FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu: Ngành thép thêm áp lực

Bên cạnh những ngành hàng được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu, sẽ có một số ngành hàng của Việt Nam, nhất là ngành thép có thể sẽ bị cạnh tranh khốc liệt.

03/06/2015 09:07

Bên cạnh những ngành hàng được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh Kinh tế Á-Âu, sẽ có một số ngành hàng của Việt Nam, nhất là ngành thép có thể sẽ bị cạnh tranh khốc liệt.

Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan) đã chính thức ký kết FTA sau hơn 2 năm đàm phán. Đây là hiệp định có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu nói chung và với từng nước thành viên nói riêng.

Theo đó, Liên minh Kinh tế Á-Âu đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản, hàng công nghiệp và một số sản phẩm chế biến.

Nói rõ hơn về những cơ hội này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 3 ngành có lợi thế cơ bản và lợi ích cốt lõi khi FTA ký kết là dệt may, da giày và thủy sản.

Cụ thể với thủy sản, Liên minh Á-Âu đồng ý giảm ngay về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Với ngành da giày, cụ thể là giày thể thao, thuế suất cũng sẽ về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Đối với mặt hàng dệt may, một số nhóm hàng sẽ được giảm thuế suất ngay, nhưng có một số mặt hàng sẽ giảm theo lộ trình 3 năm, 7 năm hoặc 10 năm và thuế suất cũng không giảm về 0%.

Bên cạnh những mặt hàng có thuận lợi, Việt Nam cũng phải "đánh đổi” bằng việc mở cửa thị trường cho hàng hóa các nước. Ngành hàng sẽ bị ảnh hưởng và gặp khó khăn khi mở cửa thị trường là ngành thép. Theo ông Hải, ngành thép có thể gặp khó khăn khi phải "đối đầu” với những cường quốc sản xuất thép ở khu vực này, ví dụ như Nga.

“Khi ký kết Hiệp định, chúng ta phải chấp nhận mở cửa một phần nên ngành thép có thể đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên, khi đàm phán, các cơ quan quản lý đã cố gắng bảo hộ tối đa những mặt hàng chúng ta đang sản xuất”, ông Hải nói.

Cùng chung quan điểm trên, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, khi đã mở cửa và tham gia toàn cầu hóa chúng ta phải chấp nhận nguyên tắc của kinh tế thị trường. Những biện pháp của Chính phủ, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp cũng chỉ là biện pháp có hiệu quả trong giai đoạn nhất định. Vì vậy, doanh nghiệp phải chấp nhận nguyên tắc cạnh tranh với sản phẩm của các nền kinh tế khác.

“Trước mắt, vẫn còn điều kiện thuận lợi để hỗ trợ ngành thép nội địa với những chính sách kiểm soát nhập khẩu và hàng rào kỹ thuật... Tuy nhiên, vấn đề cơ bản nhất vẫn là doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đi kèm với biện pháp quản lý có hiệu quả”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.