Câu chuyện về những người thợ lò luyện thép của Thép Miền Nam /V/

Bài dự thi của tác giả Lê Thị Hương Ngọc tham gia Cuộc thi viết “Thép Miền Nam /V/: Phát huy truyền thống và uy tín thương hiệu” do Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP phát động.

Chi tiết về cuộc thi xem Tại đây

31/05/2022 08:44

Vào một ngày cuối năm, sau buổi nói chuyện mươi phút tôi ra về với câu nói hay nói đúng hơn là câu mệnh lệnh “em thu xếp công việc đầu tháng vào làm việc”.

Và ngày ấy đã đến! Chính thức tôi được làm việc tại Công ty cổ phần Thép Thủ Đức-VNSTEEL, một đơn vị đã có quá trình hình thành, phát triển, chuyển mình trải qua hai thời kỳ lịch sử trước chiến tranh và khi hòa bình đất nước lập lại, và là một trong bốn trụ cột Thép Miền Nam /V/ của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP.

Theo thói quen, hàng ngày tôi đến văn phòng sớm hơn giờ làm việc, tranh thủ thời gian này tôi có thể quan sát mọi nơi để cảm nhận và có sự gắn kết với nơi làm việc mới. Ngay lối hành lang nơi phòng tôi làm việc, góc nhìn trực diện là bức ảnh mô tả công việc của những người thợ lò luyện thép.

Thu Duc 3

Những người thợ lò luyện của Thép Thủ Đức những năm 90

Ít ai có thể hiểu được nỗi vất vả của những người thợ luyện thép đã phải trải qua. Hơn nữa, quy trình luyện thép rất tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn như nạp liệu, nấu chảy, đúc thép… nên đòi hỏi người thợ phải có sức bền dẻo dai. Trong suốt ca sản xuất 8 giờ có khi kéo dài đến 12 giờ, họ đều phải tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ nóng và khói bụi. Đây là công việc chủ yếu sử dụng tay chân, dù có sự hỗ trợ của máy móc nhưng để đảm bảo quá trình hoạt động không bị gián đoạn thì có những công đoạn không thể thiếu bàn tay con người. Môi trường làm việc trong lò luyện thép vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ trong lò lên tới 1.600oC, môi trường làm việc nóng bức có khi lên đến 700oC. Với cái nóng bỏng rát cháy da cháy thịt, họ vẫn miệt mài ngày đêm không ngại khó khăn, hăng say tiến vào để khơi thông dòng chảy đảm bảo tiến độ sản xuất. 

Nhắc đến đây thì hình ảnh tuổi thơ ùa về. Ba tôi xuất thân là kỹ sư luyện kim, khu nhà tôi ở cách nhà máy không xa, cứ mỗi dịp nghỉ hè tôi lại được theo ba vào nhà máy. Đứng từ khu nhà nghỉ giữa ca, tôi đã cảm nhận được hơi nóng phả ra từ cửa lò, từ những tia lửa vàng rực bắn tung tóe, từ những cột khói bốc nghi ngút. Xa xa là hình ảnh chú thợ lò, mặc đồng phục bảo hộ màu bạc bước ra từ trong làn khói bụi mờ, chú tháo nón, mồ hôi nhễ nhại, nụ cười rạng rỡ lộ hết hàm răng xỉn màu do hút thuốc lào, chú vẫy tay chào và tôi cũng reo vang “cháu chào chú Phòng”. 

Và câu chuyện ba kể về hình ảnh Người thợ lò luyện thép, người đồng nghiệp của ba, người chú của tuổi thơ tôi, tôi vẫn nhớ!

“…

Học kỹ thuật luyện thép từ Liên Xô trở về, anh vào nhận việc tại nhà máy vào thời điểm khá khó khăn. Không những chỉ khó khăn về sản xuất mà còn khó khăn ở nhiều mặt khác như ăn ở, đi lại… nhưng anh vẫn tươi vui một cách hồn nhiên lao vào công việc. Là một công nhân trước lò, anh nhanh chóng hòa nhập vào tập thể, cùng những anh chị đi trước và những người thợ cùng thời hăng say làm việc. Điều đáng phục ở anh là đức tính linh hoạt và tác phong nhanh nhẹn, anh là một trong những điển hình mà tôi nhận thấy sự trưởng thành trong nghề nghiệp. Chỉ sau sáu tháng làm việc, anh đã thật sự xứng đáng là một thợ lò thực thụ, có thể thay thế vị trí trưởng lò khi cần.

Những ngày đầu mới về, nằm trong tình hình khó khăn kinh tế chung của Việt Nam những năm đầu sau thời kỳ "Đổi mới", hoạt động sản xuất của nhà máy ngày càng gặp khó khăn. Không những khó khăn trong sản xuất, nguyên vật liệu thiếu thốn, tình trạng mất điện thường xuyên, đời sống công nhân không ổn định và những khó khăn đó khiến rất nhiều công nhân cũ bỏ việc. Lực lượng trẻ ít ỏi như anh phải gánh vác rất nhiều việc khác nhau. Nhiều ngày thiếu người, anh phải làm việc tăng ca, đêm đêm anh còn tham gia công tác tuần tra bảo vệ nhà máy nhưng việc gì anh cũng hăng hái tham gia và có nhiều đóng góp. Và anh cũng dần trưởng thành cùng với sự phát triển của nhà máy.

Nhớ thời kỳ anh làm Tổ trưởng lò, vào thời điểm nhà máy thiếu gạch chịu lửa xây lò, anh đã cùng anh em ra bãi khai thác và tìm kiếm từng viên gạch trước đây đã bỏ đi mang về để tận dụng. Việc xây lò thật khó khăn, phải tận dụng vài mẩu gạch vụn nối lại mới đủ chiều dài viên gạch, nhưng lò vẫn hoạt động được, đời sống công nhân có phần ổn định. Tiến tới anh cùng bộ phận kỹ thuật nghiền nát gạch vụn, đóng thành viên gạch mới để xây lò, kết quả có phần khả quan hơn. Rồi việc dùng gạch tiêu chuẩn xây phần dưới tường lò, xây gạch samốt ở phần trên nhằm tiết kiệm do gạch ngoại nhập vô cùng khan hiếm… việc gì anh cũng hăng hái tham gia, không hề ngại gian khó. Ngày ngày lò vẫn nổi lửa, thép vẫn ra lò, thật sự là niềm vui lớn của anh và đồng đội. 

Than điện cực khan hiếm, lò phải ngừng chờ đợi nhiều ngày là nỗi buồn của anh và của cả nhà máy. Anh và các cán bộ kỹ thuật tận thu toàn bộ tim điện cũ trước đây thải ra về sử dụng lại. Việc tiện đầu, nối hai đầu để nấu các loại điện cực có kích thước khác nhau, sử dụng đã mang lại lợi ích rất lớn, khắc phục được tình trạng lò phải ngừng. Nhớ thời lò 15 tấn dùng than điện cực Ø350 nhưng tim hoàn toàn hết phải chuyển qua dùng tim Ø450, nhiều người trong phân xưởng phân vân, không biết hệ thống thủy lực có chịu tải nổi không? Gạch xây tường lại chắp vá, chất lượng xấu liệu có chịu nổi vùng hồ quang rộng lớn đó hay không? Nhưng anh tin tưởng vào ý kiến của phòng kỹ thuật và cũng tự tin vào chính mình. Và thực tế là lò vẫn hoạt động tốt, mang lại hiệu quả cao.

Từng bước trưởng thành cùng với sự phát triển của nhà máy, công nghệ mới dần dần thay thế thiết bị cũ, vật tư đầy đủ hơn và anh được tập thể tin yêu giao nhiệm vụ trưởng ca. Anh vừa học thêm vừa làm tốt nhiệm vụ của mình đồng thời tích cực tham gia công tác xã hội. Nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, anh đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trước sự thay đổi của đất nước, nhà máy và cả Tổng công ty nhận thấy sự cần thiết đóng góp cho xã hội nên càng đòi hỏi có những bước phát triển mới, do vậy lò 15 tấn không còn thích ứng nữa và lò 20 tấn hiện đại hơn đã được thay thế. Nhớ có lần anh nói với tôi với vẻ buồn buồn “có lò mới ai ai cũng vui nhưng nghĩ đến lò 15 tấn đã gắn bó bao năm với mình giờ đã trở về dĩ vãng mà thấy lòng cứ nao nao”.

Rồi lò tinh luyện ra đời, có thể nói đây là niềm vui rất lớn không chỉ của riêng anh mà của cả tập thể nhà máy và Tổng công ty Thép Việt Nam lúc bấy giờ. Phân xưởng giờ đây không chỉ nấu luyện vài ba mẻ thép thông thường, mà còn nấu luyện được nhiều loại mác thép chất lượng cao, các mác thép hợp kim mà thị trường rất cần và các mác thép có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Lúc này đây anh đã là phó quản đốc phân xưởng luyện thép nhưng anh vẫn giữ tác phong làm việc nhanh nhẹn, làm việc gì ở đâu anh vẫn chứng minh được lòng say sưa yêu nghề của mình.

Một lần tôi hỏi anh, suốt hai mươi tám năm làm việc anh có kỷ niệm nào sâu sắc và đáng nhớ nhất. Anh vui vẻ trả lời “đó là lần anh bị tai nạn lao động do nổ chảo xỉ. Anh cùng đồng đội kéo chảo xỉ bị nghiêng về vị trí thì chảo xỉ ngã, một tiếng nổ đinh tai vang lên, anh không còn thấy được gì vì cát bụi nóng đã bay vào đầy mắt. Từ bệnh viện ra về anh vẫn chưa thể mở mắt được, anh nói anh sợ mắt mờ đi vì với người thợ lò mà mắt kém thì thật là điều đáng buồn nhất”. Còn điều gì làm anh vui nhất, khi tôi hỏi anh bật cười trả lời “sinh ra ở Hà Nội, là anh cả trong gia đình, các em đều tham gia ngành an ninh, duy chỉ có anh là làm công nhân luyện thép”, vui là anh vẫn yêu nghề và 28 năm qua đã chứng minh được điều đó.

…”

Câu chuyện của chú - người thợ lò luyện thép vẫn cùng theo năm tháng tôi đi. Ngày trưởng thành đi làm, tuy không trực tiếp làm việc tại nhà máy nơi ba và chú làm việc, nhưng bằng một thứ gắn kết vô hình nào đó tôi được làm việc trong một đơn vị sản xuất sản phẩm phục vụ cho ngành luyện thép. Và bây giờ, tôi lại được làm việc tại nhà máy sản xuất thép - Công ty cổ phần Thép Thủ Đức - VNSTEEL, nơi tôi tin tưởng chọn lựa tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành thép. 

Sau khi cổ phần hóa, bám sát mục tiêu tăng năng lực sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường, Công ty cổ phần Thép Thủ Đức-VNSTEEL đã triển khai, áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật của lò điện hồ quang như phun Oxy và than vào tạo xỉ bọt, dùng biến thế siêu cao công suất, sử dụng các loại vật liệu chịu lửa siêu bền, ra thép đáy lệch tâm… phần nào đã cải thiện môi trường làm việc của người thợ lò. Giờ đây công việc của các anh thợ lò đã đơn giản hơn, chỉ cần thao tác, vận hành máy thổi Oxy và than để cường hóa quá trình nấu luyện…

Du_thi-V-1 Vận hành máy thổi Oxy và than trong quá trình nấu luyện

Hiện thị trường gang thép còn nhiều bất ổn, do giá thép tăng giảm bất thường làm ảnh hưởng đến công việc của công nhân luyện thép nhưng những người thợ luyện thép – đồng nghiệp tôi – các anh vẫn kiên trì, yêu nghề và gắn bó cùng với sự phát triển của nhà máy. Thế mới biết, một người thợ luyện kim ngoài sự nhiệt huyết với nghề ra còn cần giỏi chuyên môn, nhạy bén, có đam mê và đặc biệt phải yêu thích ngành luyện kim. Điển hình như Anh, người tổ trưởng lò luyện thép năm xưa nay đã trở thành Lãnh đạo tại chính nơi anh bước vào nghề. Khi được hỏi, Anh nghĩ gì khi nhà máy sẽ di dời theo chủ trương của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Anh trả lời với nụ cười, ánh mắt đầy niềm tin “Vẫn tiếp tục xin chủ trương xây dựng nhà máy sản xuất thép công suất 500.000 tấn/năm”. Và tôi tin ngọn lửa thép vẫn sáng mãi.  

Thủ đức 2

Những người thợ lò luyện của Thép Thủ Đức những năm 90

Kết thúc bài viết là bài thơ đề tặng Người thợ lò luyện thép, tôi sưu tầm khá lâu, đã khắc họa chân dung người thợ lò luyện thép - người thợ lò luyện cho đời mẻ thép mẻ gang.

Có người thợ vào lòng sâu của đất
Đi tìm những vỉa quặng tầng than
Có người lặn xuống sông sâu dải cát tìm vàng,
Anh người thợ lò luyện cho đời mẻ thép mẻ gang.

Bước vào ca, anh không biết có mùa hè
Rát chân nắng gió về cát nóng
Đứng bên lò thép sôi lửa bỏng
Hè oi xuống đâu sánh được nơi này.

Bước vào ca anh quên mất mùa đông
Cắt thịt da rét buốt gió lồng
Mắt đăm đăm nhìn ánh lửa hồng
Mồ hôi ướt đẫm lưng áo mỏng.

Nhưng người thợ lò thấy mùa xuân rất rõ
Những hoa sữa, hoa lan và hoa phượng đỏ
Cứ nở hoài theo mẻ thép đang ra
Hoa thép vàng reo hát những bài ca.

Anh thấy nhà máy thơm mùi áo thợ
Ngàn nhịp cầu nối bến bờ xa
Những công viên, trường học, vườn hoa
Đâu cũng có thép hòa mình trong đó.

Anh thấy mùa xuân hoa tràn nắng gió
Đời càng vui ấm mãi bàn tay
Giọt mồ hôi nào đổ xuống hôm nay
Để nở mãi hoa vàng thép đỏ.

                                                                                               (Nguồn: Sưu tầm)

 Lê Thị Hương Ngọc