại là công cụ hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước ở bất cứ quốc gia nào. Biện pháp tự vệ là biện pháp khẩn cấp để bảo hộ cho sản phẩm. Cục Quản lý cạnh tranh nhận định, nếu không có biện pháp tự vệ thì ngành sản xuất trong nước có thể bị phá sản, khi đó thép giá rẻ từ nước ngoài tràn vào, thao túng giá cả trên thị trường.
Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, đang tiếp tục điều tra làm rõ sự chuyển dịch nhập khẩu này là do lẩn tránh thuế hay là do nhu cầu trong nước tăng cao đột biến, từ đó có hướng xử lý.
“Pháp luật Việt Nam hiện nay cho phép Bộ Công Thương có thẩm quyền điều chỉnh danh sách mã HS và phạm vi áp dụng thuế tự vệ. Nếu có căn cứ cho thấy chuyển dịch mã HS để né thuế tự vệ và trong trường hợp các mặt hàng này có mô tả tương đương nhau và cạnh tranh lẫn nhau thì Bộ Công Thương có thể ra quyết định mở rộng phạm vi áp thuế. Nhưng nếu kết quả chuyển dịch nhập khẩu là do nhu cầu trong nước về cơ khí, chế tạo gia công, không liên quan gì đến né thuế tự vệ thì sẽ không điều chỉnh danh sách áp thuế”, bà Giang nói.
Bộ Công Thương khẳng định, phòng vệ thương mại là công vụ cuối cùng bảo vệ sản xuất trong nước nhưng không bảo vệ quyền lợi của một cá nhân nào mà bảo vệ quyền lợi của cả ngành. Cục Quản lý cạnh tranh sẽ cân nhắc việc thành lập các đoàn thanh, kiểm tra trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu trong nước, không để xảy ra tình trạng lợi dụng công cụ phòng vệ thương mại để tạo lợi thế riêng cho doanh nghiệp./.