Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7 năm 2015

Bắt đầu từ tháng 7/2015, nhiều quy định, chính sách liên quan đến ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về thủ tục phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài; Quy định về áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép; Quy định mới về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, v.v ...

07/07/2015 08:35

Bắt đầu từ tháng 7/2015, nhiều quy định, chính sách liên quan đến ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về thủ tục phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài; Quy định về áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép; Quy định mới về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường, v.v ...

Quy định mới về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường

Kể từ ngày 01/7/2015, quy định mới về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường có hiệu lực thi hành. Đây là nội dung được quy định tại Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP (Thông tư liên tịch số 64) của liên Bộ Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Công an quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

Thông tư liên tịch số 64 quy định chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường bao gồm: Hàng hóa nhập khẩu đang trên đường vận chuyển; đang bày bán; để tại kho, bến, bãi, tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu hoặc tại địa điểm khác (gọi chung là hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường); hướng dẫn xử lý vi phạm quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư liên tịch số 64 cũng đã quy định chi tiết về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu vận chuyển từ cửa khẩu nhập khẩu vào nội địa cũng như hàng hóa nhập khẩu lưu thông trong thị trường nội địa; Hướng dẫn về xử lý vi phạm hành chính; Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, xử lý vi phạm; Trách nhiệm, quyền của cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu; Nghĩa vụ phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, v.v ...

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương đã giới thiệu chi tiết về Thông tư số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP tại bài viết: "Quy định mới về chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường ".

Quy định mới về thủ tục phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài

Từ ngày 10/7/2015, Thông tư số 09/2015/TT-BCT (Thông tư 09) quy định trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài sẽ có hiệu lực thi hành.

Thông tư 09 quy định rõ hồ sơ đề nghị và trình tự thực hiện thẩm định, phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài đối với từng dự án xuất, nhập khẩu điện. Đối với trường hợp mua điện trực tiếp với nước ngoài của khách hàng sử dụng điện ở khu vực biên giới quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 09.

Theo Thông tư 09, việc mua, bán điện với nước ngoài đối với từng dự án xuất, nhập khẩu điện phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương trước khi thực hiện. Phương án mua, bán điện với nước ngoài của dự án xuất, nhập khẩu điện phải phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt hoặc Kế hoạch phát triển lưới điện khu vực phục vụ cho việc đấu nối của cả hai nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc điều chỉnh, bổ sung; đảm bảo an ninh và an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia cũng như cung cấp điện của địa phương.Trường hợp việc mua, bán điện với nước ngoài có sử dụng lưới điện của một đơn vị quản lý lưới điện khác để thực hiện hoạt động mua, bán điện với nước ngoài thì Đơn vị điện lực phải thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện này.

Xem thêm bài viết ngày 03/06/2015 của Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương “Quy định mới về thủ tục phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài ” về quy định này.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện lực

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực thay thế Thông tư số 25/2013/TT-BCT ngày 29/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/07/2015.

Thông tư thể hiện chủ trương đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương tại Quyết định số 9802/QĐ-BCT ngày 30/10/2014 của Bộ trưởng phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương. Đồng thời, Cục Điều tiết điện lực đã tiến hành rà soát thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực và thực hiện cải cách theo hướng giảm giảm số lượng thủ tục hành chính, giảm thời gian cấp giấy phép, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, áp dụng dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện cho các các nhân, tổ chức tham gia hoạt động điện lực.

Việc ban hành Thông tư số 10/2015/TT-BCT thay thế Thông tư số 25/2013/TT-BCT là cần thiết và đã đáp ứng các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Có thể tìm hiểu thêm Thông tư số 10/2015/TT-BCT tại bài viết "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện lực " của Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.

Quy định về quá cảnh hàng hóa của nước CHND Trung Hoa qua lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam

Ngày 04/06/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 11/2015/TT-BCT quy định về quá cảnh hàng hóa của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa qua lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/07/2015.

Theo Thông tư, việc vận chuyển hàng hóa quá cảnh của chủ hàng do người chuyên chở là thương nhân Việt Nam thực hiện theo quy định pháp luật. Trường hợp hàng hóa quá cảnh là phương tiện vận chuyển tự hành thì phương tiện vận chuyển đó phải có biển số đăng ký tạm thời do Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa cấp và có giấy chứng nhận về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do ngành Giao thông vận tải cấp trước khi được tự hành quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Riêng ô tô các loại chở người từ 09 chỗ ngồi trở xuống không được phép tự hành quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Chủ hàng hoặc người chuyên chở phải nộp, xuất trình cho cơ quan Hải quan Giấy phép quá cảnh được Bộ Công Thương cấp theo quy định tại Thông tư này, Hợp đồng vận chuyển hàng quá cảnh và các loại chứng từ theo quy định của pháp luật về hải quan. Hàng hóa quá cảnh được phép lưu lại trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tối đa là 30 ngày kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu, trừ trường hợp được gia hạn thời gian quá cảnh theo quy định. Hàng hóa quá cảnh không được phép tiêu thụ trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp đặc biệt, việc tiêu thụ hàng hóa quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam phải được phép của Bộ Công Thương.

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương đã giới thiệu chi tiết về Thông tư số 11/2015/TT-BCT tại bài viết: "Quy định về quá cảnh hàng hóa của nước CHND Trung Hoa qua lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam ".

Quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong hoạt động hóa chất

Từ ngày 20/7/2015, Thông tư số 85/2015/TT-BTC (Thông tư số 85) quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí trong hoạt động hóa chất của Bộ Tài chính ban hành bắt đầu có hiệu lực.

Theo Thông tư số 85, các khoản lệ phí bao gồm lệ phí cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp; lệ phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hoá chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp; lệ phí cấp Giấy xác nhận khai báo hóa chất nhập khẩu; lệ phí cấp Giấy xác nhận khai báo hóa chất sản xuất; lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ; lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu hóa chất; lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu tiền chất thuốc nổ; lệ phí cấp Giấy phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, v.v ...

Theo đó, các khoản lệ phí cấp giấy phép trong hoạt động hóa chất có mức thu là 200.000 đồng/cấp mới và 100.000 đồng/lần cấp sửa đổi, bổ sung. Các mức thu phí khác trong hoạt động hóa chất cũng được quy định cụ thể tại Thông tư này, bao gồm: Phí phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất là 36 triệu đồng/bộ hồ sơ; phí phê duyệt Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất là 8 triệu đồng/bộ hồ sơ. Các khoản phí thẩm định để cấp các loại Giấy phép được quy định chung ở mức 1,2 triệu đồng/giấy phép. Cơ quan thu lệ phí trong hoạt động hóa chất phải nộp 100% tổng số tiền lệ phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Các khoản chi phí liên quan đến công tác thu lệ phí trong hoạt động hóa chất được ngân sách Nhà nước cấp theo dự toán được duyệt hàng năm, v.v ...

Quy định về áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép

Kể từ ngày 26/7/2015, Thông tư số 12/2015/TT-BCT (Thông tư 12) quy định việc áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép sẽ có hiệu lực thi hành.

Thông tư 12 quy định việc áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu tự động đối với việc nhập khẩu sản phẩm thép. Đối với sản phẩm thép là hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh; hàng nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này và được thực hiện theo các quy định quản lý hiện hành. Thông tư 12 cũng quy định giấy phép nhập khẩu tự động do Bộ Công Thương cấp cho thương nhân dưới hình thức xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu cho mỗi lô hàng. Giấy phép nhập khẩu tự động có giá trị thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương xác nhận.

Theo Thông tư 12, người đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động phải đăng ký hồ sơ thương nhân với Cơ quan cấp Giấy phép khi đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động lần đầu tiên và chỉ được xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu tự động khi đã đăng ký hồ sơ thương nhân. Hồ sơ thương nhân bao gồm: Đăng ký mẫu chữ ký của người có thẩm quyền ký hoặc được ủy quyền ký Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động và con dấu của thương nhân (Phụ lục số 02); Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư: 01 (một) bản sao (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân). Mọi thay đổi trong hồ sơ thương nhân phải được thông báo cho Cơ quan cấp Giấy phép bằng văn bản. Giấy phép nhập khẩu tự động được cấp trong thời hạn bảy (07) ngày làm việc, kể từ ngày Cơ quan cấp Giấy phép nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của thương nhân theo quy định tại Điều 8. Trường hợp thương nhân có đăng ký hồ sơ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động qua hệ thống mạng Internet theo quy định tại Điều 11, Giấy phép nhập khẩu tự động được cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Cơ quan cấp Giấy phép nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của thương nhân theo quy định tại Điều 8. Giấy phép nhập khẩu tự động được gửi cho thương nhân theo đường điện theo địa chỉ ghi trên Đơn đăng ký.

Đối với việc đăng ký cấp Giấy phép nhập khẩu tự động qua mạng Internet, thương nhân có thể lựa chọn đăng ký nhập khẩu theo chế độ cấp phép nhập khẩu tự động qua mạng Internet trước khi nộp hồ sơ theo quy trình quy định cụ thể tại Thông tư 12 này.

Để biết thêm về Thông tư số 12/2015/TT-BCT, xin vui lòng xem chi tiết tại bài viết "Quy định về áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép " của Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.