DN thép 'né' thuế phòng vệ thương mại?

Thời gian qua, nhờ áp dụng biện pháp tự vệ khẩn cấp, sản xuất phôi thép của Việt Nam đã hoạt động trở lại, lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể, sản xuất trong nước đã được phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại câu hỏi là có hay không việc các doanh nghiệp thép “né” thuế phòng vệ thương mại để hưởng lợi?

21/12/2016 14:49

Thời gian qua, nhờ áp dụng biện pháp tự vệ khẩn cấp, sản xuất phôi thép của Việt Nam đã hoạt động trở lại, lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể, sản xuất trong nước đã được phục hồi và tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại câu hỏi là có hay không việc các doanh nghiệp thép “né” thuế phòng vệ thương mại để hưởng lợi?

Có hay không việc trốn thuế phòng vệ thương mại?

Gần đây, tình trạng lượng nhập khẩu thép ở Mã HS 7213.91.90 tăng lên mức đột biến sau khi áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép có Mã HS 7227.9000 từ tháng 4/2016.

Theo đó, qua theo dõi tình hình nhập khẩu, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết có thể đang tồn tại hiện tượng lẩn tránh thuế phòng vệ bằng cách khai chuyển mã số HS.

Cụ thể, lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS đang bị áp thuế phòng vệ thương mại trong 9 tháng giảm rõ rệt, chỉ bằng 29% so với cùng kỳ và bằng 25% so với cả năm 2015. Nhưng lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS không thuộc đối tượng áp thuế (mã HS 7213.91.90) tăng lên đột biến, nhất là từ tháng 4 khi có quyết định áp thuế tự vệ tạm thời.

So với năm 2015 và quý I/2016, lượng thép mã HS này đã tăng gấp nhiều lần, riêng tháng 9, con số nhập khẩu đã lên tới 120.640 tấn. Tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 9 tháng đã tăng gấp gần 14 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với sự gia tăng về lượng nhập khẩu là sự xuất hiện của các doanh nghiệp hoàn toàn mới so với năm 2015. Cụ thể, năm 2015 có khoảng 30 doanh nghiệp nhập khẩu mã HS 7213.91.90 nhưng đến tháng 9/2016 đã có gần 70 doanh nghiệp và các doanh nghiệp mới này đều là công ty thương mại. Đây chính là các doanh nghiệp trước đây đã nhập mã 7227.90.00 và nay lại là những doanh nghiệp đứng hàng đầu nhập mã 7213.91.90.

Theo phân tích của VSA, thép cuộn mã 7213.91.90 có thành phần hóa học và cơ tính có thể đáp ứng để sử dụng như thép cuộn nhập khẩu đang bị áp thuế phòng vệ thương mại.

Mặt khác, doanh nghiệp chuyển sang mã HS này để hưởng thuế suất 3% so với mức thuế suất 15,4% đối với mã HS 7227.90.00 và 30,4% với mã HS 7213.10.00 và 35,4% đối với mã HS 7213.91.20.

Tuy nhiên, theo lý giải của một số doanh nghiệp nhập khẩu thép, trước đây, doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu sản phẩm thép Mã HS 7227.9000 để sản xuất, tuy nhiên, từ khi thuế tự vệ được áp đối với mặt hàng này, đưa mức thuế lên 15.4 % thì doanh nghiệp chuyển qua nhập khẩu sản phẩm thép Mã HS 7213.91.90 bởi thuế xuất khẩu của HS 7213.91.90 ở mức 3%. Trong khi đó, đặc tính lý hóa của hai mã sản phẩm trên tương đương, có thể sử dụng thay thế cho nhau.

Các doanh nghiệp cũng khẳng định, việc nhập khẩu chủ yếu phục vụ quá trình sản xuất sản phẩm thép rút dây/dây thép buộc, không nhằm mục đích kinh doanh thương mại.

Không lợi dụng phòng vệ thương mại để doanh nghiệp hưởng lợi

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, trước đây, ngành thép Việt Nam chưa tập trung nghiên cứu sản xuất mặt hàng thép rút dây/dây thép buộc bởi nhu cầu trong nước đối với mặt hàng này còn hạn chế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, từ khi áp thuế đối với Mã HS 7227.9000, các nhà sản xuất trong nước đã chú trọng hơn mặt hàng này.

Trước những khó khăn mà doanh nghiệp nhập khẩu nêu ra về việc sử dụng sản phẩm trong nước, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương nhấn mạnh, phòng vệ thương mại là công cụ hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước ở bất cứ quốc gia nào. Biện pháp tự vệ là biện pháp khẩn cấp để bảo hộ cho sản phẩm. Nếu không có biện pháp tự vệ thì ngành sản xuất trong nước có thể bị phá sản, khi đó thép từ Trung Quốc có thể thao túng giá cả trên thị trường.

Trước khi xem xét, nghiên cứu, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phải tuân thủ theo quy trình, không thể tùy tiện đưa ra một mức thuế nào đó. Phòng vệ thương mại là công vụ cuối cùng bảo vệ sản xuất trong nước nhưng không bảo vệ quyền lợi của một cá nhân nào mà bảo vệ quyền lợi của cả ngành.

Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cũng khẳng định, trong thời gian qua, nhờ áp dụng biện pháp tự vệ khẩn cấp, sản xuất phôi thép của Việt Nam đã hoạt động trở lại. Khi áp dụng biện pháp đối với các Mã HS đó, lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể, sản xuất trong nước đã được phục hồi và tăng trưởng.

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Cục Quản lý cạnh tranh cũng sẽ cân nhắc việc thành lập các đoàn thanh, kiểm tra trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu trong nước. Không để xảy ra tình trạng lợi dụng công cụ phòng vệ thương mại để tạo lợi thế riêng cho doanh nghiệp.