Kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Habeco, Petrolimex, Vinatex, VnSteel... năm 2018
06/02/2018 16:56
Theo kế hoạch thoái vốn trong năm 2018 của Bộ Công Thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ thoái vốn với tỷ lệ tối thiểu dự kiến thoái khoảng 24,86%, Tập đoàn Dệt may Việt Nam thoái 53,48%, Tổng Công ty Thép Việt Nam thoái 57,92%.
Năm 2018 sẽ tiếp tục là năm được Bộ Công Thương triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu và thoái vốn doanh nghiệp trong ngành.
Theo danh mục 10 doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương quản lý sẽ tiến hành thoái vốn trong năm 2018 vừa được Bộ Công Thương công bố, bao gồm nhiều Tập đoàn, Tổng Công ty với tỷ lệ thoái vốn tối thiểu so với vốn điều lệ khá lớn.
Trong đó, có các đơn vị lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với tỷ lệ vốn tối thiểu dự kiến thoái khoảng 24, 86%, Tổng Công ty CP Xây dựng Việt Nam thoái 46,75%, Tổng Công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp thoái 63,54%, Tập đoàn Dệt may Việt Nam thoái 53,48%, Tổng Công ty Thép Việt Nam thoái 57,92%.
Ngoài ra, trong danh mục này còn có các doanh nghiệp trong các ngành đa dạng khác như Công ty CP Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty CP Xây dựng và Nhập khẩu tổng hợp, Công ty CP Nhựa Việt Nam, Công ty CP Nông Thủy sản Việt Nam và Công ty CP Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng.
Theo Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương, tính đến nay, Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đề án cổ phần hóa đối với 3 đơn vị và Tổng Công ty Phát điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã hoàn thành việc thẩm định giá trị doanh nghiệp và đề nghị kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán giá trị DN đối với Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam, Viện Dệt may và Viện mẫu thời trang, hoành thành quyết toán thuế và báo cáo tài chính để xác định giá trị doanh nghiệp đối với Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại.
“Đối với các Tập đoàn Kinh tế, Bộ cũng chủ trương đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn các DN trực thuộc theo các Đề án tái cơ cấu DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đến nay Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016 – 2020 của EVN, TKV, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và đang trình xin ý kiến Bộ Chính trị về Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết đối với các doanh nghiệpn đã cổ phần hóa như Sabeco, Habeco, Bộ đã chỉ đạo các Tổng Công ty thực hiện thoái vốn theo đúng lộ trình theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó, Sabeco đã thoái được 53,59% vốn, thu về 110.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Riêng với Habeco, đang tiếp tục gấp rút hoàn thiện phương án thoái vốn của DN này báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đối với trường hợp Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM), Bộ đã trình Chính phủ phương án thoái vốn, theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ cũng đang tổ chức thực hiện.
Bà Tào Thị Kim Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã cổ phần hóa và thoái vốn 17 doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có 6 Tập đoàn, Tổng công ty.
Ngay trong tháng 1/2018, Bộ Công Thương đã đã IPO thành công 3 đơn vị là Tổng công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam ) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Kết quả IPO tương đối khả quan, số tiền thu về cho nhà nước gấp nhiều lần so với dự kiến trước IPO.
Đại diện Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp cũng cho biết, năm 2018, Bộ Công Thương sẽ tập trung thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Máy Động lực và Máy nông nghiệp (VEAM).
Riêng với Habeco, trong năm 2018, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung đàm phán, xử lý các vướng vấn đề tồn tại trong hợp đồng với Carberg, làm làm cơ sở cổ phần hóa tại Habeco.