“Chạy nước rút” thu gọn vốn nhà nước

Tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và DN mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn, vấn đề đặt ra là phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu. Để đạt mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

26/10/2016 15:35

Tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và DN mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn, vấn đề đặt ra là phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu. Để đạt mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

Tính đến hết tháng 9/2016, trong số gần 1.000 tiếp nhận, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán vốn thành công tại 928 DN.

Trong đó, SCIC bán hết vốn tại 830 DN, bán một phần vốn tại 79 DN và bán quyền mua tại 19 DN, với giá vốn là 6.199 tỷ đồng và thu về 14.675 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn thu được gấp 2,5 lần giá vốn (cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011 - 2015 là 1,48 lần).

Bán vốn phải hiệu quả

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị về Thoái vốn nhà nước và Đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, do Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) và SCIC tổ chức chiều 25/10 tại Tp.HCM.

Ông Nguyễn Hồng Hiển - Phó Tổng Giám đốc SCIC, khẳng định trong tiến trình bán vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, SCIC sẽ phối hợp chặt chẽ với HoSE và Sở GDCK Hà Nội để thực hiện công khai minh bạch và hiệu quả. Điều quan trọng để việc bán vốn có hiệu quả, như lời ông Hiển, chính là nghiên cứu kỹ thị trường và DN để xác định giá khởi điểm hợp lý, lựa chọn thời điểm bán phù hợp, xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư quan tâm, tổ chức bán công khai minh bạch…

Chính kinh nghiệm bán vốn nhà nước chuyên nghiệp của SCIC đang được nhiều DNNN, tập đoàn, tổng công ty tham khảo nhằm đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN.

Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, để năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của từng DN và từng sản phẩm nói riêng phải không ngừng được nâng cao, theo ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, cổ phần hóa DNNN được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Trên thực tế, trải qua hơn 24 năm triển khai thực hiện, cổ phần hóa đã tạo ra những cú hích mạnh mẽ cho phát triển không chỉ bản thân DN mà cả nền kinh tế.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã sắp xếp được 591 DN (đạt 96% kế hoạch), trong đó, cổ phần hóa 499 DN và bộ phận DN (đạt 96,3% kế hoạch); sáp nhập, hợp nhất 48 DN; giải thể 17 DN; phá sản 8 DN; bán, giao 10 DN; chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 8 DN. Như vậy, tổng số DNNN được sắp xếp từ trước đến nay là 5.950 DN, trong đó cổ phần hóa là 4.460 DN và bộ phận DN.

Kiên định thoái vốn

Qua sắp xếp, tính đến 31/12/2015, cả nước còn 778 DNNN. Nếu tính thêm 10 tháng đầu 2016, cả nước sắp xếp được 60 DN, thì đến nay cả nước còn 718 DN.

Nếu thời điểm năm 2001, DNNN dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì đến nay chỉ còn tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực, đại bộ phận có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng năng lực và quy mô tăng lên.

Về cổ phần hóa, trong 10 tháng đầu 2016 đã cổ phần hóa 48 DNNN và 3 đơn vị sự nghiệp. Như vậy, tính từ trước đến hết tháng 9/2016, đã có 4.502 DNNN cổ phần hóa. Trong đó có 1 tập đoàn kinh tế, 47 tổng công ty nhà nước và nhiều DNNN quy mô lớn, có ngành nghề kinh doanh quan trọng được cổ phần hóa.

Đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho thấy, DNNN đã cơ bản tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng.

Ông Nguyễn Trọng Dũng chia sẻ thêm, mục tiêu trong 5 năm tới là vẫn tiếp tục thu gọn vốn nhà nước cần nắm giữ và có thể Nhà nước sẽ chỉ còn giữ lại 100% vốn ở 12 lĩnh vực then chốt nhất có liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh, truyền tải điện, dịch vụ không lưu, bảo đảm hàng hải, kinh doanh xổ số, tín dụng chính sách, khai thác thuỷ lợi... Với tiêu chí này, thì chỉ còn khoảng 190 DN giữ 100% vốn nhà nước.

“Đây chính là mục tiêu kiên định của Chính phủ trong việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước với tinh thần quyết liệt và nhất quán”, ông Dũng nêu quan điểm.

Trong khi đó, hiện nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng kết quả trong sắp xếp, đổi mới và thoái vốn nhà nước tại các DNNN vẫn còn chậm, chưa được như kỳ vọng. Điều đó đòi hỏi Nhà nước cần phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu lại các DNNN và thoái vốn nhà nước tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn. Giới chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty thực hiện đồng bộ các giải pháp như hoàn thiện các đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN; tập trung xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới DNNN, các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai lộ trình tái cơ cấu DNNN.

Hơn nữa, cần tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở DN mà Nhà nước không cần nắm giữ theo tiêu chí phân loại DNNN và theo lộ trình hợp lý, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, thì càng cần khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ.