Cơ chế CBAM: Bám sát lộ trình chuyển đổi để thúc đẩy xuất khẩu bền vững
Việc áp dụng CBAM sẽ giúp doanh nghiệp thúc đẩy giảm tiêu thụ nguyên nhiên, vật liệu và áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, do đó có thể mang lại nhiều lợi ích và tiết kiệm được nguồn lực
09/10/2024 09:01
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được Liên minh châu Âu ban hành với mục tiêu xử lý lượng phát thải khí nhà kính trong một số hàng hóa nhất định nhập khẩu vào EU. Chính thức có hiệu lực từ 01/10/2023, CBAM trước mắt áp dụng đối với 6 nhóm mặt hàng nhập khẩu gồm: xi măng, điện, phân bón, sắt thép, nhôm và hydrogen.
Từ ngày 01/01/2026, CBAM sẽ bước vào giai đoạn chính thức vận hành. Theo đó, sẽ áp thuế carbon đối với các hàng hóa thuộc diện điều chỉnh khi xuất khẩu vào thị trường EU, dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất.
Vì vậy, để giảm thiểu những tác động tiêu cực, theo các chuyên gia, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn thống nhất và đánh giá phù hợp về các quy định mới để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời thì bản thân doanh nghiệp cũng cần phải chủ động chuyển đổi công nghệ, qua đó tận dụng tối đa những lợi ích mà các hiệp định thương mại (FTA) mang lại.
Chủ động để ứng phó hiệu quả
Thép Việt Nam là một trong 6 ngành đầu tiên chịu tác động trực tiếp của cơ chế carbon biên giới EU (CBAM). Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), năm 2023 Việt Nam sản xuất khoảng 20 triệu tấn thép thô, đứng thứ 13 thế giới và đứng hàng đầu châu Á và Đông Nam Á về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cũng trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 11,8 triệu tấn thép, kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,9 tỷ USD, trong đó khoảng 27% xuất sang thị trường EU. Như vậy, EU đứng tốp 3 trong 30 thị trường của ngành thép Việt Nam.
Ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết EU là một thị trường rất lớn, do vậy khi bắt đầu có cơ chế CBAM, Hiệp hội đã tiến hành tìm hiểu các thông tin liên quan đến cơ chế này, được sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công Thương.
Ngoài ra, VSA cũng cập nhật vào bản tin hàng tháng của Hiệp hội nhằm giúp cho doanh nghiệp hiểu và nắm bắt cụ thể về cơ chế CBAM, qua đó đánh giá sự ảnh hưởng đến sản lượng cũng như doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam sang thị trường EU.
Song song với công tác tổ chức các hội nghị chuyên đề, hội thảo, VSA cùng các doanh nghiệp đã tích cực tối ưu hóa, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa sản xuất, cố gắng áp dụng những biện pháp, giải pháp trong các hoạt động hàng ngày cũng như trong vận hành sản xuất để làm sao giảm được phát thải carbon, tiến tới chuyển đổi Xanh cũng như trong tương lai sẽ áp dụng được các giải pháp sản xuất thép xanh hơn.
“Đến nay Hiệp hội Thép Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện dự thảo lộ trình trung hòa carbon từ nay đến năm 2050 phù hợp với chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó làm tài liệu hướng dẫn cho các doanh nghiệp trong ngành có chiến lược cũng như kế hoạch cần thiết để chuyển đổi xanh và ứng phó kịp thời với CBAM,” ông Đinh Quốc Thái cho hay.
Tuy vậy, thép là một ngành công nghiệp then chốt, sử dụng các công nghệ với chi phí đầu tư rất lớn, vì vậy để thích ứng với CBAM hay chuyển đổi Xanh, đại diện VSA cũng đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ ban đầu về mặt tư vấn, công nghệ kỹ thuật cũng như vốn từ các quỹ tín dụng Xanh, đồng thời tăng cường phối hợp để doanh nghiệp ngành thép có thể tiếp cận được nguồn nguyên liệu Xanh cũng như năng lượng Xanh, có được các khách hàng sử dụng sản phẩm thép theo tiêu chuẩn đề ra…
Thực tế, việc EU áp dụng cơ chế CBAM nhằm thúc đẩy tiến trình đạt được mục tiêu trung hòa carbon, song cơ chế này cũng nâng cao các tiêu chuẩn đối với hàng hóa xuất khẩu đến thị trường EU.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, trong tương lai không chỉ 6 ngành hàng như trên chịu tác động của CBAM mà có thể EU sẽ mở rộng hơn, bao gồm những ngành hàng đang xuất khẩu có giá trị tốt.
Chuyên gia này cũng dự báo số lượng các nước áp dụng CBAM không chỉ dừng lại ở EU, mà thời gian tới có thể mở rộng thêm và áp dụng cũng nhiều hơn, từ đó gia tăng rủi ro lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, không nên chủ quan đối với những ngành hàng chưa bị điều chỉnh của CBAM.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đánh giá, hiện một số doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm một cách đầy đủ đến các quy định liên quan đến kiểm kê khí nhà kính, phát thải…
“Khi thông tin ngày càng rõ ràng hơn thì nhận thức của doanh nghiệp cũng tốt hơn, do đó doanh nghiệp cần có đầu tư cả về con người, kinh phí để chuyển đổi những giải pháp làm sao giảm phát thải carbon trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình,” ông Hoàng Văn Tâm khuyến nghị.
Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng
Hiện nay, Việt Nam cũng đã hình thành cơ chế, chính sách về giảm phát thải carbon. Đơn cử như: Luật bảo vệ môi trường, Nghị định 06/CP và Thông tư của các bộ, ngành, trong đó Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 385/2023 hướng dẫn về đo đạc, báo cáo thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính.
Bà Nguyễn Hồng Loan, chuyên gia Dự án Hỗ trợ kỹ thuật về đánh giá tác động của CBAM cho rằng các doanh nghiệp sẽ có thời gian từ nay đến cuối năm 2025 để xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho các sản phẩm của mình và tùy thuộc vào hiện trạng công nghệ, đánh giá hiện trạng phát thải mà doanh nghiệp sẽ đưa ra các ưu tiên cho các hành hành động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
“Về mặt nguyên tắc, có thể ban đầu nói đến CBAM là nói đến việc phải chịu những gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, việc áp dụng CBAM sẽ giúp doanh nghiệp thúc đẩy giảm tiêu thụ nguyên nhiên, vật liệu và áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, do đó có thể mang lại nhiều lợi ích và tiết kiệm được nguồn lực,” bà Loan nói.
Có thể thấy, việc sớm triển khai các cơ chế, chính sách và việc chuyển đổi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhằm thích ứng với CBAM không chỉ giúp doanh nghiệp giữ vững thị phần mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, mở rộng sang các thị trường lớn, trọng điểm.
Ông Ngô Chung Khanh thông tin để ứng phó với CBAM, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương làm đầu mối để tổng hợp tất cả các nguồn lực, thông tin kết nối với đối tác nước ngoài và trực tiếp đàm phán, trao đổi với nước ngoài để từ đó có những hướng dẫn cũng như hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể.
Bên cạnh đó, ông Khanh cho rằng, cần có sự tuyên truyền đúng, tuyên truyền chính xác về CBAM, cũng như tập huấn và hướng dẫn cho doanh nghiệp làm thế nào để tuân thủ các quy định về báo cáo, các chuẩn bị cho CBAM.
“Thực tế CBAM không chỉ Việt Nam quan ngại mà nhiều thành viên WTO cũng quan ngại. Do đó, bên cạnh nội bộ chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, nhưng phía bên ngoài chúng ta vẫn phải tiếp tục đấu tranh để có những các cam kết, những quy định linh hoạt tốt nhất cho doanh nghiệp Việt Nam,” ông Ngô Chung Khanh thông tin thêm./.
Đức Duy (nguồn: vietnamplus.vn)