Làng nghề sắt thép Đa Hội (Bắc Ninh): Tìm lại động lực phát triển

Làng nghề sắt thép Đa Hội (phường Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) từng được ví như một công xưởng khổng lồ, với nội lực kinh tế mạnh và giải quyết số lượng lao động lớn. Tuy nhiên, gần đây, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng xuống cấp, cạnh tranh thị trường gay gắt… đang khiến nhiều cơ sở sản xuất (CSSX), hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) lâm vào khủng hoảng.

11/12/2015 10:11

Làng nghề sắt thép Đa Hội (phường Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh) từng được ví như một công xưởng khổng lồ, với nội lực kinh tế mạnh và giải quyết số lượng lao động lớn. Tuy nhiên, gần đây, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng xuống cấp, cạnh tranh thị trường gay gắt… đang khiến nhiều cơ sở sản xuất (CSSX), hộ kinh doanh, doanh nghiệp (DN) lâm vào khủng hoảng.

Ông Phạm Ngọc Sang - Phó trưởng khu phố Đa Hội, chia sẻ: “Trong khoảng hơn 3 năm trở lại đây, sức ép cạnh tranh của thị trường khiến sản xuất thép ở Đa Hội đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sức ép của thép Trung Quốc. Số các DN, CSSX phá sản ngày càng nhiều, sản lượng thép giảm đi, đời sống của người dân làm nghề cũng ngày càng khó khăn”.

Một thời “vang bóng”

Giai đoạn 2001 - 2010 được coi là thời kỳ “hoàng kim” nhất của làng nghề Đa Hội. Sự ra đời và phát triển của cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Châu Khê giống như một động lực, tạo bước đột phá “thần kỳ” cho làng nghề Đa Hội (và 4 làng nghề khác thuộc Châu Khê). Hàng loạt những DN, CSSX gang, thép được thành lập và phát triển.

Theo báo cáo của UBND phường Châu Khê, năm 2010, CCN làng nghề Châu Khê có hơn 1.700 cơ sở sản xuất, trong đó, Đa Hội chiếm đến hơn 900 cơ sở đúc phôi thép, cán thép, mạ, làm đinh, đan lưới thép... Sản lượng các loại sắt thép đạt gần 1.000 tấn/ngày.

Số lao động thường xuyên trong khu vực này khoảng 5.000 - 7.000 người, trong đó 50% đến từ các địa phương khác. Thu nhập bình quân của lao động chính thức luôn đạt trên 7 triệu đồng/tháng. Năm 2010, CCN Châu Khê (Đa Hội chiếm trên 50%) đạt doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng (tương đương 200 triệu USD). Nộp ngân sách nhà nước 1,5 tỷ đồng/tháng (tương ứng khoảng 18 tỷ đồng/năm).

Từ một làng nghề truyền thống, sản phẩm chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất cho nông dân như cuốc, cày, liềm, bản lề, đinh, dụng cụ làm mộc… với cơ sở vật chất lạc hậu, quy mô nhỏ. Theo thời gian, Đa Hội trở thành một công xưởng khổng lồ, các lò đúc, cán thép đỏ lửa ngày đêm, với các sản phẩm đa dạng, hiện đại từ công cụ nông nghiệp đến các loại sắt xây dựng, sắt công nghiệp…

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh nhưng không đi cùng với tính bền vững trong “nội tại” đã khiến sản xuất tại làng nghề Đa Hội rơi vào suy thoái. “Sự khó khăn hiện tại đến từ hai yếu tố. Sự cạnh tranh gay gắt của thị trường bên ngoài và sự yếu kém từ nội tại bên trong”, bà Trần Thị Cơ - Phó Chủ tịch HĐND phường Châu Khê, nhận định.

Sự phát triển ồ ạt, tự phát, thiếu quy hoạch… khiến làng nghề phát triển nhưng không bền vững. Sau hơn 10 năm phát triển, làng nghề đã dần bộc lộ những điểm yếu. Trong đó, ô nhiễm môi trường chính là một nguyên nhân lớn triệt tiêu động lực phát triển của làng nghề đang hưng thịnh.

Ô nhiễm triệt tiêu động lực

“Ước tính, mỗi ngày, các làng nghề của xã Châu Khê thải ra khoảng 40 - 50 tấn xỉ than, xỉ kim loại, 2.600 - 2.700m3 nước, 255 - 260 tấn khí chủ yếu là CO2 và khoảng 6 tấn bụi. Môi trường đất, nước bị ô nhiễm nặng. Đất canh tác phía sau các hộ sản xuất đều bị bỏ hoang do ô nhiễm. Sức khỏe người dân suy giảm”, anh Trần Văn Tuyển - Trưởng thôn Đa Hội, cho biết

Bên cạnh đó, những khó khăn từ máy móc, công nghệ không theo kịp yêu cầu đến thiếu mặt bằng sản xuất, cạnh tranh yếu, nguồn vốn cạn kiệt… cũng đẩy làng nghề Đa Hội vào khó khăn. “Sự cạnh tranh của sắt thép nhập khẩu, đặc biệt, từ Trung Quốc đã khiến các cơ sở sản xuất, các DNNVV của làng nghề lâm vào tình trạng lao đao”, bà Cơ cho hay.

Rõ ràng, sự phát triển ồ ạt, thiếu định hướng đang khiến Đa Hội lâm vào khủng hoảng. Vì vậy, để tìm lại động lực cho phát triển, không còn cách nào khác là phải định hướng lại và phát triển với các bước đi bền vững hơn. Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp thiết.

Đồng thời, cần có nhiều chính sách hỗ trợ nguồn vốn, định hướng sản xuất, thị trường cho DN, CSSX nhằm nâng cao sức cạnh tranh trước sức ép của thép ngoại. Chỉ khi nào tư duy “ăn xổi” bị loại bỏ, lúc đó sự phát triển mới bền vững và ổn định.