Doanh nghiệp tôn mạ màu phản công hàng nhập khẩu

Bộ Công thương vừa chính thức quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu sau gần hai tháng nhận đơn đề nghị của các nguyên đơn. Quyết định này cho thấy tình trạng tôn giá rẻ nhập khẩu đặc biệt từ Trung Quốc tăng mạnh thời gian qua gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

13/07/2016 08:28

Bộ Công thương vừa chính thức quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu sau gần hai tháng nhận đơn đề nghị của các nguyên đơn. Quyết định này cho thấy tình trạng tôn giá rẻ nhập khẩu đặc biệt từ Trung Quốc tăng mạnh thời gian qua gây ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện các doanh nghiệp ngành tôn thép trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do sản phẩm xuất khẩu bị kiện nhiều nhất, trong khi thị trường trong nước lại đối mặt với lượng tôn thép giá rẻ tràn ngập nhập ồ ạt từ Trung Quốc.

Sản lượng sản xuất tôn mạ (tôn phủ màu, thép mạ) của Việt Nam hiện khoảng gần 1,9 triệu tấn, trong khi đó tiêu thụ nội địa chỉ gần 740.000 tấn, nên lượng sản xuất đã dư thừa trên 250%. Trong khi đó, sản lượng nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc tăng vọt, tổng sản lượng tôn mạ (tôn phủ màu, tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm và thép dày mạ kẽm) dư thừa tại thị trường nội địa hiện tại khoảng trên 1,2 triệu tấn.

Theo thống kê, sản lượng nhập khẩu tôn phủ màu và thép mạ (tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm và thép dày mạ kẽm) từ Trung Quốc có sự gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Tôn mạ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bán giá thấp hơn khoảng 30- 31 % so với tôn mạ do Việt Nam sản xuất. Khoảng chênh lệch quá lớn như vậy, nên sản phẩm tôn mạ Việt Nam không thể cạnh tranh với tôn mạ giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trước thực trạng này, hồi tháng 5 năm nay, 3 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc, Công ty cổ phần Thép Nam Kim và Công ty cổ phần Tôn Đông Á gửi kiến nghị đến Cục Quản lý cạnh tranh (QCLT - Bộ Công thương) để cáo buộc việc sản lượng nhập khẩu tôm mạ màu quá lớn, nhất là từ Trung Quốc gây khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp và ngành sản xuất tôn thép trong nước. Công ty Luật hợp danh Nghiêm và Chính sẽ đại diện cho nhóm các công ty nguyên đơn trong vụ việc này.

Theo đó, hàng hóa thuộc đối tượng điều tra là thép hợp kim, hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ hợp kim nhôm/kẽm được phủ sơn (tôn lạnh màu); thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ kẽm được phủ sơn (tôn kẽm màu); thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội được phủ sơn (tôn đen màu) ở dạng cuộn, tấm băng hoặc cán sóng. Theo quy định 3 nguyên đơn này chiếm 25,17% tổng sản lượng sản xuất trong nước đã đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ đại diện khởi kiện (25% tổng sản lượng hàng hóa tương tự sản xuất trong nước) theo quy định tại Điều 10, Pháp lệnh 42/2002/PL-UBTVQHl0. Trong khi đó, nguyên đơn và các công ty có đơn ủng hộ áp dụng biện pháp tự vệ chiếm 99,86% tổng lượng sản xuất hàng hóa tương tự trong nước của sản phẩm tôn màu.

Giai đoạn điều tra là từ ngày 1/1/2013 đến 31/12/2015.Theo các nguyên đơn, mặt hàng tôn màu nhập khẩu có sự gia tăng đột biến trong giai đoạn 2013 - 2015. Cụ thể, nếu lấy năm 2013 làm gốc, tỷ lệ tăng tương đối của hàng hóa nhập khẩu năm 2014 so với năm 2013 là 30%, tỷ lệ này đã tăng lên đột biến trong năm 2015 so với năm 2013 là 93%.

Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Trong đó, lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đạt mức 236,730 tấn, chiếm hơn 80% tổng lượng hàng hóa thuộc đối tượng điều tra nhập khẩu vào Việt Nam.

Giá trị nhập khẩu tăng tới 5.200 tỷ đồng (năm 2015), giá bán của các sản phẩm tôn màu Trung Quốc thấp tới 30-40% so với hàng sản xuất cùng loại trong nước. Đặc biệt,sản phẩm cùng loại của Hàn Quốc thấp tới 72%. Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, khiến sản lượng sản xuất, thị phần, doanh thu, lợi nhuận, lao động đều giảm. Trong khi đó, tồn kho tôn màu tăng, chi phí sản xuất tăng nhưng giá bán không tăng.

Các phân tích trên đã đủ điều kiện để Bộ Công thương tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng thuộc đối tượng điều tra.

Cần phải nhắc lại là, tất cả các bên liên quan có quyền nêu quan điểm của mình về vụ việc này trong suốt quá trình điều tra. Bộ Công thương có trách nhiệm xem xét tất các thông tin, chứng cứ, quan điểm của các bên liên quan trước khi kết luận cuối cùng về vụ việc.

Đặc biệt, căn cứ Điều 20, Pháp lệnh về tự vệ, Bộ Công thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi kết thúc điều tra nếu xét thấy việc chậm thi hành các biện pháp tự vệ gây ra, hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và thiệt hại đó khó có thể khắc phục.