Ngày 26/5, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2021) và 80 năm Ngày Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28/1/1941 – 28/1/2021).
Chủ trì Hội thảo tại các điểm cầu có các đồng chí: GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nhắc lại, cách đây 110 năm, với ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Hành trình của Người đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.
Gần 30 năm kể từ lúc ra đi cho đến khi trở về Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành, sau này đã trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả, mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã tìm thấy ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế, nhà hoạt động tích cực, sôi nổi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cả dân tộc ta vùng lên giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới: Độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình sáng tạo, vĩ đại trong tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử trong các chặng đường của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đạt được trong 35 năm qua là minh chứng sinh động, hùng hồn, khẳng định, đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn là phù hợp với thực tiễn nước ta và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự cần thiết phải kiên định, vận dụng và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng hoàn thiện mô hình xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp quy luật khách quan, thực tiễn dân tộc và xu thế thời đại, kế thừa tinh hoa, giá trị văn hóa và các thành tựu phát triển của nhân loại, như lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu đã làm và mong muốn, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.
Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đi vào cuộc sống, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần tiếp tục được các cấp, các ngành, các đơn vị đẩy mạnh theo hướng thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo những lời căn dặn, quý báu của Người; hết sức chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, toàn diện, để Đảng ta mãi “là đạo đức, là văn minh”; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lịch sử được nhân dân giao phó.
“Chúng ta phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm “Dân là gốc”, thật sự tin tưởng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hết sức chăm lo cho đời sống Nhân dân, coi Nhân dân là chủ thể của công cuộc đổi mới. Cùng với đó, tiếp tục kiên định với đường lối đổi mới, khơi dậy khát vọng, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần sáng tạo, sức mạnh con người Việt Nam lập nên những kỳ tích phát triển mới về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, thực hiện thành công tâm nguyện Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng và dân tộc ta”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.
Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội. |
Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Sài Gòn - Gia Định rất đỗi tự hào là nơi in đậm dấu chân của Người trước khi lên tàu rời Tổ quốc, nơi đánh dấu sự chín muồi về nhận thức và hành động để Người quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình. Đó là đến các nước phương Tây tìm đường cứu nước, mặc dù Người chỉ sống ở Sài Gòn chưa đầy 4 tháng.
Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP luôn mang trong mình niềm vinh dự, tự hào và ý thức trách nhiệm sâu sắc. Suốt hai cuộc kháng chiến, Nhân dân TP đã luôn nêu cao lòng yêu nước, kiên định con đường đấu tranh cách mạng, một lòng son sắt với Đảng và Bác Hồ, cùng với miền Nam thành đồng “đi trước về sau”, đấu tranh bền bỉ cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất. 45 năm sau ngày vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu, TP đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển. Với sự trân quý, ghi ơn công lao trời biển của Bác với Tổ quốc, với dân tộc, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI đã xác định: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng TP Hồ Chí Minh thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của TP mang tên Bác”.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân TP trong việc học tập và làm theo gương Bác. Chúng ta - những thế hệ nối tiếp phải có bổn phận ra sức học tập, tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện trên nhiều góc độ để đánh giá hết tầm vóc, giá trị và thực hiện khát vọng ấy của Người. Hội thảo lần này không chỉ để tôn vinh công lao của Bác với Tổ quốc, dân tộc mà hơn thế nữa là học tập, noi gương, làm theo gương Bác Hồ, để thực hiện khát vọng quyết tâm xây dựng đất nước cường thịnh như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, học giả đã tập trung khẳng định sự hình thành ý chí, khát vọng cứu nước, cứu dân và hành trình người thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước, mang lại độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân Việt Nam; khẳng định vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiến trình thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam sau ngày nước nhà giành được độc lập; sự kiên định con đường cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tổng kết và bế mạc Hội thảo. |
Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, thời gian đã trôi qua, với những nguồn tư liệu mới được công bố, với quan điểm khoa học, khách quan, toàn diện, gợi mở những vấn đề cần nghiên cứu, tìm hiểu về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, chúng ta có thêm những nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về tầm vóc, ý nghĩa to lớn của sự kiện lịch sử này, qua đó đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại để học tập, vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Gần 60 tham luận gửi tới Hội thảo đã kế thừa những thành quả nghiên cứu khoa học, tìm hiểu về sự kiện lịch sử, về những vấn đề đã được đề cập, gợi mở từ các cuộc Hội thảo khoa học kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 70 năm ngày Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; trên cơ sở đó bổ sung, khai thác thông tin, tư liệu mới để tập trung phân tích, luận giải, làm sáng tỏ các nội dung, vấn đề theo chủ đề Hội thảo. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc, phản ánh khá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về ý nghĩa của sự kiện lịch sử; khẳng định sự kiên định tiếp nối con đường cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân lựa chọn.
Các ý kiến phát biểu, tham luận có ý nghĩa tư tưởng chính trị sâu sắc, nội dung khoa học phong phú,... không những đáp ứng được mục đích, yêu cầu của Hội thảo đề ra, mà còn gợi mở thêm những luận cứ khoa học để chúng ta tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người, về những thành tựu, khó khăn, thách thức trong quá trình hiện thực hóa ý mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
"Trong bất cứ hoàn cảnh nào, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta luôn "Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng”. Sự khẳng định đó của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là sự đúc kết từ lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam, là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không chấp nhận và không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta cần nỗ lực phấn đấu, tận dụng mọi thuận lợi, thời cơ, vượt qua những khó khăn, thách thức, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội để sớm hiện thực di nguyện cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và đáp ứng nguyện vọng của toàn dân tộc.
Hội thảo “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” là hoạt động thiết thực để chúng ta bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với công lao, cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam, mang lại cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn dân tộc. Đồng thời, cũng là dịp để chúng ta đẩy mạnh nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn về tầm vóc, giá trị to lớn và quý giá của di sản Hồ Chí Minh, đặc biệt là khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương kết luận./.