“Làm mẹ là không sướng, làm mẹ theo Luật Doanh nghiệp mới là rất rủi ro”

“Các cổ đông của công ty con phát hiện ra công ty mẹ sử dụng quyền hạn dựa trên sức ép về sở hữu để ép các công ty con thực hiện trái với thông lệ thị trường gây hại cho công ty con, thì công ty mẹ có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại đó cho công ty con”.

10/06/2016 16:04

“Các cổ đông của công ty con phát hiện ra công ty mẹ sử dụng quyền hạn dựa trên sức ép về sở hữu để ép các công ty con thực hiện trái với thông lệ thị trường gây hại cho công ty con, thì công ty mẹ có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại đó cho công ty con”.

Ngày 09/06/2016 tại Hà Nội, IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, và Deloitte Việt Nam đã phối hợp với Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Sở GDCK Hồ Chí Minh (HOSE) đã tổ chức buổi hội thảo để đưa ra những thảo luận về những yêu cầu mới liên quan đến quản trị công ty trong Luật Doanh nghiệp 2014 cũng như việc vận dụng các thông lệ quản trị quốc tế vào mô hình quản trị của các công ty Việt Nam.

Tại buổi hội thảo, những vấn đề liên quan đến quản trị công ty sau một năm thực hiện Luật Doanh nghiệp đã được Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương – ông Phan Đức Hiếu chia sẻ. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những quy định về loại hình doanh nghiệp, sở hữu chéo, đánh giá vai trò của quản trị doanh nghiệp và mối quan hệ giữa công ty mẹ - công ty con theo Luật Doanh nghiệp.

Mở đầu bài trình bày, ông Hiếu đưa ra dẫn chứng về một câu hỏi đối với sinh viên mới ra trường: “Khi đặt câu hỏi giả sử được tuyển dụng vào làm việc tại một công ty cổ phần (CTCP) hoặc một doanh nghiệp tư nhân với cùng một môi trường làm việc, cùng chế độ phúc lợi như nhau thì đa phần các câu trả lời đều chọn công ty cổ phần, mặc dù không đưa ra được lý do cụ thể hay thậm chí lý do chỉ là oai hơn”.

Hiện tại Luật Doanh nghiệp định nghĩa về nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, tương ứng với đó là từng nguyên tắc quản trị doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, loại hình CTCP có thể coi là loại doanh nghiệp có phương thức quản trị chặt chẽ nhất, thực tế dưới con mắt của các chuyên gia kinh tế, CTCP lại là loại hình doanh nghiệp có nguyên tắc quản trị đắt đỏ nhất. Các loại hình khác có thể kể đến như doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH hay công ty hợp danh, trong đó một câu hỏi mà đến nay Viện Nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng là tại sao số lượng doanh nghiệp hợp danh tại nước ta chỉ chiếm 0.01% trong khi các nước trên thế giới thường chiếm tỷ lệ rất lớn, thậm chí tới 50% số doanh nghiệp.

Thực tế, việc lựa chọn hình thức CTCP để hoạt động khi những người chủ công ty muốn thực hiện huy động vốn chủ sở hữu (equity) thay vì vốn vay. Đây cũng có thể coi là lý do hàng đầu cho câu hỏi tại sao loại hình CTCP lại phổ biến.

Vấn đề thứ 2 cần nhắc đến sau thời gian áp dụng Luật Doanh nghiệp mới là định nghĩa về Tập đoàn, đây là khái niệm hoàn toàn khác so với các công ty có cụm từ Tập đoàn trong tên doanh nghiệp, vốn thường bị nhầm lẫn là hoạt động theo mô hình Tập đoàn. Thực tế hiện nay rất nhiều tên doanh nghiệp có chữ Tập đoàn, tuy nhiên thực tế các doanh nghiệp này vẫn quản trị và hoạt động theo nguyên tắc loại hình công ty đã được đăng ký trong giấy phép kinh doanh.

“Nói về Tập đoàn thì ai cũng hiểu nhưng không ai hiểu giống ai” – ông Hiếu nhận xét. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Tập đoàn không phải là một pháp nhân mà là một tập hợp của một nhóm các công ty có mối quan hệ với nhau, cơ bản về sở hữu hoặc chi phối. Các công ty trong nhóm này là những pháp nhân độc lập, không ai chịu trách nhiệm cho ai và không ai chịu trách nhiệm thay cho ai.

Trên thực tế, Tập đoàn được hình thành sau sự phát triển, mở rộng của các doanh nghiệp dựa trên mối quan hệ kinh tế. Luật nhận biết điều này nhưng chỉ thực hiện điều chỉnh thông qua quy định về sở hữu chéo. “Giả sử công ty A thành lập công ty B với 100% vốn góp thì công ty B sẽ là công ty con của công ty A. Theo quy định về sở hữu chéo, công ty B không được góp vốn, mua cổ phần của công ty A. Ngoài ra, 2 công ty con cùng công ty không được góp vốn để sở hữu chéo lẫn nhau”.

Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, công ty không có vốn Nhà nước, quy định về sở hữu chéo trong Luật Doanh nghiệp 2014 không áp dụng quy tắc hồi tố. “Nếu vi phạm thì phải vi phạm suốt đời, còn nếu đã tuân thủ Luật thì phải tuân thủ suốt đời” – ông Hiếu cho biết. Hay nói cách khác, nếu như sở hữu chéo đã tồn tại trước khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thì các doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động mà không cần hồi tố lại, trong khi nếu các doanh nghiệp hoạt động đúng từ trước khi Luật có hiệu lực sẽ không được vi phạm nguyên tắc sở hữu chéo.

Đối với một vấn đề khác là công ty mẹ - công ty con, ông Hiếu cho biết, trong Luật Doanh nghiệp không có mô hình tổ chức xét về khía cạnh quản trị doanh nghiệp của công ty mẹ - công ty con. Hai công ty mẹ và con hoàn toàn là 2 pháp nhân độc lập và độc lập về trách nhiệm với bên thứ 3.

Còn Luật Doanh nghiệp thực tế chỉ điều chỉnh mối quan hệ khi công ty mẹ và công ty con xảy ra nguy cơ công ty mẹ sử dụng quyền hạn của mình để yêu cầu công ty con thực hiện những việc ảnh hưởng đến lợi ích của công ty con nhưng mang lại quyền lợi cho công ty mẹ, đơn cử nhưng thực hiện những hợp đồng hay các thương vụ mà công ty con có khả năng bị lỗ nhưng công ty mẹ được hưởng lợi nhiều hơn so với khoản lỗ phải chịu từ công ty con.

Để hạn chế trường hợp này, công ty mẹ phải thực hiện các BCTC hợp nhất để minh bạch hoạt động với công ty mẹ. Hoặc khi các cổ đông của công ty con phát hiện ra công ty mẹ sử dụng quyền hạn dựa trên sức ép về sở hữu để ép các công ty con thực hiện trái với thông lệ thị trường gây hại cho công ty con, thì công ty mẹ có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại đó cho công ty con.

“Làm mẹ là không sướng, làm mẹ theo Luật Doanh nghiệp mới là rất rủi ro” – ông Hiếu nhận xét./.