Hoàn thiện thể chế để đẩy lùi tham nhũng

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu đã dành thời gian để thảo luận về Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 của Chính phủ. Rất nhiều băn khoăn, lo lắng đã được đặt ra trong bối cảnh tình hình tham nhũng đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng mà chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi.

31/10/2016 09:40

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV, các đại biểu đã dành thời gian để thảo luận về Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 của Chính phủ. Rất nhiều băn khoăn, lo lắng đã được đặt ra trong bối cảnh tình hình tham nhũng đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng mà chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi.

Đại biểu QH hoan nghênh Chính phủ lần đầu tiên nhìn nhận thẳng thắn trước QH: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, không hoàn thành trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, có những trường hợp phạm tội tham nhũng phải xử lý trước pháp luật”. Nhìn nhận thực tế nêu trên, Chính phủ còn cho thấy “bức tranh” tham nhũng hiện nay, với mức độ phức tạp, nghiêm trọng và phổ biến.

Đi sâu phân tích, nhiều đại biểu QH chỉ ra rằng: Một trong những hạn chế lớn của công tác PCTN là chưa chỉ rõ tồn tại, hạn chế và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền. Trong các báo cáo về công tác PCTN nhiều năm nay, vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung, không có địa chỉ cụ thể, cho nên không xác định được trách nhiệm cá nhân và không có tác dụng mạnh mẽ để chỉnh đốn, thay đổi. Quyết tâm chống tham nhũng chỉ trên văn bản, còn hành động trên thực tế chưa tương xứng. Phải phân định rõ ràng trách nhiệm tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân, tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm, không quy được trách nhiệm cho ai hoặc là lấy trách nhiệm tập thể làm nơi lẩn tránh an toàn cho trách nhiệm cá nhân. Nội dung này, ở một góc độ, cũng đã được đặt ra trong phiên thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết phải bổ sung quy định về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại, để làm căn cứ xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự… đối với tập thể, mà ở đó, trách nhiệm cá nhân sẽ được làm rõ. Liên quan nội dung này, nhiều đại biểu nêu rõ, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử thời gian qua. Năm 2016 chỉ có 11 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý, giảm 35 người so với cùng kỳ năm 2015. Có tình trạng người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị coi vi phạm, tham nhũng của cấp dưới, của đơn vị do mình quản lý không phải là trách nhiệm của mình. Cho nên, cần có quy định, cơ chế chặt chẽ, cứng rắn hơn, thậm chí quy trách nhiệm liên quan chính nếu người đứng đầu để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng.

Đại biểu QH phản ánh: Thời gian qua, có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế, là người thân trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ... đã gây nghi ngờ, bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội. Hiện nay có những quy định nhằm bảo đảm kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan trong hệ thống chính trị còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể, cùng với sự thiếu kiểm tra, giám sát thực thi quyền lực trên thực tế dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”… Tại khoản 3, Điều 37, Luật PCTN chỉ quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”; chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, dẫn đến thời gian qua, tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn “đúng quy trình”. Có đại biểu kiến nghị nghiên cứu bổ sung trong Bộ luật Hình sự tội danh về lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong bổ nhiệm, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ trái quy định, vi phạm pháp luật.

Quyền lực nếu không được kiểm soát chặt chẽ tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa, là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng. Làm sao để cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN có hiệu quả và góp phần thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013, là trăn trở của rất nhiều đại biểu QH. Chính phủ cần có trách nhiệm tổng kiểm tra, rà soát và giải trình về từng trường hợp cụ thể được phản ánh, trên cơ sở đó đánh giá tổng thể thực trạng và đề ra giải pháp xử lý, khắc phục trong thời gian tới. Đây là những ý kiến cần được lắng nghe, quan tâm nghiên cứu, để bảo đảm vừa trọng dụng được nhân tài, vừa tránh tình trạng câu kết với nhau để tham ô, nhũng nhiễu, lạm quyền để trục lợi trong công tác cán bộ.

Các đại biểu QH nêu lên một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, chưa thật sự phát huy hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực hiệu quả thấp, nhất là một số nơi, một số lĩnh vực, mặc dù đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhưng vẫn còn tình trạng phát sinh “thủ tục con”, vi phạm thời hạn giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, có nơi còn tình trạng cải cách thủ tục hành chính mới chỉ dừng ở quy định trên văn bản mà chưa được triển khai trong thực tế... Tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn diễn ra, nhất là trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính, ngân sách nhà nước và giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị… gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là Luật PCTN chưa quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp không công khai, minh bạch trong hoạt động. Đại biểu QH đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể công tác công khai, minh bạch trong từng lĩnh vực đã được Luật PCTN quy định để có giải pháp khắc phục.

Năm 2016, Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần PCTN. Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, lãnh đạo Chính phủ đã tích cực, khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt công tác này. Trong thời gian ngắn, số lượng văn bản ban hành khá lớn, chất lượng được nâng lên một bước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều văn bản pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, kém hiệu quả, thiếu minh bạch, sơ hở nhưng chậm được sửa đổi, chưa loại bỏ được cơ chế “xin - cho” là nguyên nhân phát sinh tham nhũng. Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ nhiệm kỳ mới quyết tâm hoàn thiện thể chế để loại bỏ các quy định thiếu minh bạch, gỡ bỏ rào cản, giải phóng nguồn lực của đất nước, hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính là một chủ trương đúng đắn và mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay, được QH, cử tri ủng hộ và kỳ vọng. Bên cạnh đó, QH mong muốn Chính phủ coi việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý công khai, minh bạch PCTN là một tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ trưởng, trưởng ngành khi QH xem xét lấy phiếu tín nhiệm.