Hướng dẫn kê khai thuế với phế liệu, phế phẩm thu được trong sản xuất
22/10/2018 10:06
Khi thực hiện thủ tục kê khai DN chỉ kê khai đối với phế liệu, phế phẩm thu được từ nguồn nguyên liệu, vật tư nhập khẩu. Đối với phế liệu, phế phẩm thu được từ nguồn nguyên liệu, vật tư trong nước thì DN không phải kê khai.
Đó là nội dung Tổng cục Hải quan hướng dẫn cục hải quan các tỉnh, thành phố và Tập đoàn Dệt may Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, việc kê khai thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có) với cơ quan Hải quan đối với phế liệu, phế phẩm của hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu đã được quy định tại Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ, Điều 71 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC.
Khi thực hiện thủ tục kê khai Tập đoàn Dệt may Việt Nam chỉ kê khai đối với phế liệu, phế phẩm thu được từ nguồn nguyên liệu, vật tư nhập khẩu. Đối với phế liệu, phế phẩm thu được từ nguồn nguyên liệu, vật tư trong nước thì doanh nghiệp không phải kê khai; cơ sở tính thuế được xác định trên trị giá của phế liệu, phế phẩm nên doanh nghiệp không phải bóc tách cụ thể từng loại phế liệu, phế phẩm.
Việc kê khai phế liệu, phế phẩm của hàng sản xuất xuất khẩu thực hiện như sau: Đối với phế liệu, phế phẩm, trường hợp hồ sơ điện tử thực hiện khai theo mẫu 04 Phụ lục lIa ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Trường hợp hồ sơ giấy khai theo mẫu 06/BKKTT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Tên hàng trên bảng kê khai đúng theo tên hàng thực tế bán ra, trị giá khai theo giá bán ra chưa có thuế GTGT.
Đối với phế thải, thực hiện theo quy định tại Điều 71 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Theo đó, đối với xử lý phế thải tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ghi chép sổ sách chi tiết, xuất trình cho cơ quan hải quan khi kiểm tra.