Kiến nghị khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp
14/09/2018 08:38
Vừa qua, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã tổ chức Hội nghị bàn về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và việc thực hiện sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp trong Khối và kiến nghị, đề xuất khắc phục. Đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì Hội nghị.
Đến dự còn có đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị của Đảng ủy Khối; các đồng chí bí thư, phó bí thư các đảng ủy trực thuộc Khối.
Đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chủ trì Hội nghị. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, vướng mắc đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và những kiến nghị, để xuất với Quốc hội, Ban Bí thư, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng "cung" vượt quá "cầu", trong khi giá bán nhiều năm không tăng nhưng các chi phí đầu vào cho sản xuất lại liên tục tăng cao như: giá than, điện, xăng, dầu... làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong Khối.
Bên cạnh đó, môi trường cạnh tranh trong nước diễn ra ngày càng gay gắt, đây là khó khăn đối với hầu hết các đơn vị trong Khối như: Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Bưu điện, Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Thép, Tập đoàn Hoá chất,... Một số sản phẩm của doanh nghiệp trong Khối bị cạnh tranh không lành mạnh do sản phẩm nhập lậu của nước ngoài, gây thất thu cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, điển hình như Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong Khối còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, hệ thống quy định pháp luật. Một số quy định pháp luật dược ban hành bắt buộc phải thực hiện ngay, không có lộ trình chuẩn bị phù hợp đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong Khối như: tiêu chí của kiểm soát trong Luật Doanh nghiệp 2014, chấm dứt hiệu lực của Điều lệ và Quy chế tài chính của doanh nghiệp nhà nước vào ngày 31/12/2015 theo Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 trong khi chưa kịp ban hành các văn bản thay thế.
Đại diện các đảng ủy trực thuộc Khối phát biểu ý kiến tại Hội nghị |
Đặc biệt, sau khi chính sách bãi bỏ quy định quản lý giá cước dịch vụ chuyển vùng quốc tế chiều đến tại Việt Nam có hiệu lực từ 1/6/2017, tất cả các nhà mạng đều đưa ra chính sách giảm giá cước dịch vụ chuyển vùng quốc tế chiều đến. Điều này tác động làm giảm doanh thu dịch vụ chuyển vùng quốc tế chiều đến tại tất cả các nhà mạng, như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Nhiều đơn vị trong Khối gặp khó khăn về thực hiện chính sách tiền lương. Cụ thể về nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương, quan hệ tiền lương giữa mức lương thấp nhất, mức lương trung bình và mức lương cao nhất theo quy định tại Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH chưa linh hoạt phù hợp với yêu cầu tổ chức lao động của doanh nghiệp.
Về việc thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, hầu hết các đơn vị trong Khối đều gặp khó khăn bởi vì hiện chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ, trong khi đó Nghị định đưa ra rất nhiều yêu cầu mới về giá thương hiệu, quyền sử dụng đất giao, đất thuê, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hoá, lịch sử,... khi xác định giá khởi điểm bán cổ phần thoái vốn nhà nước.
Nhiều quy định mới về cổ phần hoá, thoái vốn mới được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, đảm bảo tối đa lợi ích của Nhà nước nên các doanh nghiệp phải thực hiện một số nội dung, công đoạn trong quá trình cổ phần hoá, khiến thời gian cổ phần hoá kéo dài hơn. Theo quy định mới, các doanh nghiệp cổ phần hoá phải rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, trong khi việc phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hoá của các địa phương chậm.
Đại diện lãnh đạo Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phát biểu thảo luận |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Tấn Công - Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhấn mạnh, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và sắp xếp, cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối nhằm đảm bảo doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh trong môi trường pháp lý chung, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, cũng như đảm bảo các quy định được thực hiện nhất quán, rõ ràng, không chồng chéo, phù hợp với vai trò, vị trí và quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Sau Hội nghị này, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương sẽ tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, báo cáo Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tăng tính tự chủ của doanh nghiệp Nhà nước.