FDI với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế
09/11/2016 08:29
Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua chiều 8/11, với sự đồng thuận cao.
Tại Nghị quyết vừa được thông qua, khi đề cập các nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế, nhiệm vụ thứ ba được nhấn mạnh là, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo đó, thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, chú trọng thu hút các công ty đa quốc gia lớn, lan tỏa hiệu quả tới khu vực kinh tế trong nước và gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng, bình đẳng, thuận lợi, giảm chi phí liên quan đến quản lý nhà nước và rủi ro thể chế đối với khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước. Thúc đẩy sự gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, bản chất của tái cơ cấu nền kinh tế là việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực bên cạnh việc nâng cao vai trò và hiệu quả của thị trường trong phân bổ và sử dụng các nguồn lực đó. Có nghĩa, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được xem xét đến như là nguồn lực quan trọng.
Trong suốt gần 3 thập kỷ (1998-2017), FDI được coi là một nguồn ngoại lực quan trọng, đóng góp không nhỏ đối với tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Việc sử dụng tốt nguồn ngoại lực này sẽ giúp đạt được một số nội dung đặt ra đối với tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn hiện nay, như bổ sung một nguồn lực lớn về vốn, công nghệ, giúp đầu tư chiều sâu, tạo điều kiện cho nâng cao năng suất lao động…
Điểm lại một số kết quả cụ thể của FDI đối với phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua để thấy rõ hơn điều này.
Theo thống kê, tổng vốn đầu tư xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 đạt 31,8% GDP, trong đó FDI đã bổ sung một nguồn vốn lớn cho tổng đầu tư xã hội. Vốn FDI đều giữ mức tăng trưởng cao qua các thời kỳ và các năm gần đây.
FDI cũng là khu vực phát triển năng động nhất với tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn tốc độ tăng trưởng trong cả nước. Năm 1995, GDP khu vực FDI tăng 14,98% trong khi GDP cả nước tăng 9,54%; tỷ lệ này năm 2000 tương đương là 11,44 - 6,79%; năm 2005 là 13,22 - 8,44%; năm 2010 là 8,12-6,78% và năm 2014 là 7,18-5,98%.
Tính đến năm 2013, đóng góp của khu vực FDI vào GDP của Việt Nam so với mức trung bình của thế giới cao hơn 7,7 điểm phần trăm cho thấy ảnh hưởng của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn.
Tuy vậy, bên cạnh những đóng góp tích cực của FDI đối với nền kinh tế, khi FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam ở mức trên 20 tỷ USD trong nhiều năm gần đây vào nhiều dự án có quy mô lớn, vượt quá khả năng tiếp nhận và quản lý của nền kinh tế (mức giải ngân vốn FDI hàng năm chỉ đạt mức bình quân trên 10 tỷ USD). Hệ quả là, FDI ngày càng bộc lộ khá rõ các bất cập đối với nền kinh tế về môi trường, về cạnh tranh trên thị trường nội địa, về sự liên kết với các doanh nghiệp Việt. Đây cũng là nguyên nhân khiến việc tiếp thu công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động... của các doanh nghiệp Việt từ tác động của FDI còn rất hạn chế.
Trước thực trạng đó, để sử dụng hiệu quả nguồn lực FDI trong tái cơ cấu nền kinh tế, có câu hỏi đã được đặt ra là, việc thu hút và sử dụng nguồn ngoại lực này như thế nào là “hợp lý” trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay?
Rõ ràng, đây không đơn thuần là câu hỏi mà là một bài toán khó đối với công tác quản lý của nhà nước về FDI cần được giải một cách khoa học, để có đáp án tối ưu, phù hợp với thực trạng phát triển của nền kinh tế hiện nay cũng như lâu dài. Tất nhiên, câu hỏi này phải được giải trên cơ sở thực thi đúng định hướng, chính sách của Nhà nước về FDI trong giai đoạn tới, đó là tiếp tục khuyến khích FDI vào Việt Nam, thu hút FDI phải đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững nền kinh tế, cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng...
Nghĩa là cần “tái cơ cấu” trong thu hút FDI để phục vụ có hiệu quả hơn việc tái cơ cấu nền kinh tế.
Có một vấn đề liên quan cần phải bàn. Đó là quy hoạch thu hút FDI; nâng cao năng lực quản lý nhà nước các cấp về thu hút, sử dụng FDI; xử lý các bất cập của FDI hiện nay liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế.
Thứ nhất, về quy hoạch thu hút FDI. Tuy vẫn chưa có một quy hoạch tổng thể nào về thu hút FDI trên phạm vi cả nước, nhưng việc thu hút FDI vẫn được thực hiện dựa trên cơ sở định hướng, quy hoạch phát triển ngành, vùng và danh mục dự án gọi vốn FDI của các địa phương và danh mục quốc gia. Thiếu quy hoạch tổng thể thu hút FDI vừa qua đã dẫn đến việc cho phép FDI đầu tư vào những vùng đất nhạy cảm. Việc FDI cùng lúc đổ xô, ồ ạt đầu tư vào cùng một lĩnh vực như vào bất động sản giai đoạn 1996 - 1998, vào sắt thép...) gây mất cân đối cung - cầu, nhưng chậm triển khai hoặc không triển khai được... đã gây lãng phí về nguồn lực.
Có quy hoạch tổng thể thu hút FDI cũng giúp cho việc xác định FDI trong giai đoạn tới thế nào là “hợp lý”, vì có quy hoạch là đã có tính đến sự kết nối với các quy hoạch khác, đảm bảo thu hút FDI phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, ngăn chặn được các dự án tiềm ẩn rủi ro trong tương lai. Khi đó, cả vốn đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước cùng đảm bảo có hiệu quả,không bị lãng phí nguồn lực từ góc độ chung.
Trong quy hoạch tổng thể thu hút FDI đó, sẽ tính tới việc thu hút đầu tư chiều sâu (không thiên về số lượng dự án, chọn các dự án doanh nghiệp Việt chưa đủ năng lực thực hiện, lựa chọn các dự án có công nghệ cao, có khả năng giúp phát triển các lĩnh vực, ngành nghề cụ thể).
Quy hoạch đó cũng xác định rõ tỷ lệ đầu tư hài hòa giữa các đối tác nước ngoài tại Việt Nam, không để bất kỳ một đối tác nào chiếm đa phần thị trường FDI tại Việt Nam.
Quy hoạch đó cũng là rào cản kỹ thuật để hạn chế các dự án xấu từ các quốc gia có tranh chấp chủ quyền kinh tế... với Việt Nam.
Xây dựng được quy hoạch này rõ ràng sẽ giúp được việc nâng cao hiệu quả nguồn lực FDI cho nền kinh tế. Hy vọng với Dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội kỳ này cho ý kiến, khi được thông qua sẽ làm cơ sở để xây dựng quy hoạch tổng thể thu hút FDI.
Thứ hai, về nâng cao năng lực quản lý nhà nước các cấp trong thu hút và sử dụng FDI. Các bài học gần đây về sự cố môi trường từ các dự án FDI đã bộc lộ khá đầy đủ năng lực quản lý nhà nước ở các cấp trong thu hút và quản lý FDI, từ khâu vận động xúc tiến đầu tư, thẩm định cấp phép đầu tư, đến giám sát quản lý doanh nghiệp FDI sau cấp phép.
Để tránh thất thoát các nguồn lực phải chi ra để khắc phục các sự cố về môi trường từ ngân sách nhà nước và của xã hội, không có gì khác hơn là phải “mổ xẻ” một cách khách quan, khoa học một vài sự cố về môi trường từ các doanh nghiệp FDI để tìm ra được các lỗ hổng trong quản lý nhà nước, nhằm khắc phục, không để tái diễn trong thu hút FDI giai đoạn tới. Đây cũng là giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực FDI trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Nâng cao năng lực chuyên môn, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý FDI cũng là một trong các giải pháp cụ thể góp phần tránh lãng phí nguồn lực phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, về xử lý các bất cập hiện nay của FDI, chủ yếu là các bất cập gây lãng phí các nguồn lực để phát triển kinh tế của các dự án FDI đã được cấp phép.
Cụ thể đó là cần có ngay giải pháp đối với các dự án FDI “treo” không thể triển khai được hoặc chậm tiến độ, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất; phải dừng hoạt động đối với các dự án chưa có giải pháp bảo vệ môi trường; khuyến khích, thúc đẩy đầu tư theo hình thức công ty liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Hiện nay, đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài đang chiếm đa số tại Việt Nam, chiếm trên 70% tổng số dự án đầu tư.
Tóm lại, xử lý các bất cập này sẽ giúp cho dòng vốn FDI chảy được nhiều hơn, thông thoáng hơn, giúp tăng nguồn ngoại lực, sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các nguồn lực liên quan, giúp nâng cao năng suất lao động của các doanh nghiệp Viêt Nam, phục vụ cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay.