'Đổi mới không cần bao tỉ đô la mà cần con người'
25/02/2015 10:16
"Việc đổi mới mạnh mẽ hơn nữa thể chế kinh tế của VN là cần thiết. Điều này không cần dùng nhiều tiền bạc, không cần bao nhiêu tỷ đô la mà cần sự đổi mới ở mỗi cán bộ, vị trí công tác, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao" - Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh trò chuyện với VietNamNet đầu năm với kỳ vọng về sự đổi mới bứt phá của đất nước.
Nhìn về năm mới 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh tâm điểm đại hội Đảng các cấp sẽ bắt đầu diễn ra từ tháng 6, kéo dài đến Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra vào quý 1/2016. Ông nhấn mạnh phải phấn đấu quyết liệt hoàn thành kế hoạch 5 năm, thúc giục việc tiếp tục tiến hành đổi mới, đón thời cơ để đất nước bứt phá.
"Nếu chỉ lo cho việc Đại hội, việc nhân sự thôi ta sẽ bị phân tâm. Chúng ta không dám đổi mới, chúng ta giữ yên ổn để xem thế nào thì chúng ta dễ đánh mất thời cơ, đối mặt với thách thức. Tôi thấy rằng các cấp ủy đảng chính quyền từ TƯ đến địa phương cần nhận thức rõ vấn đề này. 2015 phải vượt qua được thách thức, chớp cơ hội đưa đất nước tăng trưởng một cách vượt bậc.
Đặc biệt phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và tiếp tục dòng chảy của 2014 là cải cách thể chế mạnh mẽ hơn, đổi mới mạnh mẽ hơn, tạo ra nhiều cơ chế thuận lợi hơn, khơi dậy sự quan tâm, nhiệt tình của ngành kinh tế, nhất là sốc lại tinh thần, niềm tin của DN. Đây là điều rất quan trọng" - Bộ trưởng chia sẻ.
Những vấn đề cụ thể nào khiến Bộ trưởng tâm tư cần có những đổi mới đột phá mạnh mẽ hơn?
Tôi nghĩ văn kiện ĐH Đảng lần thứ 11 đã chỉ ra những rào cản của đất nước khá chính xác. Thể chế kinh tế vẫn là một rào cản mặc dù đã được cải thiện khá nhiều và đây cũng là điểm sáng của 2014 với VN. Nhưng nó vẫn là một rào cản và thách thức với tăng trưởng.
Tôi cũng suy nghĩ về thể chế hành chính - có thể là một cách nói nhẹ đi - trong đó, thể chế hệ thống chính trị của đất nước cần phải xem xét được cấu trúc lại, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, thế giới. Trong khi chúng ta thực hiện nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hơn, việc cấu trúc lại cho tương thích là cần thiết.
Hay có những rào cản mà NQ ĐH Đảng 11 cũng đề cập là vấn đề nhân lực. Nhân lực ở đây chính là con người chứ không phải bó hẹp nhân lực chất lượng cao trong 3 đột phá. Phải quan tâm rất nhiều vấn đề này, từ khâu tổ chức cán bộ bộ máy đến lựa chọn sử dụng, lựa chọn đánh giá và sử dụng để làm sao phát huy được tố chất và đóng góp thật sự của mỗi con người VN trong Tổ quốc, đất nước mình. Điều này còn rất nhiều việc phải làm. Tôi nghĩ đây là một trong những điểm then chốt và còn rất nhiều việc chưa làm được.
Điều mà Bộ Nội vụ nói cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ (1%) hay đánh giá từ các cơ sở, việc các lãnh đạo cấp cao đánh giá 30% chưa hoàn thành nhiệm vụ, những vấn đề này ta thấy đánh giá rất khác nhau. Nó khác là ta thấy trong bộ ngành việc đánh giá con người có rất nhiều vấn đề, thiếu đi những động lực để cho người tâm huyết, có năng lực vào vị trí cần thiết, chèo lái con thuyền đóng góp cho đất nước. Đó chính là lực cản.
Tại sao Thái Lan làm được, ta không làm được?
Trong rất nhiều rào cản đấy, theo Bộ trưởng cần bước đột phá nào để VN tăng trưởng và làm ngay lúc này, ngay trong thời gian tới?
Có thể làm được ngay và không bị vướng mắc nhiều lắm đó là tiếp tục xem xét, cải cách mạnh mẽ hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa thể chế kinh tế của VN. Điều này không cần dùng nhiều tiền bạc, không cần bao nhiêu tỷ đô la mà cần sự đổi mới ở mỗi cán bộ, ví trí công tác, đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao.
Do đó đòi hỏi quyết tâm chính trị của bộ, ngành, hệ thống. Đổi mới thể chế không phải chỉ nói đơn giản mà nó đụng đến công việc, cách làm quen thuộc trước đây, thậm chí tước bỏ đi những quyền lợi, lợi ích mà ở mỗi vị trí có thể có. Nó đòi hỏi làm sao có thể minh bạch hơn, thuận lợi hơn cho nhân dân, cho DN, làm sao có thể hòa nhập với chuẩn mực chung của thế giới.
Tôi nhớ trong một phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng đã trải lòng khi nói về các nước trong ASEAN 6. Họ cũng như chúng ta cần bảo hộ sản xuất trong nước, chống xâm nhập hàng bên ngoài nhưng cũng cần bảo vệ bao lợi ích cho đất nước họ. Họ vẫn mở cửa và có thể giảm được các thủ tục tạo nhiều thuận lợi cho DN chứ không phải chỉ cần bảo hộ. Tại sao các nước bên cạnh như Thái Lan, Malaysia, Singapore... làm được mà chúng ta không làm được?
Đó chính là cái chúng ta phải làm. Chúng ta không cần quá nhiều tiền bạc nhưng cần sự quyết tâm chính trị, vì đất nước phải gạt bỏ đi những rào cản do chính chúng ta tạo ra.
Bình bình mà đi thì không ăn thua
Bộ trưởng có thể đề cập cụ thể những điều có thể làm ngay trong đổi mới thể chế kinh tế?
Nhiều vấn đề cần phải đổi mới nhưng trước mắt phải chọn những vấn đề then chốt. Năm 2014 có nhiều thách thức khó khăn, va chạm về vấn đề Biển Đông ít nhiều ảnh hưởng hình ảnh VN trong môi trường đầu tư kinh doanh với quốc tế, nhưng 6 tháng cuối năm ta đã khôi phục lại được niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, cải thiện một cách rõ nét về môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là những thủ tục về thuế, hải quan hay các thủ tục hành chính được gỡ bỏ rất nhiều. QH cũng đã thông qua các luật minh bạch như luật Đầu tư sửa đổi, luật DN, những luật tác động mạnh mẽ đến DN trong nước, quốc tế...
Điều vui mừng nữa, chính 2014 này lần đầu tiên sau 3 năm vượt qua mức tăng trưởng mà QH đã thông qua, chúng ta nhận ra xu thế của lạm phát giảm đi, ổn định, tăng trưởng đang khôi phục dần dần. Có những người cho rằng VN đang đi rất tốt nhưng nếu cứ để bình bình đi, không ăn thua. Bên cạnh tăng trưởng vẫn còn nhìn thấy rất nhiều trăn trở chưa được tháo gỡ. Như vậy VN không thể phát triển cao 8 - 9% được, thậm chí cao hơn để tăng tốc, xóa, thu hẹp dần với các nước bên cạnh.
Có thể nói khoảng cách giữa VN và các nước trong khu vực chưa được thu hẹp. VN tăng trưởng nhưng các nước khác cũng tăng trưởng, thậm chí họ tăng trưởng bài bản hơn để có động lực tăng trưởng tốt hơn cho giai đoạn sau. Còn là chúng ta đang phục hồi lại sự tăng trưởng để có tốc độ cao với những năm bị chậm lại.
Do đó cần phải đẩy nhanh hơn, tập trung 2 mảng: cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế và khai thác triệt để yếu tố con người hiện nay. Đó chính là vấn đề tổ chức, sử dụng, quản lý, đánh giá, đào tạo con người VN (không chỉ cán bộ công chức viên chức đơn thuần mà cả DN, người dân), tất cả lực lượng VN cần phải xem xét lại.
Về mặt thể chế kinh tế có 2 vấn đề then chốt. Thứ nhất, đổi mới trước đây tạo ra động lực tăng trưởng đưa nền kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung theo mô hình xã hội cũ sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đây là bước chuyển căn bản và rất lớn trong đổi mới và đã gặt hái được nhiều thành tựu, nhiều sự phát triển, đất nước thịnh vượng lên chính nhờ bước chuyển này.
Nhớ lại những năm 1984-1985, cơ chế giá lương tiền là cuộc cách mạng lớn, chuyển từ bao cấp sang thị trường. Tuy nhiên đến phút này có thể thấy rằng thị trường của ta chuyển sang vẫn chưa hoàn chỉnh, chưa đầy đủ, còn nhiều yếu tố chưa thị trường, vẫn còn níu kéo bao cấp cũ, chưa tạo động lực mạnh mẽ.
Như nhìn vào thị trường khoa học công nghệ vẫn chưa định hình với những sản phẩm công nghệ thành sản phẩm hàng hóa thực sự hấp dẫn, thúc đẩy các nhà khoa học tạo ra sản phẩm có giá trị cao, được mua bán, chuyển nhượng để đi vào sản xuất, tạo ra của cải vật chất với giá thành hạ hơn, chất lượng cao hơn. Hiện nay các sản phẩm, các nghiên cứu vẫn đóng khung trong viện nghiên cứu, chưa đi ra ngoài cuộc sống.
Về nguyên lý, trong cơ chế thị trường, ai sử dụng tài nguyên khoáng sản của đất nước tốt nhất thì người đó được tiếp cận nhiều nhất. Thế nhưng liệu những DN tư nhân, những DN làm ăn rất tốt đã được tiếp cận với các tài nguyên thiên nhiên chưa, từ than, dầu khí, sắt... hay DNNN đang quản lý hết, không ai phản đối?
Hay về vốn, DN nhà nước vẫn tiếp cận vốn nhiều nhất. Như thế chưa thực sự sòng phẳng. Chúng ta chưa có đủ các giải pháp để thực hiện nguyên lý như hay nói là cơ chế thị trường phải thực hiện một cách đầy đủ hơn, tốt hơn. Đó là những vấn đề thể chế cần tháo gỡ để làm đúng đường lối mà Đảng và Nhà nước quyết định.