Giá điện tăng - Ngành thép căng!
Ngày 9/11/2023 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra thông báo, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5%. Với lần tăng giá điện này, cộng với mức tăng giá hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) của lần 1 (ngày 4/5/2023), giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh từ đầu năm. Điều này đã gia tăng nỗi lo cho VNSTEEL và các doanh nghiệp ngành thép do phải đối mặt với áp lực tăng chi phí sản xuất.
13/11/2023 14:39
Ngày 9/11/2023 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra thông báo, giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5%. Theo đó, kể từ ngày 9/11, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm hơn 86,4168 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Với lần tăng giá điện này, cộng với mức tăng giá hơn 55,9 đồng/kWh (tăng 3%) của lần 1 (ngày 4/5/2023), giá điện bán lẻ đã tăng thêm hơn 142,35 đồng/kWh từ đầu năm.
Có thể nói, ngay từ đợt tăng giá điện đầu tiên trong năm đã gây ảnh hưởng không mấy tích cực lên một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như: xi măng, hóa chất, giấy và ngành thép.. Với ngành thép, điện được xem là một trong những chỉ tiêu tiêu hao năng lượng chính trong quá trình sản xuất thép, đặc biệt ở công đoạn luyện thép bằng lò điện (chi phí điện chiếm 7-8% trong sản xuất thép). Vì vậy, mỗi khi giá điện tăng, VNSTEEL và các doanh nghiệp trong ngành thép đều phải đối mặt với áp lực tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, khi giá điện tăng thường kéo theo các chi phí đầu vào khác tăng theo, điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Tăng giá điện trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, đó là khi thị trường thép đang suy yếu đã trở thành một bài toán thực sự đau đầu của ngành thép. Theo VSA, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam trong 09 tháng đầu 2023 đạt 7,7 triệu tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ. Do thị trường suy giảm về nhu cầu, giá bán biến động với xu hướng giảm chủ đạo nên các doanh nghiệp ngành thép đã và đang phải chịu rất nhiều áp lực về hiệu quả, thị phần, quy mô sản xuất… Những thay đổi theo chiều hướng đi xuống này tính đến cuối năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Như vậy, việc tăng giá điện lần này sẽ lại tiếp tục gia tăng nỗi lo cho VNSTEEL và các doanh nghiệp khác trong ngành.
Trước thực tế này, VNSTEEL chỉ đạo các doanh nghiệp trong hệ thống áp dụng các giải pháp sau:
• Tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện.
• Áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả, như sản xuất trong giờ thấp điểm, tăng cường phun than và thổi oxy trong quá trình luyện thép để giảm tiêu hao năng lượng tổng thể, tận dụng nhiệt dư trong quá trình luyện thép để tái sử dụng và nhiều biện pháp khác.
Về vĩ mô, đối với chính phủ và các cơ quan quản lý, VNSTEEL đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm chi phí như hạ lãi suất, ổn định tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng nhu cầu tiêu thụ, tăng tốc độ giải ngân đầu tư công và tháo gỡ thị trường bất động sản. Trong dài hạn, cần tăng cường nguồn cung điện, hạ giá thành sản xuất điện, tiến tới phát triển sản xuất điện xanh để phù hợp với lộ trình chuyển đổi xanh đã đặt ra.
Đối với ngành thép, VNSTEEL mong muốn sự chia sẻ, hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp, cùng nhau xây dựng các phương thức phát triển ngành thép hiệu quả, giảm thiểu các rào cản trong sản xuất và kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp nâng cao hiệu suất năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ mới.
Như vậy, về tổng thể để cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp trước sự thay đổi về giá điện cần có sự kết hợp từ nhiều phía, trong đó bao gồm sự linh hoạt thích ứng của doanh nghiệp và sự hỗ trợ về chính sách của chính phủ trong tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Dưới góc độ là doanh nghiệp nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành, VNSTEEL nhấn mạnh cần có những ưu tiên hơn nữa tạo điều kiện để ngành thép phục hồi, tăng trưởng trở lại, từ đó góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và ổn định an ninh năng lượng quốc gia nói riêng.
VNSTEEL News