Đừng để bên ngoài hưởng lợi

Quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài được Bộ Công Thương ban hành cuối tháng 12-2015 nhằm dựng hàng rào kỹ thuật chống việc nhập khẩu thép Trung Quốc tràn lan lại đang trở thành cuộc tranh luận gay gắt giữa hai nhóm doanh nghiệp trong nước.

24/02/2016 16:35

Quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài được Bộ Công Thương ban hành cuối tháng 12-2015 nhằm dựng hàng rào kỹ thuật chống việc nhập khẩu thép Trung Quốc tràn lan lại đang trở thành cuộc tranh luận gay gắt giữa hai nhóm doanh nghiệp trong nước.

Lý lẽ của mỗi bên

Do chịu một bản quy hoạch ngành đến năm 2020 vốn đã bị “vỡ” từ lâu nên việc cạnh tranh trong ngành thép luôn cực kỳ gay gắt, kể từ năm 2011 đến nay cung lúc nào cũng gấp đôi cầu. Bất kỳ một tác động lớn nào từ bên ngoài cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Năm 2015 phôi thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam với tổng khối lượng lên đến gần 1,9 triệu tấn, tăng 3,1 lần so với năm 2014. Trong đó chủ yếu là phôi nhập khẩu từ Trung Quốc với số lượng tăng đột biến và giá bán liên tục giảm mạnh.

Trước tình hình đó, bốn công ty trong nước gồm Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty Gang thép Thái Nguyên và Công ty cổ phần Thép Việt Ý với sự ủng hộ của Hiệp hội Thép Việt Nam và 80% các doanh nghiệp trong ngành, kể cả nhiều doanh nghiệp FDI, đã nộp hồ sơ lên Bộ Công Thương yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài (thép thanh, thép cuộn) nhập khẩu.

Hồ sơ tại Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) về vụ này có nhiều thông tin và số liệu chi tiết được xem là bằng chứng xác thực về tình trạng nhập khẩu và thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước. Bộ Công Thương đã xem xét các chứng cứ nêu ra và nhận thấy nhóm nguyên đơn chiếm 38,6% tổng sản lượng phôi thép và 34,2% tổng sản lượng sản xuất thép dài trong nước nên đã đáp ứng đủ tỷ lệ đại diện để yêu cầu được áp dụng biện pháp tự vệ. (Theo quy định thì biện pháp này sẽ được áp dụng nếu có từ 25% trở lên tổng sản lượng hàng hóa tương tự sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng). Đó là chưa kể tỷ lệ ủng hộ áp dụng biện pháp này của các doanh nghiệp trong ngành là rất cao (58% và 52,7% các doanh nghiệp sản xuất các loại hàng hóa cùng nhóm trên).

Do vậy. Bộ Công Thương đã ra quyết định tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với hai mặt hàng nêu trên. Trong thời gian điều tra, đề nghị của nhóm nguyên đơn là áp thuế suất 45% đối với phôi thép nhập khẩu và 33% đối với sản phẩm thép dài sản xuất từ phôi nhập khẩu. Thời gian áp dụng thuế tự vệ tạm thời không quá 200 ngày. Hiện nay, các mức thuế áp dụng đối với hai nhóm hàng trên là 9% và 20%.

Sở dĩ nhóm nguyên đơn khởi kiện và dễ nhận được sự đồng thuận của đa số các doanh nghiệp ngành thép vì đây là các doanh nghiệp đầu tư sản xuất từ hạ nguồn đến thượng nguồn ngành thép, từ phôi thép đến thép thành phẩm để hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, nhóm sáu doanh nghiệp sản xuất thép, trong đó hầu hết là các doanh nghiệp sản xuất thép từ phôi nhập khẩu như Việt Đức, Kyoei Việt Nam...cũng đã gửi đơn lên Bộ Công thương đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ. (CTCP thép Pomina cũng đứng đơn trong nhóm doanh nghiệp này nhưng Pomina là doanh nghiệp sản xuất phôi trong nước, từ nguồn phế liệu nhập khẩu).

Các doanh nghiệp này cho rằng nhiều doanh nghiệp trong ngành chưa đủ lớn, vẫn phải dựa vào nguồn cung phôi thép nhập khẩu để sản xuất. Nếu phôi thép nhập về bị tăng thuế thì họ phải tăng giá, dẫn đến thua lỗ, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu đầu vào. Mặt khác, các doanh nghiệp này cũng cho rằng việc áp dụng biện pháp tự vệ là một cách mà bên nguyên đơn lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh, độc chiếm thị trường.

Tự vệ không còn là sớm

Việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu đã có tiền lệ đối với mặt hàng dầu thực vật từ năm 2015. Tuy nhiên, nó không gây ra cuộc tranh cãi lớn vì sức ảnh hưởng của mặt hàng này không thể so sánh với ngành thép - nơi có doanh thu và lợi nhuận từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

Việc áp dụng hàng rào kỹ thuật trong môi trường toàn cầu hóa tất yếu sẽ được lợi cho nhóm doanh nghiệp này nhưng đồng thời cũng sẽ gây thiệt hại cho nhóm doanh nghiệp khác. Vấn đề là nên nhìn nhận cách làm này cũng chỉ là một hình thức buộc phải làm để bảo vệ số đông hơn các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và thép xây dựng từ nguồn cung trong nước, đầu tư bài bản hơn hoặc tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị.

Hiện nay nhóm các doanh nghiệp này lớn hơn hoặc đông hơn (80%) so với nhóm các doanh nghiệp sản xuất thép cán từ nguồn nhập khẩu - hình thức kinh doanh mà ngành thép Việt Nam đã gánh chịu nhiều rủi ro từ năm 2007 trở về trước. Xuất phát điểm thấp của ngành thép tại thời kỳ đó là nguyên nhân khiến Chính phủ ban hành nhiều biện pháp ưu tiên chế biến sâu, sản xuất gang thép từ thượng nguồn, cấm xuất khẩu khoáng sản thô... để tạo đà cho ngành thép phát triển. Không lẽ mất hàng chục năm xây dựng một ngành công nghiệp chế biến sâu hơn lại dễ dàng để cho nó ra đi theo cách như vậy?

Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp trong nước tuy lợi ích sống còn có khác nhau nhưng cần phải nhìn nhận một đích đến chung: phải đấu tranh với hàng nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, chứ không phải đấu tranh trực tiếp với nhau. Nếu vụ việc nói trên kéo dài thì vô tình sẽ “tiếp tay” mở cửa thị trường cho phôi và thép Trung Quốc tiếp tục đổ vào Việt Nam. Lúc ấy, liệu chỉ nhóm doanh nghiệp cán thép nhập khẩu có đủ trở thành một ngành sản xuất thép trong nước?

Hơn nữa, trong trường hợp quyết định tự vệ thương mại này thành hiện thực, góp phần giúp các doanh nghiệp chế biến sâu mạnh lên và thống lĩnh thị trường, áp đặt giá bán như e ngại của nhóm doanh nghiệp cán thép thì vẫn còn có Luật Cạnh tranh điều chỉnh.

Năm 2015, Việt Nam đã “hứng” 10,5 triệu tấn thép nhập từ Trung Quốc vào các công trình, dự án. Nếu ngành thép, vốn có tiềm lực hơn nhiều ngành sản xuất khác, mà không chống đỡ được cơn lốc nhập khẩu này thì sẽ còn nhiều ngành khác cũng sẽ bị hàng ngoại “cuốn” trôi. Một mức thuế tự vệ tạm thời và một quyết định điều tra chính thức đối với phôi thép và thép cán từ phôi nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc có lẽ không phải là sớm nữa.

Việc nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc bắt nguồn từ sự suy giảm của kinh tế nước này, khi năng lực sản xuất thép thô đạt hơn 1 tỉ tấn/năm và nguồn cung hiện đang dư thừa hơn 200 triệu tấn. Để tháo gỡ cho ngành thép trong nước, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt chính sách như miễn giảm thuế, hoàn thuế nhằm giúp thép xuất khẩu có giá thấp hơn giá bán bình quân của thế giới từ 20-40%.

Trong khi đó, theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mỗi năm các nước trên thế giới tiến hành điều tra chống bán phá giá và tự vệ thương mại khoảng 150 vụ thì 60% trong số đó thuộc về ngành thép. Ủy ban châu Âu (EC) đã 14 lần sử dụng hàng rào thuế quan và áp dụng biện pháp phụ phí nhập khẩu lên đến 40% đối với thép Trung Quốc. Nhiều quốc gia khác cũng dựng hàng rào mà mục đích cuối cùng là tăng thuế, hạn chế thép Trung Quốc tràn vào.