Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW, Kết luận 77-KL/TW của Bộ Chính trị và thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức
14/09/2020 17:09
Ngày 10/9, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị "Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Kết luận 77-KL/TW, ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị "Về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước", những chủ trương phòng chống dịch trước diễn biến mới và thông tin chuyên đề, cập nhật kiến thức về các nội dung cơ bản trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2020 cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Đảng bộ Khối bằng hình thức trực tuyến tại các điểm cầu (Hà Nội và TP. HCM).
Tham dự Hội nghị, có các đồng chí: Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối; Phạm Tấn Công - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối; các đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy Khối: Lê Văn Châu, Hoàng Giang cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối; lãnh đạo các ban, đơn vị, báo cáo viên của Đảng ủy Khối; Ủy viên Ban Thường vụ các đảng ủy trực thuộc; thành viên HĐTV/HĐQT, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, thủ trưởng cơ quan hợp nhất thực hiện chức năng, nhiệm vụ Tuyên giáo các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối và lãnh đạo các ban, đơn vị Cơ quan Đảng ủy Khối.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký, Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương truyền đạt nội dung thông tin những điểm mới nổi bật và nội dung cơ bản trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho biết, Đại hội XIII sẽ thảo luận nhiều Văn kiện, bao gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị (là báo cáo trung tâm); Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030); Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Dự thảo các văn kiện tại Đại hội XIII của Đảng xin ý kiến đại hội đảng các cấp có nhiều điểm mới so với Đại hội XII. Trong đó, có các điểm mới về nhiệm vụ; xác định chủ đề, phương châm chỉ đạo Đại hội; mới trong cách tiếp cận xác định mục tiêu phát triển, trong xác định ý nghĩa của thành tựu thực hiện công cuộc đổi mới và Cương lĩnh, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030,...
PGS.TS Phạm Viết Thông - Tổng thư ký, Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương truyền đạt nội dung Chuyên đề. |
Về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, tại phiên họp ngày 29/5/2020, Bộ Chính trị đã thảo luận và ban hành Kết luận 77-KL/TW, ngày 05/6/2020 của Bộ Chính trị “Về chủ trương khắc phục và phát triển nền kinh tế đất nước”. Kết luận đánh giá tình hình và nêu rõ định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và dài hạn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế với những cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhanh chóng tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, hiệu quả, phù hợp để đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới, mở rộng quan hệ đối tác gắn với mở rộng thị trường khi cấu trúc kinh tế thế giới có sự thay đổi, điều chỉnh.
Xác định rõ các cơ hội và thách thức để đưa ra các giải pháp tận dụng, chuyển hóa cơ hội và thách thức các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế. Khắc phục, tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng các chính sách đặc biệt, tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh, khả năng chống chịu và tính tự chủ của nền kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho rằng, một trong những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong thời gian tới là tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chính sách miễn thuế, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 trong năm 2020. Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày nội dung Chuyên đề "Cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2020". |
Về Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, PGS.TS Nguyễn Viết Thông nêu, sau 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW, ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng nói chung đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra. Cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Công nghiệp khai thác dầu khí và lọc hóa dầu phát triển mạnh; sản lượng khai thác dầu khí tăng cao, hình thành được một số cơ sở lọc hóa dầu quy mô lớn. Đã đầu tư xây dựng nhiều dự án mỏ than có công suất lớn; sản lượng khai thác than thương phẩm tăng; thủy điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao; việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng được quan tâm, huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nòng cốt là các doanh nghiệp nhà nước. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Điểm cầu số 2 tại Hội trường Tổng công ty Hạ tầng mạng VNPT-NET, số 30 Phạm Hùng, quận Nam Tư Niêm, Hà Nội. |
Nghị quyết đã đề ra mục tiêu tổng quát nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Ngành năng lượng phát triển hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
Với mục đích thống nhất nhận thức và hành động; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và người lao động của Đảng bộ Khối và các Đảng bộ trực thuộc nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã xây dựng dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, góp phần quan trọng, quyết định thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.
Đồng chí Đoàn Thị Hồng Nga - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương trình bày dự thảo Chương trình hành động của Đảng ủy Khối thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị. |
Tại Hội nghị, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chia sẻ nội dung cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2020.
Theo Bloomberg, kinh tế Việt Nam 8 tháng năm 2020 là một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới có cơ hội tăng trưởng dương trong năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 so với tháng 7 tăng 6,5%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 2, giúp kim ngạch đầu năm đến nay vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2019. Chính phủ đã nỗ lực kịp thời, quyết liệt và chủ động trong khống chế dịch , bỏ “giãn cách xã hội” từ cuối tháng 4 và “mở cửa lại” nền kinh tế; hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhưng duy trì, không phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô; bám sát tình hình, lắng nghe doanh nghiệp, xây dựng kịch bản khác nhau, kể cả xấu nhất, để có phương án xử lý thích hợp nhất có thể.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, tuy nhiên kinh tế Việt Nam còn khó khăn ở phía trước; những bước tiếp theo của Việt Nam trong thời gian tới là tiếp tục thực thi hiệu quả chính sách hỗ trợ thêm các biện pháp bổ sung như kéo dài thời hạn xử lý nợ và đóng thuế, phí; giảm thuế, phí cùng hỗ trợ một số tập đoàn, tổng công ty, công ty lớn; xem xét các gói kích thích kinh tế mới tính đến cả năm 2021; đẩy mạnh cải cách cơ cấu thích ứng với các xu thế phát triển mới; tận dụng lợi thế các FTAs và chiến lược đầu tư nước ngoài. Đối với các doanh nghiệp trong nước, tiếp tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh, kết nối có cạnh tranh, sáng tạo và chuyển động cùng cách mạng công nghiệp 4.0; huy động vốn, xây dựng thương hiệu, thực hiện an sinh xã hội.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu TP.HCM. |