Hoàn thành sắp xếp doanh nghiệp nhà nước vào năm 2025

Quá trình sắp xếp lại, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đến nay vẫn còn chậm, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sẽ hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...

21/02/2021 20:44

Quá trình sắp xếp lại, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đến nay vẫn còn chậm, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sẽ hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước...

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tại Đại hội XIII, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2016-2020 đã được tập trung đẩy mạnh, triển khai một cách thực chất hơn; số lượng doanh nghiệp nhà nước trong quá trình tái cơ cấu đã được thu gọn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Từ năm 2016 đến năm 2019, cả nước đã cổ phần hoá được khoảng 171 doanh nghiệp, với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại tại các doanh nghiệp này vào khoảng 206.700 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá trong giai đoạn 2011 - 2015; tổng số vốn thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2019 là 221.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần giai đoạn 2011 - 2015. Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2020, đã sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn... thêm được khoảng hơn chục doanh nghiệp nhà nước.

Cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước cũng đã có những bước đổi mới theo hướng tự chủ kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn. Hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của một số doanh nghiệp nhà nước đã được nâng lên. Đã từng bước tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đã thành lập và đưa vào hoạt động Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, quá trình sắp xếp lại, cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm tiến độ, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn về số lượng; hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được giao. Một số khó khăn, vướng mắc về thể chế còn chậm giải quyết, nhất là thể chế định giá đất đai, tài sản. Vẫn còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp hoạt động lãi giả, lỗ thật, các dự án kém hiệu quả chưa được xử lý kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế và nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời tạo rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia.

Trong định hướng tái cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã yêu cầu: Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nhất là trong cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tiền thu từ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước được quản lý tập trung và chỉ sử dụng cho đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, địa phương và bổ sung vốn điều lệ cho một số doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia thuộc 4 lĩnh vực nhà nước đầu tư và nắm giữ vốn theo quy định, bao gồm: Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá. Hình thành đội ngũ quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp, có trình độ cao.

Để thực hiện mục tiêu Đại hội XIII đề ra, Bộ Tài chính cho rằng, trong giai đoạn 2021-2025, phải đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh việc quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đã đề ra, cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý phù cho hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang cản trở, làm chậm lại quá trình cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế quản lý vận hành doanh nghiệp nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường.

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chậm trễ.

Các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa các qui định pháp luật hiện hành.

Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán cổ phiếu của doanh nghiệp sau cổ phần hóa; khẩn trương hoàn thành quyết toán cổ phần hóa và chuyển doanh nghiệp sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần; thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước tiền thu từ cổ phần hóa theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân nào chậm trễ trong đăng ký giao dịch, niêm yết cổ phiếu, nộp ngân sách nhà nước tiền cổ phần hóa cần phải xử lý nghiêm theo quy định.