Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn

Trong suốt hơn bốn tháng đầu năm 2020, hoạt động cổ phần hóa (CPH), thoái vốn giậm chân tại chỗ vì những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Kế hoạch này đang được khởi động lại trong bối cảnh thị trường và doanh nghiệp (DN) còn bộn bề khó khăn.

03/06/2020 14:57

Trong suốt hơn bốn tháng đầu năm 2020, hoạt động cổ phần hóa (CPH), thoái vốn giậm chân tại chỗ vì những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Kế hoạch này đang được khởi động lại trong bối cảnh thị trường và doanh nghiệp (DN) còn bộn bề khó khăn.

Theo đánh giá của Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính, dịch Covid-19 đã khiến cho các hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ, vì vậy việc triển khai công tác CPH, thoái vốn của các DN trong suốt hơn bốn tháng đầu năm gặp khó khăn.

Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 3/2020: thoái 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng.

Theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì kế hoạch CPH giai đoạn 2017 - 2020 là 128 DN. Lũy kế giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 3/2020, có 174 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.748 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 174 DN đã CPH chỉ có 36/128 DN CPH thuộc danh mục CPH theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 28% kế hoạch, số DN còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 DN.

Theo số liệu thống kê mới đây, trong gần 5 tháng đầu năm 2020, không có DN nào được CPH, trong khi mới chỉ có báo cáo CPH của ba đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Hậu Giang (đã phê duyệt phương án CPH trong năm 2019). Một loạt địa phương và bộ chủ quản vốn đã ì ạch trong thời gian qua lại tiếp tục được “điểm danh” chậm trễ trong hoạt động tái cơ cấu DN như: UBND TP. Hà Nội với 13 DN thuộc bốn tổng công ty (TCT) phải thực hiện CPH, chiếm 14% kế hoạch; UBND TP. Hồ Chí Minh với 38 DN thuộc 11 TCT phải CPH, chiếm 40% kế hoạch;

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN phải CPH sáu DN của ba tập đoàn, ba TCT; Bộ Công thương cần CPH bốn DN thuộc ba TCT; Bộ Xây dựng cần CPH hai TCT...

Không chỉ chậm trễ triển khai CPH, UBND TP. Hà Nội, Bộ Công thương và Bộ Xây dựng vẫn đang loay hoay với kế hoạch thoái vốn nhiều DN còn tồn đọng theo Quyết định số 1232/QÐ-TTg, trong đó Bộ Công thương, Bộ Xây dựng còn phải thoái vốn tại 8/11 TCT cổ phần; UBND TP. Hà Nội còn tới 31/34 DN phải thoái vốn... Cụ thể, trong tháng 3/2020, có hai đơn vị báo cáo tình hình thực hiện thoái vốn đầu tư tại các DN với tổng giá trị là 213,4 tỷ đồng, thu về 308,5 tỷ đồng. Trong ba tháng đầu năm 2020, cả nước thoái được 397 tỷ đồng, thu về 772 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 3/2020: thoái 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng.

Với diễn tiến thực tế này, Cục Tài chính DN nhận định, việc triển khai thực hiện CPH, thoái vốn đối với các DN theo kế hoạch từ nay đến hết năm 2020 chỉ còn có bảy tháng là hết sức khó khăn. Riêng đối với CPH, việc thực hiện cổ phần hóa toàn bộ 92 DN theo kế hoạch “dồn cục” vào hơn hai quý còn lại càng khó khả thi. Diễn biến thị trường tài chính thế giới bất định, đặc biệt là thị trường chứng khoán trong nước vốn đã suy giảm đến đầu tháng 4 mới hồi phục nhưng cũng khó đoán định trong bối cảnh dịch bệnh còn đang phức tạp, nên dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ bán thoái vốn, CPH của các DN.

Trong khi đó, theo nhìn nhận của giới đầu tư, lực đẩy cho thị trường chứng khoán trong nước hầu như vẫn phụ thuộc phần lớn vào các nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư cá nhân. Dòng vốn nước ngoài, khối nhà đầu tư nước ngoài sau một thời gian bán tháo mạnh mẽ mới chỉ quay lại thị trường gần đây với xu hướng mua còn thận trọng, chưa thể tạo đà tích cực trong ngắn hạn cho hoạt động bán thoái vốn của các DN có vốn Nhà nước.

Mặc dù vậy, theo nhận định của ông Ðỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), dù chịu tác động từ dịch Covid-19, song dòng vốn gián tiếp đầu tư vào Việt Nam trong bốn tháng vừa qua vẫn gia tăng. Số thương vụ đầu tư theo hình thức góp vốn mua cổ phần vẫn tăng gần 33% về thương vụ giao dịch so cùng kỳ 2019. Nhà đầu tư vẫn đang âm thầm mua vào, cho thấy thị trường và xu hướng thu hút dòng vốn đầu tư vẫn có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là đối với các DN có tiềm năng tốt.

Mặt khác, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, với việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) nhằm tạo tác động lan tỏa tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhu cầu gia tăng nguồn vốn chi cho ngân sách là khá căng thẳng trong bối cảnh nguồn thu từ ngân sách sẽ giảm bởi việc thực thi các gói hỗ trợ giãn hoãn các loại thuế, phí. Trong điều kiện này, để cân đối có đủ nguồn vốn cho nhu cầu chi ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm giải ngân vốn ĐTC đúng tiến độ kế hoạch, rất có thể, phương án thực hiện thoái vốn tại các DN có quy mô vốn lớn, đặc biệt là những DN có yếu tố cơ bản tốt, vốn được nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm như: Sabeco, Habeco, VEAM, Vinamilk… cũng được tính tới.

Do tình hình triển khai CPH, thoái vốn trong giai đoạn 2016 - 2019 còn chậm, chưa đạt được kế hoạch đề ra nên số lượng DN phải thực hiện CPH, thoái vốn trong năm 2020 là rất lớn. Vì vậy, theo Bộ Tài chính, để đạt được mục tiêu đã đặt ra cho cả giai đoạn 2016 - 2020, trong năm 2020, các bộ, ngành, địa phương, TĐ kinh tế, TCT, DN cần tập trung vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, nghiêm túc, khẩn trương, quyết liệt triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ. Gắn liền trách nhiệm người đứng đầu với kết quả triển khai công tác cơ cấu lại DN. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi không hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ đã giao.