Dấu ấn của Ngành Kiểm tra Ðảng trong năm 2017
12/01/2018 09:36
Nguồn động viên lớn nhất đối với ngành là đã góp phần quan trọng từng bước làm trong sạch, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, được toàn Ðảng, toàn dân tin tưởng và đồng tình ủng hộ.
Chọn đúng vấn đề bức xúc, nổi cộm
Từ sau Ðại hội XII của Ðảng đến nay, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã họp 20 kỳ, trong đó có 10 kỳ trong năm 2017. Thông báo kết luận mỗi kỳ họp là sự kiện làm "nóng" các trang báo, bởi sự quan tâm, hưởng ứng, đồng tình và đánh giá cao của toàn xã hội. Ðể có kết quả đó, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ủy ban kiểm tra các cấp chủ động nắm tình hình, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm của các tổ chức đảng, đảng viên qua theo dõi địa bàn, đơn thư của công dân và thông tin do báo chí phản ánh,...
Những vụ việc nổi cộm, tồn đọng nhiều năm, nhất là trong thực hiện dự án, quản lý kinh tế, trong công tác cán bộ, được Ủy ban Kiểm tra T.Ư xác minh công phu, kết luận khách quan, công tâm, rõ người, rõ việc. Cụ thể như một số cơ quan, cá nhân liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường biển miền trung; sai phạm nghiêm trọng ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Ban Thường vụ Thành ủy Ðà Nẵng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015, Thường trực Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ giai đoạn 2011-2016, Ban Thường vụ Ðảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam... Ðó là căn cứ để Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu, xem xét, thi hành kỷ luật với tinh thần cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải chịu trách nhiệm lớn, không còn bất cứ "vùng cấm" nào. Năm 2017, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kỷ luật 18 đảng viên; tham mưu với cấp có thẩm quyền kỷ luật ba tổ chức đảng, tám đảng viên.
Ông Ðinh La Thăng bị cảnh cáo, cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, phân công làm Phó Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; sau đó bị đình chỉ các chức vụ trong Ðảng, tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, khởi tố, bắt tạm giam, truy tố và đưa ra xét xử, vì hành vi cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại PVN thời gian ông làm Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Ðây là lần đầu tiên, một cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật với các hình thức nghiêm minh như vậy.
Ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức: Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Ðảng bộ TP Ðà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII vì đã vi phạm các quy định về công tác cán bộ, thiếu gương mẫu, vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm,...
Nhiều cán bộ nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng có những vi phạm nghiêm trọng không còn được "hạ cánh an toàn" mà phải chịu hình thức kỷ luật đúng mức, như: cách chức nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đối với ông Phạm Văn Vọng; cách chức nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đối với ông Nguyễn Phong Quang; miễn nhiệm Ủy viên Ban cán sự đảng và chức Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Nhiều cán bộ chủ chốt của một số tỉnh, cơ quan, doanh nghiệp cũng phải chịu các hình thức kỷ luật thỏa đáng, như ở các tỉnh Ðác Nông, Gia Lai, Thanh Hóa, Ðồng Nai, Bộ Công thương, PVN, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam,...
Kiên quyết, công tâm, thấu lý, đạt tình
Chuyện nữ cán bộ xứ Thanh được bổ nhiệm "thần tốc" râm ran dư luận từ năm 2016, nhưng Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ khiển trách ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - người liên quan trực tiếp vụ việc. Sau khi vào cuộc xác minh, làm rõ, Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận: Ông Ngô Văn Tuấn khi làm Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa "đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng" đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh,... Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, Ban Bí thư đã quyết định cách tất cả các chức vụ trong Ðảng đối với ông Ngô Văn Tuấn.
Một trường hợp khác là Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo (con trai ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam). Ngay sau khi ông Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm giám đốc sở khi mới 30 tuổi, dư luận đã đặt nhiều câu hỏi về giám đốc trẻ tuổi nhất nước này. Cấp ủy địa phương và Bộ Nội vụ đều khẳng định "đúng quy trình" và xứng đáng. Thế nhưng qua kiểm tra, kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã chỉ rõ, ông Lê Phước Thanh vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định về công tác cán bộ; có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ ở Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Thăng Bình, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục,... Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với ông Lê Phước Hoài Bảo.
Cả hai trường hợp nêu trên cho thấy có biểu hiện nương nhẹ, hoặc bao che. Nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương không vào cuộc, chắc vụ việc vẫn chìm trong "im lặng". Như thế sẽ mất lòng tin của nhân dân.
Kỷ luật một cán bộ, đảng viên là việc hết sức thận trọng, bởi đó là sinh mệnh chính trị của cán bộ, là uy tín của tổ chức đảng, phải căn cứ vào các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, dựa vào tính chất, mức độ vi phạm và ảnh hưởng của nó đối với xã hội. Những người làm công tác kiểm tra phải chịu nhiều áp lực (chưa kể các tác động tiêu cực), bởi đây là đồng chí mình, phải làm sao vừa bảo đảm sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, vừa mở cho họ con đường khắc phục, để tiếp tục công tác và phấn đấu. Vì thế, phương châm, mục đích của công tác kiểm tra không phải đi "khui" khuyết điểm, "bới lông tìm vết" trong việc làm sai trái của đảng viên mà là bằng nhiều hình thức, như thông qua sinh hoạt đảng, nhất là tự phê bình và phê bình giúp tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nhận thức đúng hơn, đầy đủ hơn nội dung, mức độ, tính chất vi phạm của mình mà ăn năn hối lỗi; nhằm giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe và phòng ngừa sai phạm tái diễn. Do đó, không ít cán bộ khi nhận hình thức kỷ luật đã nói lời cảm ơn tổ chức đảng, ngành kiểm tra đã giúp họ nhận rõ yếu kém, để khắc phục.
Hoàn thiện các quy định về kiểm tra, giám sát
Một trong những vụ việc mà ngành dành nhiều thời gian, trí tuệ công sức để kiểm tra là những vi phạm tại Ban Thường vụ Ðảng ủy PVN. Là tập đoàn kinh tế lớn, mang lại cho đất nước nguồn thu đáng kể, nhưng qua kiểm tra mới phát hiện những lỗ hổng nghiêm trọng dẫn đến hậu quả nhiều cán bộ chủ chốt của Tập đoàn bị truy tố, đưa ra xét xử. Tình trạng xảy ra từ năm 2009 đến 2015 đối với Ban Thường vụ Ðảng ủy Tập đoàn, nhưng nay mới được kết luận chỉ rõ, như thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên; không kiểm tra, xem xét trách nhiệm đối với nhiều cán bộ vi phạm, để các đơn vị thua lỗ nhiều năm vẫn được Tập đoàn luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, để nhiều cán bộ vi phạm phải khai trừ Ðảng và xử lý hình sự; chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật; buông lỏng quản lý vốn, góp 800 tỷ đồng vốn đầu tư vào Ngân hàng thương mại cổ phần Ðại Dương vượt mức quy định,... Ở đây còn có nguyên nhân bộ chủ quản chưa làm tốt công tác quản lý nhà nước; vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng ở Tập đoàn mờ nhạt, thậm chí mất sức chiến đấu, công tác kiểm tra, giám sát không được thực hiện nghiêm và thường xuyên.
Ðiểm lại các vụ việc trong năm 2017, bên cạnh vi phạm nghiêm trọng về quản lý kinh tế ở PVN thì những vi phạm nguyên tắc hoạt động của Ðảng xảy ra tại Ban Thường vụ Thành ủy Ðà Nẵng là vấn đề quan ngại. Ðó là việc chấp hành chưa nghiêm tự phê bình và phê bình; vi phạm quy định về nhiệm vụ và quan hệ công tác của Thường trực Thành ủy, ảnh hưởng đến sự đoàn kết, thống nhất, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Ban Thường vụ Thành ủy; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định về luân chuyển, bổ nhiệm một số cán bộ; ban hành một số quyết định không đúng thẩm quyền, pháp luật, có nội dung liên quan đến việc cho doanh nghiệp sử dụng đất công, triển khai dự án,... Cả hai đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố đều vi phạm nghiêm trọng phải xử lý kỷ luật, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền thành phố, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân.
Do làm tốt công tác kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm ở các tổ chức đảng, đảng viên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện những vấn đề mới nảy sinh, đã tham mưu với Bộ Chính trị hoàn thiện, xây dựng mới một số quy định phù hợp yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong tình hình mới và đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước, như Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, thay cho Quy định số 181 ban hành năm 2013; Quy định 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định 85 về giám sát trong Ðảng,...
Các văn bản nêu trên cùng với những quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Hướng dẫn khung để các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa",… đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy định của Ðảng, nâng cao chất lượng công tác cán bộ; nhất là trong xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm.
Năm 2017, ngành kiểm tra của Ðảng đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, làm nên nhiều dấu ấn, đó là chủ động, tích cực kiểm tra, công khai minh bạch nhiều vụ việc vi phạm; đồng thời làm tốt công tác tham mưu, hoàn thiện một số quy định của Ðảng, làm cơ sở cho việc thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.
TRẦN QUỐC VƯỢNG
Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư