Hàng nghìn doanh nghiệp “quên” niêm yết

Đến hết tháng 11/2015, chỉ có 248 doanh nghiệp (DN) trên tổng số 1.071 công ty đại chúng chưa niêm yết thực hiện đăng ký giao dịch UpCom, chiếm tỷ lệ 23%. Thực trạng chây ỳ, trì hoãn niêm yết của hàng nghìn DN diễn ra phổ biến, khiến cơ quan quản lý phải có biện pháp “ép” lên sàn.

15/12/2015 11:35

Đến hết tháng 11/2015, chỉ có 248 doanh nghiệp (DN) trên tổng số 1.071 công ty đại chúng chưa niêm yết thực hiện đăng ký giao dịch UpCom, chiếm tỷ lệ 23%. Thực trạng chây ỳ, trì hoãn niêm yết của hàng nghìn DN diễn ra phổ biến, khiến cơ quan quản lý phải có biện pháp “ép” lên sàn.

Để hối thúc các DN nhanh chóng đưa cổ phiếu lên niêm yết nhằm hoạt động minh bạch hơn, Bộ Tài chính và Uỷ ban chứng khoán (UBCN) vừa ban hành Thông tư số 180/2015/TT-BTC (có hiệu lực từ 1/1/2016) siết thời gian thực hiện lên sàn UpCom. Quy định pháp lý đã có đủ và chặt chẽ hơn, song việc buộc các DN chấp hành niêm yết hay giao dịch UpCom lại không hề dễ dàng.

“Quên” niêm yết

Trong các cuộc hội thảo về đẩy mạnh cổ phần hoá, niêm yết và thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng thời gian qua, lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCK đều nhấn mạnh: Sẽ buộc các DN đã tiến hành chào bán cổ phần lần đầu (IPO) phải niêm yết cổ phiếu trong vòng 12 tháng. Những trường hợp đã cổ phần hoá, chưa IPO thì cũng phải đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường UpCom. Mục tiêu là nhằm tăng tính minh bạch, công khai trong hoạt động của DN, bảo vệ quyền lợi của cổ đông, củng cố niềm tin cho thị trường…

Quyết tâm này đã được thể hiện ở hàng loạt các Nghị định, Thông tư, Quyết định mới ra đời nhằm hiện thực hoá Luật chứng khoán. Song thực tế, quá trình cổ phần hoá, chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần của khu vực DNNN diễn ra chậm chạp, phát sinh nhiều vướng mắc dẫn tới việc đưa cổ phiếu lên giao dịch UpCom, niêm yết trên hai sở HNX và HSX cũng bị “bỏ quên”.

Theo số liệu cập nhật của UBCK, tính đến ngày 30/11/2015, có 1.071 DN là công ty đại chúng nhưng chưa thực hiện niêm yết trên hai Sở GDCK Hà Nội và Tp.HCM. Đây là các công ty đại chúng thuộc diện: công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO); công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở GDCK hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán; công ty có cổ phiếu được ít nhất 100 nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỷ đồng trở lên…

Danh sách của UBCK cũng tiết lộ nhiều công ty có quy mô vốn lớn, đã IPO nhiều năm, số lượng nhà đầu tư lớn… Đơn cử: công ty CP Đầu tư PV-Inconess (305 tỷ đồng), công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch (660 tỷ đồng), Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An (440 tỷ đồng), công ty CP Giao nhận kho vận Ngoại thương Việt Nam (255 tỷ đồng), công ty CP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Koong (320 tỷ đồng), công ty CP Sonadezi Châu Đức (700 tỷ đồng), công ty CP đầu tư Cảng Cái Lân (365 tỷ đồng), Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (631 tỷ đồng)…

Các công ty này đã nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng với Uỷ ban chứng khoán từ năm 2012, song đến nay, đã 3 năm trôi qua mà DN vẫn chưa niêm yết. Sự chậm trễ này khiến cơ quan quản lý cũng sốt ruột vì lượng cung chứng khoán rất lớn vẫn đang bị “đóng băng” chưa đưa ra lưu thông. Trong khi đó, cổ đông, nhà đầu tư của các DN này cũng chịu thiệt thòi vì cổ phiếu kém thanh khoản, giá trị sụt giảm, hiệu quả đầu tư thấp…

Thông tư 180 của Bộ Tài chính (ban hành ngày 13/11) đã siết chặt đối tượng, thời hạn thực hiện đăng ký giao dịch, hồ sơ đăng ký giao dịch trên sàn UpCom. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2016 tới, các DN sẽ buộc phải chấp hành đưa cổ phiếu lên UpCom theo đúng thời hạn quy định.

UpCom ế ẩm

Cụ thể, tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên Sở GDCK thì phải đăng ký giao dịch trên Upcom trong vòng một năm.

Còn các công ty đại chúng hình thành sau ngày 1/1/2016 sẽ phải đăng ký giao dịch UpCom trong vòng 30 ngày kể từ ngày UBCK xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, hoặc kể từ ngày kết thúc đợt IPO.

Như vậy, áp lực về thời hạn giao dịch UpCom là rất gấp gáp trong khi các DN đều bộn bề chạy đua tổ chức kế hoạch IPO, niêm yết, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược…

Trong động thái “đón đầu” Thông tư 180, Sở GDCK Hà Nội cho biết đã có 248 DN đăng ký giao dịch trên Upcom, chiếm tỷ lệ 23% tổng số DN chưa niêm yết (tính đến ngày 30/11/2015). Mặc dù tỷ lệ đăng kí lên UpCom còn khiêm tốn, nhưng cũng là tín hiệu mừng khi DN đã chủ động hiện thực các cam kết khi cổ phần hoá, minh bạch hoạt động.

Năm 2015 cũng ghi nhận sự tăng trưởng kỷ lục về số lượng DN lên giao dịch trên thị trường UpCom với 78 “tân binh”. Đáng chú ý có một số DN lớn và kinh doanh tốt như: công ty CP tài nguyên Masan (MRS) có vốn điều lệ 7.194 tỷ đồng, Tổng công ty Viglacera (VGC) vốn 2.645 tỷ đồng, Tổng công ty CP thiết bị điện Việt Nam (GEX) vốn 1.550 tỷ đồng, công ty CP DAP-Vinachem (DDV) vốn 1.461 tỷ đồng, công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) vốn 1.315 tỷ đòng, Tổng công ty CP Thương mại và khoáng sản Hà Tĩnh (MTA) vốn 1.101 tỷ đồng…

Tổng giá trị đăng ký giao dịch UpCom đạt hơn 47.000 tỷ đồng, vốn hóa thị trường đạt trên 54.000 tỷ đồng.

Những DN hiện chưa niêm yết vẫn còn nhiều cái tên rất đáng chú ý và được thị trường chờ đợi từ lâu như: Sabeco, Habeco, Thực phẩm Cholimex, Vinatex, Seaprodex, Vinatex, Hancorp… cùng nhiều tên tuổi lớn trong ngành ngân hàng chưa lên sàn như: PVcombank, VIB, MaritimeBank, Techcombank, Vpbank, HDbank…