Khắc phục bệnh hình thức, đối phó trong học tập nghị quyết của Đảng hiện nay
31/10/2019 16:23
Thông thường trung bình trong một năm, các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở phải triển khai thực hiện học tập, quán triệt và tuyên truyền từ 3 đến 5 nghị quyết của Đảng đến từng chi bộ, từng đảng viên để học tập và thực hiện. Thế nhưng cách thức tổ chức thực hiện và hiệu quả của việc học tập nghị quyết đến đâu đang là một vấn đề cần được nhận diện đầy đủ, phân tích rõ nguyên nhân, đưa ra những giải pháp khắc phục kịp thời, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Nhìn nhận và quan sát dưới góc độ một đảng viên gần 20 năm tuổi đảng, đã tham gia học tập rất nhiều nghị quyết của Đảng. Qua quá trình học tập, sinh hoạt nhận thấy có nhiều vấn đề cần phải bàn luận, để góp phần nâng cao hiệu quả của việc học tập nghị quyết.
Trong cấu trúc của mỗi một nghị quyết của Đảng bao giờ cũng có một phần quy định về tổ chức thực hiện và trong đó sẽ có một điểm liên quan đến học tập, quán triệt nghị quyết. Tùy từng đối tượng, nội dung, phạm vi để quy định một cách chi tiết việc tổ chức học tập, thực hiện nghị quyết, nhưng tựu trung lại đó là: (1) Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc nội dung nghị quyết; hoặc (2) Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức việc học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng nghị quyết, kết quả thực hiện nghị quyết; hoặc (3) Nghị quyết, chỉ thị này được phổ biến đến từng chi bộ.
Trước hết, phải khẳng định rằng việc học tập nghị quyết của Đảng là chủ trương đúng để đưa nghị quyết đến từng chi bộ, từng đảng viên và thông qua đảng viên gián tiếp đến với đông đảo tầng lớp nhân dân nắm rõ những định hướng, chủ trương, chính sách và thực hiện nghị quyết. Và, cũng phải thừa nhận rằng, các cấp ủy đảng đã “hoàn thành nhiệm vụ” dưới góc độ “tổ chức lớp học” để triển khai quán triệt việc thực hiện các nghị quyết.
Thế nhưng, thực tiễn triển khai thế nào và cách thức thực hiện, hiệu quả mang lại ra sao là vấn đề cần được quan tâm nhận diện và đánh giá một cách khách quan, trung thực và thẳng thắn. Từ đó để điều chỉnh, uốn nắn kịp thời, tránh việc chỉ tổ chức thực hiện học tập mang tính hình thức và báo cáo “đã triển khai tổ chức học tập nghị quyết”.
Thứ nhất, nhìn nhận dưới góc độ triển khai nghị quyết của các cấp ủy đảng.
Trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước của nước ta hiện nay bao gồm các cơ quan quản lý theo ngành hay lĩnh vực ở Trung ương và địa phương; có cơ quan được thiết kế thành hệ thống tập trung theo ngành dọc hoặc theo cấp chính quyền địa phương, trong khi đó không phải nghị quyết nào của Đảng cũng bao trùm toàn bộ các vấn đề liên quan đến tất cả các bộ, ban, ngành, đoàn thể hay địa phương. Do vậy, cần phải xem lại việc các cấp ủy đảng tổ chức học những nghị quyết mà ít có liên quan, hoặc ít có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của bộ, ban, ngành, địa phương, đơn vị mình. Có như vậy việc học tập nghị quyết mới mang lại tính thiết thực và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương, cơ quan đơn vị. Và từ đó, mỗi đảng viên mới cảm thấy nghị quyết này là thiết thực với công việc đang triển khai của đơn vị mình, mới hăng say học tập, lắng nghe, tìm hiểu và thấm nhuần, đồng thời mới vận dụng khả năng tư duy, sáng tạo trong thực hiện nghị quyết.
Thứ hai, nhìn nhận về ý thức học tập nghị quyết của đảng viên.
Có lẽ không ít đảng viên đang tồn tại một suy nghĩ ngấm ngầm bất thành văn và cùng nhau đối phó “đi học cho đủ người, họ điểm danh đấy”, hoặc “khi nào điểm danh nháy máy nhé”, hoặc “nhớ giơ tay hộ nhé”, hoặc “nhớ ghi tên hộ nhé”,… Tất cả những biểu hiện này là do ý thức đối phó trong việc tham gia học tập nghị quyết.
Bản thân tôi cũng đã có lần đứng trên bục với vai trò thuyết trình, dẫn dắt một vài chuyên đề sinh hoạt đảng, có đứng ở trên nhìn xuống dưới mới thấy rõ những biểu hiện về ý thức học tập nghị quyết của nhiều đảng viên.
Dãy bàn ở trên thông thường được bố trí cho những vị đại biểu, những người giữ chức vụ lãnh đạo đơn vị, nhưng ngay cả dãy bàn này nhiều khi trước mặt đại biểu là những tập tài liệu được coi là phải giải quyết ngay, hoặc là bàn luận công chuyện với lãnh đạo đồng cấp khác, hoặc là gọi điện điều hành công việc ở cơ quan mà ít chú ý, lắng nghe đến báo cáo viên đang truyền đạt nghị quyết. Lãnh đạo đã vậy, thì cấp dưới sẽ ra sao?
Những dãy bàn kế tiếp sẽ thuộc về đối tượng lãnh đạo cấp thấp hơn. Ở phân khúc này thì thường xuyên biểu hiện qua những câu chuyện thì thầm, hàn huyên với nhau, ít có biểu hiện lắng nghe nghị quyết. Những câu chuyện về chủ đề về ship hàng, về giúp việc, về làm đẹp, về du lịch, giảm cân theo phương pháp luyện tập yoga - fitness, về ứng xử mẹ chồng, nàng dâu, hoặc uống bia ở đâu ngon mà không bị đau đầu,… trở nên hấp dẫn trong những buổi học nghị quyết.
Một trạng thái khác của lớp học thường phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 đó là mỗi người một máy điện thoại thông minh, hầu như mọi màn hình đều ở trạng thái kết nối in-tơ-net bật sáng. Chưa có một khảo sát, đánh giá bằng con số cụ thể nhưng dám chắc rằng đến 50 % số người khi tham gia học nghị quyết đều có tham gia sử dụng điện thoại cho mục đích giải trí thông qua mạng xã hội.
Và cũng thứ tự theo đúng thứ bậc rõ ràng, xa xa những hàng ghế cuối cùng là những người hay ngủ, hoặc có ý định ra về sớm, làm việc riêng,… đều lựa chọn những vị trí phù hợp này để thực hiện các mục đích cá nhân của mình một cách thuận tiện và lặng lẽ.
Ngoài ra, còn rất nhiều biểu hiện như đi muộn, về sớm, ra vào giữa giờ, nghe nói chuyện điện thoại,… diễn ra thường xuyên trong mỗi đợt học tập nghị quyết của Đảng.
Từ những biểu hiện trên đây đã phần nào làm giảm đi tính nghiêm túc của một lớp học nghị quyết, giảm đi hiệu quả việc triển khai học tập nghị quyết của Đảng và dẫn đến không hiệu quả, tốn kém cả về thời gian và ngân sách, trong khi đó công việc chuyên môn phải gác lại để dành thời gian cho việc học tập nghị quyết. Và tôi tin rằng, sau những buổi học nghị quyết như thế, rất nhiều người trong số đó đã không hiểu và nắm được gì về nghị quyết mà mình vừa được truyền đạt.
Một số đề xuất
Một là, cơ quan ban hành nghị quyết cần đánh giá lại một cách trung thực, khách quan về hiệu quả đạt được của việc triển khai học tập, tuyên truyền thực hiện nghị quyết. Từ đó xem xét lại một cách toàn diện trong tổ chức triển khai, học tập nghị quyết.
Hai là, về phía cơ quan tổ chức lớp học cần phải xem xét, sàng lọc những nội dung, nghị quyết liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình để học tập thì mới phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải có phương pháp, cách thức tổ chức lớp học làm sao cho thật hiệu quả, kể cả về thời gian, địa điểm tổ chức, tránh tình trạng những năm vừa qua, có những nơi chọn đúng thời điểm những ngày cuối năm để tổ chức; kể cả khâu trang trí cũng nên thay đổi bằng hình thức thiết kế trình chiếu slide thay cho việc in ấn phông bạt, vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ được môi trường. Việc điểm danh hoặc báo cáo số liệu người tham gia học tập cũng đã được đặt ra nhưng kết quả cũng chỉ là lưu trữ trong hồ sơ tổ chức lớp học. Việc báo cáo thu hoạch sau mỗi lớp học nghị quyết đều diễn ra, tuy nhiên, cần đổi mới và thiết kế lại, tránh tình trạng 100% đảng viên đã viết đầy đủ thu hoạch nhưng bản thu hoạch được sao chép của nhau, thay tên đổi họ và in, gửi nộp ban tổ chức, gây lãng phí tài chính, ngân sách của đơn vị. Đảng viên đi học không hiểu, hoặc hiểu lơ mơ một cách chung chung và không thấm nhuần những tư tưởng chỉ đạo đã nêu trong nghị quyết, dẫn đến vô tình hoặc cố ý hành động và thực hiện không đúng với chủ trương, đường lối của Đảng đề ra.
Ba là, về báo cáo viên và nội dung truyền đạt. Cần phải thuyết trình có trọng tâm, trọng điểm hơn, tránh tràn lan và không thiết thực. Cái mà đảng viên cần đó là phương pháp, cách thức, quy trình để vận dụng nghị quyết trong thực thi nhiệm vụ được giao, việc thực hiện đó có những trở ngại, khó khăn hoặc mâu thuẫn như thế nào, nếu thực hiện và không thực hiện thì sẽ ra sao? Bản thân báo cáo viên phải nghiên cứu kỹ đối tượng học tập nghị quyết để truyền đạt nội dung của nghị quyết phù hợp.
Bốn là, về ý thức của đảng viên, từng đảng viên phải từ bỏ quan niệm và thói quen đã tồn tại bấy lâu là đi học cho đầy đủ số lần, số lượng quy định; từ bỏ ý nghĩ việc triển khai nghị quyết là trách nhiệm thuộc về các cấp lãnh đạo, mình "thì chỉ đâu đánh đấy", mà thiếu đi trách nhiệm và nghĩa vụ phải tiếp thu, phải lĩnh hội những quan điểm, mục đích, ý nghĩa nghị quyết mà Đảng đã phải dày công thiết lập, để từ đó xây dựng cho mình một kế hoạch, hoặc cùng tổ chức thực hiện nghị quyết đó.
Mỗi một nghị quyết của Đảng đều chứa đựng và thể hiện những quan điểm, định hướng, chủ trương, chính sách và đường lối phát triển cho đất nước, địa phương. Nghị quyết đã ban hành phải được triển khai, phổ biến thống nhất trong toàn Đảng và được thực hiện mang ý nghĩa hành động thiết thực để phục vụ nhân dân, để xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Vì vậy, nâng cao hiệu quả học tập nghị quyết là yêu cầu bức thiết để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống hiệu quả.