Giá trị phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện đặc trưng cho mối quan hệ giữa Đảng và các tổ chức đảng; với cán bộ, đảng viên; mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân; giữa cán bộ với nhân dân. “Trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, Người đã có một phong cách làm việc mẫu mực để tiến hành công tác và thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, giải quyết đúng đắn và thỏa đáng các mối quan hệ với quần chúng, với cấp dưới, với đại diện các tôn giáo, dân tộc,...

24/01/2019 09:41

Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện đặc trưng cho mối quan hệ giữa Đảng và các tổ chức đảng; với cán bộ, đảng viên; mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân; giữa cán bộ với nhân dân. “Trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, Người đã có một phong cách làm việc mẫu mực để tiến hành công tác và thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, giải quyết đúng đắn và thỏa đáng các mối quan hệ với quần chúng, với cấp dưới, với đại diện các tôn giáo, dân tộc,...
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Phủ Chủ tịch - Nguồn: TTXVN

PHONG CÁCH LÀM VIỆC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Phong cách được hiểu là vẻ riêng biệt trong làm việc, trong lối sống của con người. Phong cách mang đậm dấu ấn cá nhân. Trên cơ sở đó, GS, TS. Mạch Quang Thắng khi nghiên cứu về phong cách Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: “Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc điểm riêng có, cái độc đáo, có tính hệ thống, trở thành nền nếp ổn định được phản ánh trong toàn bộ cuộc sống của Hồ Chí Minh”(1).

GS, TS. Đặng Xuân Kỳ trong cuốn sách “Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh” đã khái quát những nội dung chủ yếu nhất của phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: tác phong quần chúng, tác phong tập thể - dân chủ và tác phong khoa học. Ông cũng đã có nhận định hết sức sâu sắc rằng: “Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh không phải chỉ tác động đến nhận thức mà còn cảm hóa cả trái tim con người. Qua phong cách làm việc của Hồ Chí Minh, mọi người đến với Đảng, tiếp nhận sự lãnh đạo của Đảng không phải chỉ bằng lý trí, mà còn bằng tình cảm sâu sắc của chính mình”(2).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Hướng dẫn số 52 HD/52-BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ đảng viên” là những vấn đề lý luận cấp thiết. Trong đó, việc xác định đúng giá trị của phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung trọng tâm của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

PHONG CÁCH LÀM VIỆC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH - PHƯƠNG PHÁP LUẬN CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG HIỆN NAY

Đồng chí Phạm Văn Đồng đã đề cập và phân tích “phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh và phong cách Hồ Chí Minh” và cho rằng, quan điểm cơ bản nhất của phương pháp luận tư tưởng Hồ Chí Minh là câu nói đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuốn sách Đường Kách mệnh (năm 1927): Cách mệnh! Cách mệnh! Cách mệnh! Hiểu rộng ra đó là cuộc đấu tranh kiên cường và bền bỉ nhằm xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, thiết lập chế độ không có áp bức, bóc lột. Con người, nhân dân, các dân tộc làm chủ vận mệnh của mình, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu, đem lại ánh sáng, tự do và hạnh phúc cho mọi người. Đây chính là tinh thần cách mạng triệt để và giá trị nhân văn sâu sắc trong tư tưởng, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh. Bởi, hạt nhân cốt lõi của phong cách Hồ Chí Minh nói chung và phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng chính là lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường cách mạng Việt Nam: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Lý luận này của Người đã trở thành đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Con đường ấy, một mặt vừa là thế giới quan, vừa là phương pháp luận trong quá trình Đảng ta lãnh đạo, tổ chức, điều hành và quản lý xã hội; Mặt khác, nó là phương pháp luận để Đảng ta không ngừng tự xây dựng, tự chỉnh đốn sao cho ngang tầm với những nhiệm vụ của giai đoạn lịch sử mới.

Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những nội dung chủ yếu là: tác phong quần chúng, tác phong tập thể - dân chủ, tác phong khoa học đã hàm chứa những giá trị lý luận chỉ đạo cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay ở nước ta. Trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bao hàm các nhân tố bảo đảm cho sự vận động, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, đó là mệnh đề: dân - dân chủ - dân vận; phong cách làm việc của Người xuất phát từ dân, gần dân, hiểu dân, vì dân để tiến tới thực hành dân chủ cho nhân dân; muốn vậy người tổ chức, người lãnh đạo phải thực hành dân vận sao cho đúng, cho khéo, phải nêu gương cho quần chúng; phải vận động quần chúng làm cách mạng, “đem tài dân, của dân, sức dân để làm lợi cho dân”. Hiểu được vấn đề này chính là nhận thức và xác định được giá trị của phong cách dân chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động lãnh đạo và công tác, trong quan hệ với con người, với tổ chức. Từ đó, hình thành nên phong cách của người lãnh đạo, người đứng đầu tổ chức.

Có thể nhận thấy, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng phương pháp luận của tư tưởng và phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh. Phong cách làm việc của Người được hình thành qua quá trình hoạt động thực tiễn, chứa đựng tầm nhìn sâu rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự vận động của lịch sử trong thời đại mới. Nó được bắt nguồn từ phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; phong cách ấy mang đậm hơi thở thực tiễn, có giá trị khoa học, cách mạng và nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, trong phong cách làm việc của Người chứa đựng những đặc trưng mới, độc đáo, riêng có của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở kết hợp những nguyên tắc phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lê-nin với những nhân tố duy vật biện chứng của triết học phương Đông và Việt Nam để tổ chức, xây dựng và tạo lập nên những nhân tố bảo đảm cho sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân chủ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Trong bối cảnh hiện nay, để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, Đảng phải nắm vững các nguyên tắc phương pháp luận sau: lý luận gắn liền với thực tiễn, phát hiện mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn với phương thức phù hợp, luôn hướng về nhân dân, về con người là những vấn đề cơ bản nhất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trên cả hai phương diện là con người và tổ chức để phục vụ nhân dân.

TRIẾT LÝ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện đặc trưng cho mối quan hệ giữa Đảng và các tổ chức đảng; với cán bộ, đảng viên; mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân; giữa cán bộ với nhân dân. “Trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước, Người đã có một phong cách làm việc mẫu mực để tiến hành công tác và thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, giải quyết đúng đắn và thỏa đáng các mối quan hệ với quần chúng, với cấp dưới, với đại diện các tôn giáo, dân tộc,... Người không dựa vào quyền lực để buộc mọi người phục tùng mà thuyết phục con người bằng một phong cách làm việc vừa mang tính nguyên tắc và khoa học cao, vừa có tình nhân ái bao la của một tấm lòng nhân hậu”(3).

Ngay từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng vấn đề đổi mới cách lãnh đạo của Đảng cho phù hợp với điều kiện thực tế: “1. Phải quyết định mọi vấn đề một cách cho đúng. Mà muốn thế thì nhất định phải so sánh kinh nghiệm của dân chúng. Vì dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta. 2. Phải tổ chức sự thi hành cho đúng. Mà muốn vậy, không có dân chúng giúp sức thì không xong. 3. Phải tổ chức sự kiểm soát, mà muốn kiểm soát đúng thì cũng phải có quần chúng giúp mới được”(4). Các chuẩn mực này tạo nên một hệ thống chặt chẽ, làm cho cách thức lãnh đạo của Đảng mang tính khoa học, khách quan, nghiêm ngặt, tránh sự tùy tiện, chủ quan.

Dân tộc Việt Nam với những điều kiện và đặc điểm riêng có trong sự hình thành và phát triển, nước ta không trải qua hai phương thức sản xuất chiếm hữu nô lệ và tư bản chủ nghĩa, cùng với sự phát triển nửa vời của chế độ phong kiến, sau đó ta tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và định hướng phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa đã tạo ra trong sự phát triển của dân tộc những phương thức và triết lý mới. Sự phát triển đứt gãy, không liên tục của các hình thái kinh tế - xã hội cùng với tư duy coi trọng chữ “hòa”, chữ “đồng” trong truyền thống văn hóa - triết học phương Đông đã làm cho các tổ chức, các thiết chế lãnh đạo, điều hành và quản lý xã hội hết sức coi trọng triết lý phát triển trong giải quyết mâu thuẫn xã hội cũng như xử lý hài hòa các mối quan hệ giữa tổ chức - cộng đồng, giữa tổ chức - cá nhân, giữa lãnh tụ với quần chúng nhân dân. Ở phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tồn tại đặc điểm này và Người đã hết sức khéo léo vận dụng các nguyên tắc biện chứng duy vật mác-xít song hành với các giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, đó là truyền thống “trọng dân”, “lấy dân làm gốc” trong thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm triết lý phát triển trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến hành hội nhập quốc tế sâu rộng cần đặc biệt chú trọng phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng; quán triệt các nguyên tắc xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng kết hợp với giám sát của nhân dân để “tự chỉnh đốn”, “tự đổi mới”; xây dựng văn hóa Đảng, phát huy nguồn lực trong Đảng và trong nhân dân để phát triển Đảng và phát triển xã hội.

XÂY DỰNG THẾ GIỚI QUAN, NHÂN SINH QUAN KHOA HỌC, CÁCH MẠNG CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Trước tiên, cần phải khẳng định, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị to lớn trong việc xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan khoa học, cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Công tác xây dựng bắt đầu từ chủ thể là Đảng, tới các chi bộ Đảng, tới đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951) Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức - là những việc cần kíp của Đảng. Có thể thấy rằng, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đến năm 1951, khi Đảng ra hoạt động công khai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cũng tức là Người trực tiếp quan tâm đến việc xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng cho Đảng; thực chất là tăng cường bản chất giai cấp công nhân cho Đảng, cho từng chi bộ đảng và cho mỗi đảng viên để Đảng thực hiện tốt vai trò lãnh đạo với mục tiêu cuối cùng là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Trên cơ sở quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội II của Đảng đã nhấn mạnh một vấn đề quan trọng và cần thiết: “... Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức của Hồ Chủ tịch; sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh, và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”. Đó là sự khẳng định giá trị to lớn, sức sống, sức cảm hóa mạnh mẽ của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của Đảng và dân tộc. Phong cách của Người đã trở thành một tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên học tập và hoàn thiện nhân cách của mình.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đã từng bước nhận thức được giá trị của phong cách làm việc Hồ Chí Minh trong từng giai đoạn, từng thời kỳ và trong từng bước đi của quá trình đổi mới. Mở đầu thời kỳ đổi mới, Đại hội VI của Đảng đã nêu bốn nội dung Đảng cần đổi mới: “Đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”(5). Vấn đề “đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác” đến Đại hội VII đã được điều chỉnh lại thành “đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách công tác”. Đại hội nhấn mạnh với tư cách là đảng cầm quyền Đảng Cộng sản Việt Nam phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn về nhiều mặt.

Đại hội VII của Đảng chính thức đặt ra vấn đề đổi mới Đảng gắn liền với chỉnh đốn Đảng, thể hiện rõ nhất là ở Cương lĩnh, trong đó chỉ rõ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo”(6). Đại hội VIII của Đảng khẳng định: “Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn... đây là một quy luật phát triển của Đảng”(7). Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII tháng 2-1999 với Nghị quyết số 10-NQ/TW Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay đã nhận định rằng, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống tạo ra nạn tham nhũng, tệ quan liêu.

Đại hội X (năm 2006) đánh giá rằng: “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng”(8). Từ đó, Đại hội nhấn mạnh như một sự cảnh tỉnh trong Đảng, tương tự như Đại hội IX: “Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”(9).

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ tập trung vào ba vấn đề thực sự cấp bách, cần làm ngay, đó là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là sự phát triển liên tục trong nhận thức của Đảng ta về giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của thực tiễn, của nhân dân.

Những văn kiện trên vừa là nhận thức lý luận, vừa là sự khái quát thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó, vấn đề cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ là một vấn đề quan trọng và then chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; chính chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên quyết định sự trong sạch và vững mạnh của Đảng, nâng cao uy tín và sức mạnh của Đảng, khẳng định niềm tin của nhân dân với Đảng, với đường lối chính trị của Đảng.

Trong lãnh đạo và công tác, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải học ở phong cách làm việc Hồ Chí Minh những điều cơ bản sau: Một là, học tôn trọng, lắng nghe nhân dân, có niềm tin với nhân dân, học phục vụ nhân dân, học cách thức xử lý mối quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên bình thường. Hai là, học tác phong tập thể và dân chủ của Hồ Chí Minh, gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, thực hiện và phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng cũng như đối với nhân dân, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong tổ chức và hoạt động của Đảng. Ba là, học “cách làm việc có khoa học”: “Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu”(10), nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể; làm việc có mục đích rõ ràng, thực tế; người lãnh đạo, tổ chức cần học cách nêu gương cho cấp dưới và cho nhân dân. Có như vậy, mỗi cán bộ đảng viên mới từng bước tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao năng lực phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới đang bước vào giai đoạn bước ngoặt với những chuyển biến không ngừng trong quan hệ địa - chính trị - kinh tế giữa các nước và các vùng lãnh thổ. Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta cùng với những tác động mà cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đã dẫn đến sự thay đổi trong các mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc nói chung và giữa các giai cấp, các thành phần trong xã hội Việt Nam nói riêng. Những thách thức của thời đại, của dân tộc một lần nữa được đặt trên vai của Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu mới đó là, định hướng cho phát triển bền vững của dân tộc. Việc Đảng ta quán triệt vấn đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là để phục vụ cho mục tiêu đó./.

---------------------------------

(1) GS, TS, Mạch Quang Thắng: Hồ Chí Minh đồng hành cùng dân tộc, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr. 82
(2) Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 179 – 180
(3) Đặng Xuân Kỳ (Chủ biên): Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Sđd, tr. 179 - 180
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 325
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986 tr. 124
(6) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 21
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 47
(8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 263 - 264
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 11, tr. 599