Cổ phần hóa phải linh hoạt và sát với giá trị của thị trường

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong cuộc trao đổi về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN hiện nay.

09/12/2020 13:21

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong cuộc trao đổi về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN hiện nay.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của bối cảnh đối với mục tiêu cổ phần hóa mà chúng ta đã đặt ra?

- Thực tế tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn đến từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về yếu tố khách quan, trước hết hiện nay dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, bên cạnh đó sự cạnh tranh về thương mại giữa các nước lớn dẫn đến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng rất nhiều, qua đó ảnh hưởng trực tiếp đến cổ phần hóa và thoái vốn của chúng ta. Tuy nhiên với mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, nguồn thu từ cổ phần hóa nộp về ngân sách nhà nước (NSNN) để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020, thì đến tháng 8 năm nay chúng ta đã đạt mục tiêu là 211,5 nghìn tỷ đồng, tức là đạt 85% mục tiêu đề ra. Tôi cho rằng trong điều kiện khách quan hiện nay, kết quả đạt được như thế là khả quan.

Về chủ quan, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn. VNPT, Mobifone, KTV, Agribank... là những đơn vị có tình hình tài chính phức tạp và số lượng đất đai rất lớn, có những đơn vị có hơn 1.000 mảnh đất. Trong khi đó, chúng ta còn nhiều khó khăn trong phê duyệt phương án sử dụng đất. Thứ hai, bản thân việc xác định giá trị DN và việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khá phức tạp dẫn đến việc chậm cổ phần hóa. Thứ ba, bản thân cấp chính quyền, các tập đoàn, tổng công ty thiếu quyết liệt trong cổ phần hóa DNNN, nhiều khi còn có tư tưởng sợ, ngại không dám làm. Thậm chí, có trường hợp đã vận dụng vào những khó khăn trong cơ chế chính sách để làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN.

Việc cổ phần hóa của các nông lâm trường với rất nhiều vướng mắc, vậy có cách nào để có thể giải quyết được những vướng mắc trong cổ phần hóa của các đơn vị này hay không, thưa ông?

- Vướng mắc lớn nhất trong cổ phần hóa của các nông lâm trường là vấn đề đất đai. Đây là vấn đề tồn tại trong cả quá trình phát triển của các nông lâm trường. Nếu như năm 1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/1995/NĐ-CP quy định về việc giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trong các DNNN trong đó giao đất cho 5 thành phần, nhưng đến 10 năm sau, năm 2005 thì Chính phủ lại ban hành Nghị định 135/2005/NĐ-CP về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh, trong đó đã giới hạn việc giao đất cho 3 thành phần và thời gian giao đất tính theo vòng đời cây. Như vậy giữa hai nghị định đã có sự vênh nhau.

Tại sao lại vênh nhau, “di sản” này đến tận bây giờ chúng ta cũng không giải quyết được. Đến nay tình hình rất phức tạp, rõ ràng các cơ quan chức năng, đại diện chủ sở hữu phải ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp, phải phải xác định lại lần cuối cùng phương án sử dụng đất và phương pháp khoán cho người lao động, tránh trường hợp khoán trắng, bởi khoán trắng thì khi thực hiện cổ phần hóa sẽ hết sức phức tạp. Phải thực hiện khoán thì chủ sở hữu có nhiệm vụ gì, người nhận khoán có nhiệm vụ gì, cần phải rõ ràng minh bạch thì mới giải quyết được vấn đề.

Theo ông, điểm mới nào sẽ có tác động tích cực nhất trong thúc đẩy công tác cổ phần hóa nhanh hơn, hiệu quả hơn và giải quyết được nhiều vướng mắc nhất trong thời gian tới?

- Để cổ phần hóa, thoái vốn trước hết phải có cơ chế chính sách. Hiện nay các cơ chế chính sách về cổ phần hóa thoái vốn vẫn đang được sửa đổi như Nghị định 126/2017/NĐ-CP, Nghị định 32/2018/NĐ-CP, Nghị định 167 Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công... Ngoài ra, sẽ ban hành mới kế hoạch sửa đổi Quyết định 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 và một số các văn bản khác. Tôi nghĩ rằng với sự quyết liệt của Chính phủ như vậy thì cổ phần hóa thoái vốn sẽ có những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cần lưu ý vấn đề công tác về tư tưởng đối với các đại diện chủ sở hữu, theo đó cần phải quyết liệt, có trách nhiệm hơn đối với công tác cổ phần hóa, đặc biệt là vai trò của các cấp ủy Đảng. Các cấp ủy Đảng, công đoàn phải vào cuộc chứ không chỉ đơn thuần làm công tác chuyên môn, tất cả phải cùng hướng đến mục tiêu là làm tốt công tác cổ phần hóa thoái vốn.

Năm nay tiến trình cổ phần hóa của chúng ta bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, liệu sang năm 2021 tình hình cổ phần hóa có khả quan hơn hay không, thưa ông?

- Tôi cho rằng, để cải thiện tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, trước hết bản thân trong nội tại chúng ta phải có sự cố gắng, việc cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại DN phải được thực hiện sát với giá trị của thị trường và phải linh hoạt. Thứ hai, chúng ta còn phải trông chờ vào thị trường quốc tế, bởi hiện tại chúng ta đã kết nối với thị trường quốc tế thông qua nhiều hiệp định thương mại, do đó, chúng ta không thể làm một mình được. Sang năm 2021, khi vắc-xin phòng chống Covid-19 được sản xuất ra, cùng với đó là sự quyết liệt của nhiều quốc gia trong kiểm soát dịch, tôi tin rằng tình hình sẽ tích cực hơn và bức tranh cổ phần hóa, thoái vốn nói chung và phát triển DN nói riêng năm 2021 sẽ khả quan hơn, đây cũng là mong mỏi của rất nhiều người.

Xin cảm ơn ông!