Gần 86% DN cả nước gặp khó khăn do Covid-19

Đây là con số đáng lưu ý vừa được Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

27/05/2020 13:42

Đây là con số đáng lưu ý vừa được Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp.

85,7% số DN bị tác động bởi dịch Covid-19

Tổng cục Thống kê vừa công bố cuộc khảo sát 126.565 DN, trong đó có 51/66 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó cho thấy, có tới 85,7% số DN trên phạm vi cả nước bị tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Theo quy mô, các DN có quy mô càng lớn, tỷ lệ DN chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao. Điều này có thể lý giải, các DN có quy mô lớn thường là những DN hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm DN quy mô nhỏ sẽ chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù DN lớn hiện chỉ chiếm 2,8% trong tổng số DN, song lại là nhóm có tỷ lệ chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; tỷ lệ này của nhóm DN vừa là 91,1%, nhóm DN nhỏ là 89,7%; và nhóm DN siêu nhỏ là 82,1%. Còn theo loại hình DN, thì DN FDI là đối tượng đang chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhất, với 88,7%; tỷ lệ này đối với nhóm DNNN và DN ngoài nhà nước lần lượt là 87,3% và 85,5%. Trong đó, đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ DN chịu tác động tiêu cực cao là ngành hàng không 100%; ngành dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%; giáo dục và đào tạo 93,9%; tiếp đến là các ngành dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%. Nếu xét theo địa bàn, Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa,… có tỷ lệ DN chịu tác động của dịch Covid-19 cao nhất, trên 92%. Các tập đoàn, tổng công ty có quy mô kinh tế lớn cũng có tỷ lệ DN chịu tác động lên tới 94,6%.

Những dữ liệu trên cho thấy, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu, rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, kéo theo hàng loạt những vấn đề mà DN Việt Nam đang phải đối mặt như: thiếu hụt nguồn vốn cho SXKD, thị trường cung - cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ…là những khó khăn chính của DN Việt Nam hiện nay. Trong đó, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của đại bộ phận DN. Bởi, theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn. Đây là hệ quả tất yếu khi đại dịch bùng phát, người dân Việt Nam và các nước thuộc thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật...) phải thực hiện giãn cách xã hội, lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.


Đáng lưu ý là DN có quy mô càng lớn thì càng gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Những DN này không chỉ chịu ảnh hưởng nhiều bởi thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp mà còn do hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được. Chẳng hạnh, như ngành ngành may mặc và da giày, tỷ lệ DN không xuất khẩu được hàng hóa lần lượt là 64,5% và 65,0%. Tiếp theo, ngành sản xuất các sản phẩm điện tử và sản xuất ô tô cũng gặp khó khăn khi DN không xuất khẩu được hàng hóa chiếm tỷ lệ khá cao, trên 45%. Không những thế, thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào bị thiếu hụt; thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; hay những gánh nặng của doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19 như chi lương cho người lao động, chi trả lãi vay ngân hàng và chi thuê mặt bằng, chi cho hoạt động thường xuyên khác... cũng được DN phản ánh đang là những khó khăn buộc DN phải vượt qua nếu không sẽ đóng cửa, giải thể.

Giải pháp hỗ trợ DN vượt qua khó khăn

Theo Tổng cục Thống kê, để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, thời gian qua, DN đã phải áp dụng nhiều giải pháp như: điều chỉnh nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí hoạt động SXKD, thay đổi phương thức cũng như chiến lược sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp tác động tích cực, thì còn có cả những giải pháp tiêu cực mà DN phải áp dụng để duy trì sự tồn tại trong thời kỳ dịch bệnh này. Theo khảo sát, để đối phó với khó khăn có tới 66,8% số DN áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động. Giải pháp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên là 39,5%; cắt giảm lao động là 28,4%; cho lao ộng nghỉ không lương 21,3% và giảm lương lao động là 18,9%. Chưa hết, đáng nói là , mặc dù DN đã áp dụng cả giải pháp tích cực lẫn tiêu cực để ứng phó với đại dịch Covid-19, song vẫn có khoảng 20% số DN đang phải tạm ngừng hoạt động.

Để cải thiện tình thế khó khăn của DN, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt những giải pháp cấp bách hỗ trợ, trong đó đáng lưu ý là là Chỉ thị 11/CT-TTg (được ban hành ngày 04/3/2020). Theo đó, hầu hết các nhóm giải pháp trong Chỉ thị số 11/CT-TTg đều được DN đánh giá tương đối phù hợp. Trong đó, giải pháp “Không điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước kiểm soát giá” và giải pháp “Miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng” được nhiều DN ủng hộ nhất. Đây cũng là hai nhóm giải pháp có tỷ lệ DN đánh giá phù hợp cao nhất, với 87,4% và 87,0% DN đánh giá tích cực về các giải pháp. Tiếp đến, là gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn và cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ” cũng được DN ủng hộ. Các giải pháp còn lại đạt số điểm và tỷ lệ đánh giá tích cực là “miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; tạm dừng đóng BHXH và kinh phí công đoàn; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới...

Tuy nhiên, để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định phát triển sản xuất, các DN kỳ vọng, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao hơn nữa tính khả thi của các giải pháp hỗ trợ, cũng như khả năng tiếp cận của DN tới gói hỗ trợ: cắt giảm thủ tục, giấy tờ chứng minh, xét duyệt; ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, minh bạch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phổ biến kịp thời công văn hướng dẫn cụ thể về đối tượng áp dụng, mức độ áp dụng và quy trình thực hiện tới từng DN; đồng thời tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra DN để DN tập trung vào phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; mở rộng phạm vi nhóm ngành và đối tượng được hưởng ưu đãi; triển khai hệ thống cổng thông tin quốc gia đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực để DN có thể tiến hành đăng ký và nộp hồ sơ xét duyệt qua mạng, hạn chế việc đi lại, có thể nhận và gửi công văn đến cơ quan hải quan nhanh chóng và thuận tiện; có quy định chung về tiêu chí xác định biên độ giảm lãi, quy trình thực hiện, thẩm định và xét duyệt; và hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi để DN trả lương cho người lao động, duy trì được nguồn lao động có tay nghề/trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, đẩy nhanh việc tìm thị trường nguyên liệu/thị trường tiêu thụ mới cho DN ngoài thị trường tiềm năng; tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và các giải pháp khác để giúp DN sơm ổn định sản xuất kinh doanh, hoạt động trở lại.