Chương trình hành động của Chính phủ phát huy các nguồn lực của nền kinh tế
16/03/2020 17:11
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Theo đó, đối với nguồn nhân lực, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 33% tổng số lao động của cả nước. Khắc phục cơ bản tình trạng mất cân đối cung - cầu nhân lực trong nền kinh tế; thiết lập hệ thống sắp xếp công việc dựa trên vị trí việc làm, củng cố hệ thống chức nghiệp thực tài.
Đối với nguồn vật lực, đến năm 2025, hình thành hệ thống cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành dứt điểm các công trình có tính chất cấp bách, trọng tâm, trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cấp hạ tầng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và kết cấu hạ tầng đô thị.
Đối với nguồn tài lực, đến năm 2025, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, với các nhiệm vụ đã giao tại các văn bản trước đây, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý, phát triển nguồn lực (nhân lực 39 văn bản; vật lực 44 văn bản; tài lực 51 văn bản) nhằm sử dụng hiệu quả và phát huy tối đa các nguồn lực báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2020.
Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu, mục tiêu của doanh nghiệp
Về các nhiệm vụ phát sinh mới, trong đó, đối với nguồn lực, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế, phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động, việc làm bền vững, phát triển khoa học và công nghệ, phát triển các ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu, mục tiêu của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững đất nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định nhu cầu nguồn lao động trình độ cao (đại học, thạc sĩ và tiến sĩ) với từng lĩnh vực và xây dựng các hành lang pháp lý để tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường sự liên kết giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng nguồn nhân lực.
Bộ Nội vụ rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan đến tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức trên nguyên tắc phân bổ nguồn nhân lực trong khu vực công, hạn chế việc mất cân đối về trình độ, năng lực của nguồn nhân lực giữa thành thị và nông thôn; giữa cấp xã với cấp huyện, tỉnh.
Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao từ nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dịch cơ cấu lao động để giảm dần tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; đẩy mạnh việc đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, gắn đào tạo với giải quyết việc làm.
Tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế
Đối với nguồn vật lực, trong đó, đối với nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra, đánh giá đầy đủ, thực chất tiềm năng tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản ẩn sâu; kiểm kê thực trạng nguồn lực tài nguyên khoáng sản đất nước để hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; áp dụng phương pháp tiên tiến trong quản trị tài nguyên khoáng sản; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản;...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi với biến đổi khí hậu; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, kết hợp hoạt động bảo vệ, khai thác rừng với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái;...
Đối với nguồn lực cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, xây dựng và quyết liệt thực hiện các giải pháp, đặc biệt các giải pháp về cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực nhằm tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển kết cấu hạ tầng gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tăng cường huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, chấm dứt đầu tư các dự án kém hiệu quả, tập trung, ưu tiên đầu tư các công trình có tính cấp bách, trọng điểm, các công trình kết cấu hạ tầng bảo đảm tính đồng bộ, tính kết nối nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội;...
Thực hiện quyết liệt giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công
Đối với nguồn tài lực, về quản lý nợ công, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện quyết liệt quan điểm chỉ đạo và chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; tổ chức đối chiếu, rà soát, đánh giá, tổ hợp nhu cầu vay của các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng vốn vay công để dự báo tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ sau năm 2020.
Tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu chính phủ cả về chiều rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn, thị trường trái phiếu.
Về lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương hoàn thiện thể chế phát triển thị trường bảo hiểm theo chủ trương, chính sách của của Đảng và Nhà nước, Nghị quyết của Chính phủ, trong đó, sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm vào năm 2020, đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực, quy định về hợp đồng bảo hiểm.
Đa dạng dòng sản phẩm mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của các tổ chức, cá nhân; xây dựng cơ chế chính sách phát triển các sản phẩm có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội cao như bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí...; phát triển đa dạng kênh phân phối nhằm đưa bảo hiểm đến mọi người dân và đẩy mạnh phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp, theo kịp sự phát triển của cách mạng công nghệ lần thứ tư, phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm;...