Cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh: Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch thực hiện tại Quyết định số 1371/QĐ-BCT với quan điểm lấy doanh nghiệp (DN), người dân làm trung tâm.

16/06/2020 22:40

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch thực hiện tại Quyết định số 1371/QĐ-BCT với quan điểm lấy doanh nghiệp (DN), người dân làm trung tâm.

Cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Công Thương được nhấn mạnh trong kế hoạch là thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho DN, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đồng thời, cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp - rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN, người dân trong các văn bản hiện hành.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, Bộ Công Thương sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến ngày 31/5/2020. Giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ. Thúc đẩy kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định của Chính phủ. Ngăn chặn phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DN, người dân.

Về phạm vi thực hiện, Bộ Công Thương sẽ thống kê, rà soát, tính chi phí tuân thủ, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (quy định về thủ tục hành chính, điều kiện trong hoạt động kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật) trong các thông tư, thông tư liên tịch của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nghị định, nghị quyết của Chính phủ; luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đang có hiệu lực.

Tăng cường phối hợp thực hiện

Để thực hiện kế hoạch, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với các đơn vị trong Bộ, như Vụ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Bộ rà soát, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2021 của Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tính chi phí tuân thủ dự kiến theo phương án cắt giảm, đơn giản hóa; thống kê, cập nhật dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; chỉnh sửa, hoàn thiện các dữ liệu quy định liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên hệ thống phần mềm thống kê, rà soát.

Trên tinh thần của kế hoạch, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp theo mục tiêu, yêu cầu, phạm vi tại Nghị quyết số 68/NQ-CP; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các quy định không hợp lý, đang là rào cản, gây khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của DN, người dân; bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 68/NQ-CP. Bên cạnh đó, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 đến từng cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.

Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị liên quan có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt đối với những vấn đề mới phát sinh; kiến nghị, đề xuất giải pháp chỉ đạo, điều hành, phù hợp, hiệu quả trong quá trình thực hiện kế hoạch.