Khắc phục yếu tố chủ quan trong đánh giá cán bộ

Đánh giá cán bộ lâu nay vẫn được coi là khó mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu khách quan và tiêu chí cụ thể. Muốn xây dựng đội ngũ cán bộ tốt, trước hết phải đánh giá cán bộ chính xác.

06/08/2018 08:28

Đánh giá cán bộ lâu nay vẫn được coi là khó mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu khách quan và tiêu chí cụ thể. Muốn xây dựng đội ngũ cán bộ tốt, trước hết phải đánh giá cán bộ chính xác.

Đảng ta thừa nhận công tác đánh giá cán bộ là khâu yếu và khó. Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội lần thứ XII của Đảng nêu: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu nhất qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa có những tiêu chí cụ thể và giải pháp khoa học để khắc phục”. Vừa qua, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thống nhất ban hành Nghị quyết về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018) cũng nhận định: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”.

Vậy, làm thế nào để đánh giá đúng cán bộ ? Đây là vấn đề khó, phức tạp, vì đó là vấn đề liên quan trực tiếp đến con người, chịu sự tác động của nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 nêu 5 đột phá, trong đó, đột phá thứ nhất là “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương”.

Kết quả đánh giá cán bộ là cơ sở đặc biệt quan trọng để đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, cất nhắc, đãi ngộ cán bộ. Nếu đánh giá đúng sẽ tạo ra động lực phát triển, còn ngược lại đánh giá không thực chất, không khách quan ắt sẽ dẫn đến những sai lệch trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, cất nhắc cán bộ, thậm chí còn tạo cơ hội để một số cán bộ lợi dụng kết quả đánh giá cán bộ để chạy thành tích, chạy thi đua khen thưởng, chạy chức, chạy quyền…

Thực tiễn cho thấy, để nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, ngoài những yếu tố khách quan như: có bộ tiêu chí làm công cụ đánh giá, kết quả khảo sát, sản phẩm cụ thể… còn tùy thuộc vào yếu tố chủ quan là thái độ và ý chí của người đánh giá, cơ quan đánh giá cán bộ. Để khắc phục yếu tố chủ quan, cảm tính, bảo đảm công tác đánh giá cán bộ thực sự khách quan, công tâm, hiệu quả, thiết nghĩ người đánh giá, cơ quan đánh giá cán bộ cần quyết tâm, nghiêm túc thực hiện các yêu cầu trong đánh giá cán bộ, trong đó có những yêu cầu rất cơ bản như:

1. Cần phải có đủ thông tin về cán bộ được đánh giá, trong đó sản phẩm lao động của cán bộ được đánh giá đã thực hiện; kết quả đó được so sánh, đối chiếu với yêu cầu của vị trí việc làm, với ngạch, bậc cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng và kế hoạch được giao. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá đúng cán bộ.

2. Phải nghiêm túc chấp hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ đã đề ra, tất nhiên sẽ không có bộ tiêu chí nào hoàn hảo, đo được tất cả các hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đối với các cơ quan tham mưu, nghiên cứu, hành chính sự nghiệp… Song các bộ tiêu chí đã đề ra chắc chắn sẽ lượng hóa được cơ bản hoạt động của cán bộ, công chức. Vì vậy, phải được tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc; qua thực tiễn đánh giá có điểm nào trong bộ tiêu chí chưa phù hợp thì sửa đổi, bổ sung kịp thời.

3. Người đánh giá, cơ quan đánh giá cán bộ trước khi đánh giá cán bộ cần lắng nghe thêm các ý kiến, các luồng dư luận về cán bộ được đánh giá; phát động các thành viên tham gia đánh giá cán bộ, công chức, viên chức dám nói thẳng, nói thật, tranh luận công khai về kết quả việc làm của cán bộ, công chức (khi cần thiết). Người có trách nhiệm đánh giá cán bộ cần dũng cảm, thẳng thắn đưa ra quyết định đánh giá, dám chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá cán bộ, đối thoại khi có ý kiến chưa đồng thuận; chấn chỉnh những tư tưởng, nhận thức không đúng, không nghiêm túc trong đánh giá cán bộ.

Người đánh giá cán bộ phải kiên quyết loại bỏ lợi ích nhóm, cánh hẩu, tư tưởng sợ mất phiếu bầu, sợ mất lòng, nể nang, né tránh; vượt lên sự cám dỗ (nếu có)… thì việc đánh giá cán bộ sẽ nghiêm túc, hiệu quả, tâm phục, khẩu phục.

Thêm vào đó, việc đánh giá cán bộ phải chú ý đến yếu tố rèn luyện để thạo nghề, thạo việc; hăng hái thi đua nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc được phân công; tăng cường trao đổi với đồng chí, đồng nghiệp, tăng cường tình đoàn kết trong cơ quan, địa phương, đơn vị.

Nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ sẽ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới, nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước trước nhân dân. Đây là vấn đề cần được quan tâm đầy đủ ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đồng thời là vấn đề cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Việc đánh giá cán bộ nghiêm túc ban đầu chắc chắn sẽ vấp phải những ý kiến khác nhau, trong đó, có thể có những ý kiến chưa đồng thuận, bởi việc làm này đối lập với cách đánh giá cảm tính, bè cánh, xuê xoa, thiếu cơ sở. Song dần dần sẽ quen, sẽ tạo ra bầu không khí mới trong thực hiện nhiệm vụ chung. Điều đó không chỉ giúp cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà còn giúp cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm.