Hướng dẫn tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị 42 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 143-HD/BTGTW tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”. TG trân trọng giới thiệu toàn văn bản Hướng dẫn.

20/08/2020 19:09

Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 143-HD/BTGTW tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”. TG trân trọng giới thiệu toàn văn bản Hướng dẫn.

Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, bất thường, gây tổn thất nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Ngày 24/3/2020, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thịsố 42-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”; Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị nàynhư sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội để triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; qua đó góp phần giảm thiểu thiệt hại, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

- Thông qua tuyên truyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; vận động nhân dân, nhất là ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

- Công tác tuyên truyền cần triển khai thường xuyên, kịp thời với nhiều hình thức đa dạng, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm từng đối tượng, từng vùng và gắn kết với việc triển khai tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước và của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tập trung tuyên truyền về Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư, trong đó chú trọng một số nội dung sau:

- Vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, đổi mới tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.

- Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Xu thế biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình thiên tai trên thế giới vàViệt Nam; những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu tới kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân.

- Tầm quan trọng của việc lồng ghép công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương; việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát an toàn thiên tai trong tất cả các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai.

- Tầm quan trọng và kết quả triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; nêu bật bài học kinh nghiệm; chỉ rõ những khó khăn thách thức hiện nay.

- Việc kiện toàn hệ thống bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng cứu hộ, cứu nạn các cấp và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở. Việc đầu tư, nâng mức bảo đảm của hệ thống công trình phòng, chống thiên tai như đê điều, hồ chứa, khu tàu thuyền tránh trú, công trình chỉnh trị sông, biển, hệ thống thông tin liên lạc, giám sát thiên tai; nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng công trình công cộng, dân sinh, kinh tế.

- Công tác xã hội hóa, hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Giải pháp nâng cao độ tin cậy của dự báo, cảnh báo; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin, phát triển hệ thống ưu tiên cảnh báo khẩn cấp về thiên tai lớn.

2. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai; vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước phát huy tinh thần “tương thân, tương ái” tích cực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và thiên tai.

3. Giới thiệu, biểu dương, nhân rộng những tập thể, tổ chức, cá nhân tiêu biểu; những sáng kiến, mô hình hay, giải pháp hữu hiệu của các địa phương, đơn vị. Phát hiện, đấu tranh kịp thời với những hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống thiên tai; biểu hiện chủ quan, thờ ơ, vô cảm đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; những hành vi tung tin không chính xác, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng.

III. CÁC HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

1. Thông tin, tuyên truyền trên báo chí: Thường xuyên cập nhật tình hình, thông tin, ưu tiên dung lượng, thời lượng tuyên truyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

2. Tuyên truyền qua các ấn phẩm tuyên truyền (tờ rơi, sổ tay, bản tin thông báo nội bộ, tài liệu tuyên truyền, tài liệu hỏi - đáp, video, clip, thơ ca, hò vè, các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, mô hình mô phỏng thực tế ảo,…).

3. Tuyên truyền trực quan bằng việc sử dụng các phương tiện tượng trưng, như: Tranh cổ động, băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích,...tại nơi công cộng, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai.

4. Tăng cường thời lượng, tần suất tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống đài phát thanh, truyền hình địa phương, tự động chèn sóng, gửi cảnh báo trong trường hợp khẩn cấp qua dịch vụ viễn thông di động mặt đất, đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương.

5. Tuyên truyền bằng xe lưu động vào những thời điểm dự báo sắp xảy ra thiên tai đến từng địa bàn dân cư, chú trọng các thôn, xã vùng sâu, vùng xa, địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu.

6. Tuyên truyền trên Internet, mạng xã hội: Các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân tích cực đăng tải, chia sẻ các tin, bài viết, thông tin chính thống về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên Internet, mạng xã hội trong và ngoài nước (Trang thông tin điện tử của các ban, bộ, ngành, địa phương, Facebook, Zalo, Youtube, VCNET,...).

7. Tuyên truyền lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên, sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; sinh hoạt văn hóa cộng đồng, sinh hoạt tôn giáo, các chương trình sinh hoạt ngoại khóa và thể chất trong nhà trường…

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW theo mục II, III của Hướng dẫn này. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch cấp độ thông tin, tuyên truyền cho phù hợp với diễn biến tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu để thực hiện công tác ứng phó, phòng ngừa kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất, lãnh đạo việc tổ chức thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai tại ngành, địa phương mình.

- Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tư tưởng để người dân yên tâm, tin tưởng, tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, tuyên truyền để thông tin kịp thời, chính xác về tình hình thiên tai và kịp thời cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, ứng phó đến cộng đồng dân cư địa phương.

- Chỉ đạo xử lý nghiêm những hành vi thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; những hành vi lợi dụng tình hình thiên tai để tung tin không chính xác, gây hoang mang trong nhân dân.

2. Ban Tuyên giáoTrung ương

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW; hằng năm xây dựng kế hoạch triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc bảo đảm kết nối thông tin, cảnh báo đến cộng đồng, người dân, hệ thống thông tin công tác tuyên giáo trong tình huống thiên tai khẩn cấp.

- Tổ chức tập huấn, cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức cho cán bộ tuyên giáo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đội ngũ báo cáo viên Trung ương về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW; kết quả và thách thức, giải pháp trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các ban, bộ, ngành, địa phương về diễn biến, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu.

- Lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chương trình, đề án về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trong chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là xây dựng phương án tuyên truyền, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong trường hợp thiên tai khẩn cấp.

- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo cùng cấp và các cơ quan liên quan tham mưu cấp ủy xây dựng nội dung, kế hoạch tuyên tuyền hằng năm; biên tập, xây dựng các tài liệu giáo dục, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, đặc điểm thiên tai, đặc điểm văn hóa, xã hội từng địa bàn.

- Chỉ đạo việc tổng hợp, biên tập tài liệu, sản phẩm tuyên truyền của các ngành, các cấp để xây dựng cơ sở dữ liệu quy mô toàn quốc, phổ biến, chia sẻ rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân.

4. Ban cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo quản lý chặt chẽ công tác thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin về diễn biến, tình hình thiên tai và công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; xử phạt nghiêm minh việc thông tin không chính xác, sai lệch.

- Chỉ đạo việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin, bảo đảm cung cấp và tiếp nhận thông tin về thiên tai thông suốt giữa các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và người dân. Phát triển việc tự động chèn sóng đưa thông tin khẩn cấp quan trọng về thiên tai trên kênh truyền hình và đài phát thanh quốc gia và địa phương để cảnh báo đến người dân. Chỉ đạo hệ thống viễn thông gửi tin nhắn đến cộng đồng khi có thiên tai lớn.

5. Ban cán sựĐảng Bộ Tài Nguyên và Môi trường

- Chỉ đạo xây dựng, vận hành và phát tin về cảnh báo thiên tai bảo đảm chính xác, kịp thời đến nhân dân; tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, sử dụng thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai.

- Chỉ đạo xây dựng tài liệu truyền thông về phòng, chống thiên tai phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bộ để phổ biến, tuyên truyền.

6. Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW, các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cho đội ngũ quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh trong các nhà trường.

- Chỉ đạo việc xây dựng hướng dẫn phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cho giáo viên và học sinh; lồng ghép kiến thức về phòng, chống thiên tai vào các chương trình giảng dạy ở các cấp học.

- Chỉ đạo xây dựng tài liệu truyền thông về phòng chống thiên tai trong nhà trường, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bộ để phổ biến, tuyên truyền.

7. Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền cổ động trực quan về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại nơi công cộng, trường học, điểm văn hóa, các lễ hội, các di tích lịch sử, các cơ sở bảo tàng, địa điểm du lịch,...

8. Ban cán sự đảng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

- Chỉ đạo tuyên truyền nội dung thực thi chính sách và chế độ trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội do chịu tác động của thiên tai.

- Chỉ đạo các Sở Lao động,Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao hiểu biết, kĩ năng cho các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật,…) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

9. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

- Chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền quán triệt nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW, quy định của pháp luật về công tác phòng chống thiên tai trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên.

- Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai để chủ động cung cấp thông tin, tuyên truyền một cách phù hợp cho cán bộ, đoàn viên và hội viên; thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cựctham gia phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW.

10. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương

- Tham mưu cấp ủy đảng xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền; tăng cường công tác kiểm tra, định hướng việc đăng tải thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để chỉ đạo tổ chức các biện pháp thông tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động tuyên truyền; biên tập, xây dựng các tài liệu tập huấn, tuyên truyền phù hợp với đặc điểm thiên tai, đặc điểm văn hóa, xã hội từng địa bàn.

- Theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để tham mưu cho cấp ủy đảng có những giải pháp tuyên truyền kịp thời, góp phần ổn định tư tưởng trong xã hội.

11. Các cơ quan thông tấn, báo chí

- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí bám sát nội dung của Chỉ thị số 42-CT/TW và tình hình thực tế, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phù hợp; chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai xây dựng kế hoạch phát sóng các chương trình; mở chuyên trang, chuyên mục, bài viết và xây dựng một số tài liệu, sản phẩm tuyên truyền về phòng chống thiên tai.

- Phản ánh kịp thời với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các cơ quan chức năng về ý kiến của người dân, cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai.

- Các đài Phát thanh - Truyền hình và báo tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan phòng chống thiên tai địa phương xây dựng kế hoạch, nội dung, mở chuyên mục tuyên truyền về Chỉ thị số 42-CT/TW và công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

- Các chương trình phát thanh, truyền hình tại địa phương cần xem xét nghiên cứu cho phù hợp với đối tượng khán giả, đặc biệt là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương như dân tộc miền núi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật,…

Ban Tuyên giáo Trung ương