Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 15-17%: "Cú hích" cho sự phát triển của doanh nghiệp

Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất về việc áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp coi đây là tín hiệu mừng với sự phát triển của doanh nghiệp và kỳ vọng đây sẽ là cú hích cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.

06/08/2019 15:36

Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất về việc áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp coi đây là tín hiệu mừng với sự phát triển của doanh nghiệp và kỳ vọng đây sẽ là cú hích cho sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được đưa vào Dự thảo Nghị quyết sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, dự kiến Quốc hội khai mạc vào ngày 21/10 tới đây.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2019, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo tờ trình Chính phủ về việc xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điểm đáng chú ý tại Dự thảo này đề xuất nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa được giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống còn 15-17% thay vì mức 20% như hiện nay. Đây sẽ là điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, là tiền đề giúp khối này phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.

Cụ thể, thuế suất 15% sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Trong khi thuế suất 17% áp dụng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.

Ngoài ra, để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế suất 15%, 17% không áp dụng đối với công ty con, công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các trường hợp không áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Song song với đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.

Sau thời gian miễn thuế này, trường hợp doanh nghiệp mới thành lập từ hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành nghề, địa bàn ưu đãi thuế thì tiếp tục được hưởng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Hết thời gian miễn thuế và thời gian hưởng ưu đãi thuế (nếu có), doanh nghiệp thực hiện mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng với điều kiện thực tế của doanh nghiệp theo quy định.

Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế và miễn thuế cho doanh nghiệp có thể khiến thu ngân sách giảm khoảng 9.200 tỷ đồng/năm. "Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách vào những năm sau", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bình luận về đề xuất này, PGS., TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết, tiến trình giảm thuế cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã và đang thực hiện đúng tinh thần của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đã có được chuyển động tích cực.

Trước nhiều quan điểm cho rằng, việc giảm mức thuế từ 3-5% (20% như hiện nay) là không đủ để hỗ trợ các doanh nghiệp này, ông Thịnh nhấn mạnh, đề xuất của Bộ Tài chính có rất nhiều tác động tích cực như: giúp doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa tăng thêm thu nhập, tăng tích luỹ, giúp các nhà đầu tư tích cực đầu tư thành lập doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh...

“Đồng thời, đề xuất này còn giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong các quyết định sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ, tăng năng suất lao động, cải tiến quản lý… Ngoài ra, đề xuất này còn giúp các doanh nghiệp có thêm điều kiện để đổi mới dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị, nâng cao trình độ công nghệ…”, ông Thịnh nói.

Ngoài ra, để doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có điều kiện phát triển, ông Thịnh cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thân thiện, lành mạnh để doanh nghiệp yên tâm phát triển.

Về phía doanh nghiệp, ông Đào Huy Hoàng, Tổng giám đốc Công ty du học AKI khẳng định, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua, sẽ là cơ hội đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc làm giảm đi gánh nặng của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ông Hoàng chia sẻ: “Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là một giải pháp rất tích cực đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bởi hiện tại, các doanh nghiệp này vẫn còn phải chịu rất nhiều gánh nặng từ phí khác như: Hồ sơ, thủ tục, kế toán… Đồng thời, việc giảm thuế sẽ nuôi dưỡng nguồn thu tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tạo tâm lý sẵn sàng kinh doanh cho họ”.