Chi gần 5 tỷ USD để nhập khẩu sắt thép

Nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 7 giảm về cả lượng và trị giá đã làm “giảm nhiệt” cơn sốt nhập khẩu trong 7 tháng. Tuy nhiên, con số này vẫn tăng trên 30% so với cùng kỳ do các tháng trước có mức tăng mạnh.

16/08/2016 09:00

Nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 7 giảm về cả lượng và trị giá đã làm “giảm nhiệt” cơn sốt nhập khẩu trong 7 tháng. Tuy nhiên, con số này vẫn tăng trên 30% so với cùng kỳ do các tháng trước có mức tăng mạnh.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 11,098 triệu tấn thép với trị giá 4,49 tỷ USD, tăng 32,6% về lượng và 0,8% về trị giá.

Riêng tháng 7, nhập khẩu sắt thép các loại giảm cả về lượng lẫn trị giá lần lượt là 20,7% và 14%, đạt 1,459 triệu tấn với trị giá 705,939 triệu USD.

Cùng chung xu hướng trên, xuất khẩu sắt thép các loại tháng 7 giảm 3,1 về lượng và 1,6% về trị giá. Tính chung 7 tháng, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,858 triệu tấn, trị giá 1,038 tỷ USD (tăng 30,8% về lượng và 2% về trị giá).

Ở thị trường trong nước, theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), do nhu cầu xây dựng trong nước tăng nên lượng thép dài sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng mạnh trong 7 tháng đầu năm, đạt hơn 25%. Do vậy, giá thép được dự báo sẽ tăng trong thời gian sắp tới.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, lượng thép xây dựng bán ra thị trường đạt gần 4,5 triệu tấn (tăng xấp xỉ 25% so cùng kỳ), ống thép bán hơn 1 triệu tấn (tăng gần 30%), tôn mạ kim loại và sơn phủ màu hơn 1,5 triệu tấn (tăng gần 34%) và lượng bán hàng của sản phẩm thép cán nguội cũng đạt hơn 1,13 triệu tấn (tăng gần 30%).

“Giá các loại nguyên liệu sản xuất thép trong tháng 7 và những ngày đầu tháng 8 tương đối ổn định. Việc Trung Quốc tiếp tục chính sách thúc đẩy xuất khẩu thép sau động thái giảm sản lượng xuất khẩu hồi đầu năm nay dự báo sẽ tác động đến ngành thép toàn cầu”, báo cáo của VSA nêu rõ.