Dấu ấn của Lênin với thời đại và cách mạng Việt Nam

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công dưới sự lãnh đạo của Lênin mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Quốc tế Cộng sản - tổ chức có vai trò rất lớn trong việc thành lập các Đảng Cộng sản, thúc đẩy cuộc vận động cách mạng ở nhiều nước thuộc địa - ra đời gắn với tên tuổi của Lênin.

23/04/2019 09:54

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công dưới sự lãnh đạo của Lênin mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới. Quốc tế Cộng sản - tổ chức có vai trò rất lớn trong việc thành lập các Đảng Cộng sản, thúc đẩy cuộc vận động cách mạng ở nhiều nước thuộc địa - ra đời gắn với tên tuổi của Lênin.

Lênin đã mở ra một thời đại mới thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa; là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng.

V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị tham gia khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25/5/1919. Ảnh: TƯ LIỆU

Chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất

Khi chủ nghĩa đế quốc ra đời, đó cũng là thời đại của cách mạng vô sản dưới ánh sáng của chủ nghĩa Lênin. Vận dụng và phát triển sáng tạo phương pháp luận của Các Mác, nghiên cứu bản chất của chủ nghĩa đế quốc, Lênin đề ra những luận điểm mới như cách mạng vô sản có thể thắng lợi ở một nước tư bản phát triển trung bình với ý nghĩa là khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền toàn thế giới của chủ nghĩa đế quốc. Giai cấp vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, chủ nghĩa Mác - Lênin dần dần được truyền bá vào Việt Nam. Những người cách mạng Việt Nam đã được tiếp thu ảnh hưởng đầy sức sống của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từng bước quá độ dần lên chủ nghĩa xã hội.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười nổ ra là do sự vận động khách quan của lịch sử. Tuy nhiên, do cuộc cách mạng nổ ra ở một nước tương đối lạc hậu, nên vấn đề thời kỳ quá độ vừa có cái chung, vừa có cái riêng. Cái chung là thời kỳ quá độ có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội. Cái riêng, cái đặc thù là nước Nga bước vào thời kỳ quá độ từ một điểm xuất phát thấp về trình độ kinh tế và văn hóa, tầng lớp tiểu nông chiếm đại đa số trong dân cư, giai cấp công nhân chiếm tỷ lệ thấp.

Vì vậy, theo Lênin, nước Nga ở vào một thời kỳ quá độ trong thời kỳ quá độ, tức là một thời kỳ quá độ tương đối dài, trong đó có những bước quá độ nhỏ, những nhịp cầu, những hình thức kinh tế trung gian. Đó chính là sự cần thiết và có thể sử dụng kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nhờ vận dụng sáng tạo quan điểm của Lênin về thời kỳ quá độ, Đảng ta
đã lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều khó khăn và giành những thành tựu
quan trọng trong thời kỳ đổi mới. (Ảnh: Bá Hoạt)

Luận điểm của Lênin và sự vận dụng của Đảng ta

Chính sách kinh tế mới (NEP) là minh chứng hùng hồn cho một học thuyết khoa học và cách mạng. Lênin đã hoàn toàn đúng khi đưa nước Nga đi qua con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước để chuyển sang chủ nghĩa xã hội. Lênin đã lợi dụng chủ nghĩa tư bản, hướng nó vào con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước làm mắt xích trung gian giữa nền tiểu sản xuất và chủ nghĩa xã hội, làm phương thức và con đường để tăng lực lượng sản xuất. Để làm tốt việc đó, Lênin nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của chính quyền Xô Viết quyết tâm thực hiện bước chuyển, định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Như vậy, theo quan điểm của Lênin, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội sẽ trải qua một thời gian dài trong lịch sử. Trong đó, các thành phần cơ bản của nền kinh tế quá độ như: kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế xã hội chủ nghĩa vẫn xen kẽ với nhau. Nhà nước xã hội chủ nghĩa có vai trò, trách nhiệm làm cho thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng chiếm vai trò chủ đạo.

Những quan điểm của Lênin đã giải tỏa một giáo điều từng tồn tại lâu dài và khá phổ biến trong những người cộng sản, cho rằng quan hệ hàng hóa - tiền tệ đồng nhất với quan hệ tư bản chủ nghĩa, nên không thể đi cùng chủ nghĩa xã hội. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Lênin về thời kỳ quá độ, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Việt Nam. Người chỉ ra rằng “ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử, địa lý khác. Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Xuất phát từ thực tế Việt Nam, Người cho rằng “Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì là chủ quan. Cho nên trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp. Làm trái với Liên Xô, đó cũng là mácxít... Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi tiến đến thủ công nghiệp, sau mới đến công nghiệp nặng”.

Trong đổi mới, Đảng ta chỉ rõ “trong lãnh đạo, Đảng cũng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan” (Cương lĩnh 2011). Đảng và dân tộc ta quyết tâm xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Một trong những bài học lớn Đảng ta rút ra từ đầu đổi mới là “phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan”.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ ra rằng “xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”.

Chúng ta tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đặc biệt quán triệt và xử lý các mối quan hệ trong thời kỳ quá độ, như: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa phát triển lực lượng sản xuất và từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước và thị trường; giữa tuân thủ các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa…

Một trong những bài học lớn hiện nay là tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề do thực tiễn đặt ra.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa qua hơn 30 năm đổi mới cho thấy tầm vóc và ý nghĩa khoa học - cách mạng của đổi mới, một quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện và triệt để, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng ta, trong đó đặc biệt là sự lựa chọn đúng đắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và nhận thức về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới.