Lãi suất huy động tăng, doanh nghiệp có gặp khó?

Cho đến thời điểm này, rất nhiều “ông lớn” ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn ngắn. Trước đó, hàng loạt các ngân hàng top 2 cũng đã rục rịch tăng lãi suất huy động… Vậy điều này tác động thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong những tháng cuối năm 2016…

29/07/2016 15:38

Cho đến thời điểm này, rất nhiều “ông lớn” ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn ngắn. Trước đó, hàng loạt các ngân hàng top 2 cũng đã rục rịch tăng lãi suất huy động… Vậy điều này tác động thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong những tháng cuối năm 2016…

Điều chỉnh lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn

Theo công bố từ Ngân hàng VPBank, biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ ngày 01/07/2016 điều chỉnh tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 5-12 tháng tăng 0,3% so với biểu lãi suất áp dụng từ 24/05/2016; hiện lãi suất huy động kỳ hạn 5 tháng là 5,5%, kỳ hạn 6 tháng 6,5%, kỳ hạn 7 tháng 6,6%, kỳ hạn 8-11 tháng 6,7% và kỳ hạn 12 tháng 6,9%.

Bên cạnh đó, VPBank cũng điều chỉnh tăng 0,2% và 0,1% lần lượt đối với các kỳ hạn 13 và 15 tháng, lên 6,9%. Riêng các kỳ hạn dưới 3 tháng, lãi suất huy động giảm 0,1%: từ 4,8% xuống 4,7% (1 tháng), 5,0% xuống 4.9% (2 tháng) và 5,1% xuống 5,0% (3 tháng).

Sacombank công bố biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 30/06/2016, theo đó điều chỉnh tăng 0,1% ở các kỳ hạn 1 tháng lên 4,7% và 6 tháng lên 5,8%. Trong khi biểu lãi suất trước đó áp dụng từ ngày 17/05/2016, ngân hàng này đã giảm lãi suất huy động ở hầu như tất cả các kỳ hạn.

“Ông lớn” Vietcombank cũng vừa áp mức lãi suất huy động mới tăng 0,1% đối với các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng. Kỳ hạn 3 tháng tăng từ 5% lên 5,1%, kỳ hạn 6 và 9 tháng tăng từ 5,4% lên 5,5%.

Ngân hàng OCB công bố thay đổi lãi suất lần thứ hai trong tháng 6. Biểu lãi suất áp dụng từ ngày 25/06/2016 không đổi đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn và điều chỉnh giảm 0,3% đối với lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, từ 0,5% xuống 0,2%.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, sở dĩ các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động chỉ là động thái điều chỉnh mang tính cục bộ chứ không phải xu hướng chung. Có thể một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất là để cơ cấu lại nguồn vốn chứ thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá tốt.

Bên cạnh đó, NHNN đã mua vào khoảng 8 tỷ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối đồng nghĩa với việc đã có hơn 150.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường. Diễn biến này đã giúp thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào hơn.

Còn lãnh đạo một số ngân hàng cổ phần cho biết, lãi suất chỉ tăng ở vài kỳ hạn nhằm cân đối lại dòng vốn khi tín dụng trung dài hạn tăng khá nhanh. Do vậy, lãi suất cho vay khó tăng mạnh trong thời gian tới. Bởi lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến cầu tín dụng và sức khỏe nền kinh tế hiện chưa đủ mạnh để chấp nhận mức lãi suất cao…

DN khó cạnh tranh vì lãi suất

Theo ông Cao Sỹ Kiêm-Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội, trong bối cảnh năm 2016, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành, nhiều hiệp định thương mại tự do VN tham gia có hiệu lực, đã và đang tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các DN trong nước. Trong khi câu chuyện lãi suất cho vay vẫn là mối quan tâm hàng đầu khi nguồn vốn vay chủ yếu của DN đến từ hệ thống ngân hàng thương mại. Gần đây, dù DNVVN tiếp cận được vốn từ cơ chế vay tín chấp nhưng rất cần áp dụng mức lãi suất phù hợp, bởi trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, tỉ suất lợi nhuận trên đồng vốn của DN rất thấp, nếu lãi suất cao DN sẽ không chịu nổi…

Rất nhiều DN chia sẻ dù mặt bằng lãi suất đã giảm rất nhiều so với khoảng 3-4 năm trước nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, nhất là khi ngành ngân hàng vẫn là “bà đỡ” chủ yếu về vốn hoạt động cho DNVVN… Nếu lãi suất tăng thêm, DN nội sẽ rất khó trụ vững trước hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Hồng-Phó Thống đốc NHNN cho biết, trước khi áp dụng chính sách điều hành tỉ giá mới, thị trường tiền tệ thế giới có biến động đã tác động không nhỏ tới tỉ giá USD/VNĐ nhưng NHNN không tăng tỉ giá, cũng không điều chỉnh lãi suất là nỗ lực rất lớn. Bởi khi NHNN đưa ngoại tệ ra can thiệp thị trường phải hút tiền đồng về – thị trường thiếu hụt tiền đồng buộc ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động, từ đó cũng tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Lúc này, NHNN một mặt là can thiệp tỉ giá thông qua việc bán ngoại tệ ra thị trường, đồng thời sử dụng các công cụ khác như thị trường mở để hỗ trợ ngân hàng thương mại về thanh khoản và yêu cầu không được tăng lãi suất cho vay. Do đó, rất mong muốn DN đồng hành cùng ngân hàng chia sẻ những khó khăn.