Cần gói kích thích kinh tế đặc biệt để phục hồi tăng trưởng
12/10/2020 08:37
Mức tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua “là mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử của kinh tế Việt Nam”.
Nhìn lại kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội 9 tháng qua, các chuyên gia đánh giá cao việc sớm nhận diện được những tác động của đại dịch Covid-19 để có các giải pháp khá tổng thể, toàn diện. Chính nhờ kiểm soát tốt được dịch bệnh đã tạo cơ hội để nền kinh tế sớm quay trở lại phục hồi và có được tăng trưởng nhanh hơn các nước khác.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua “là mức tăng trưởng thấp nhất trong lịch sử của kinh tế Việt Nam” - mà theo nhiều chuyên gia - nếu quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn. Trong bối cảnh hiện nay, để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào các gói kích thích kinh tế đặc biệt thay vì các gói hỗ trợ như trước.
“Lo ngân sách bơm ra để cứu nền kinh tế những khi đất nước có biến động” - theo chuyên gia kinh tế, TS Trần Đình Thiên đó là cách thức điều hành kinh tế chung của thế giới mà Việt Nam cần áp dụng mạnh mẽ đối với việc tập trung nguồn lực vào giải ngân các dự án đầu tư công để hỗ trợ việc làm cho doanh nghiệp (DN), qua đó tạo ra các khu vực kinh tế năng động, làm cơ sở thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao từ khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
"Lý thuyết của thế giới gọi là chi tiêu ngân sách nịnh chu kỳ. Cái lý ấy rất đơn giản thế này: lúc nền kinh tế đang tăng trưởng tốt thì thu ngân sách tốt nhưng đề nghị chi ít đi. Bởi vì lúc ấy nền kinh tế không cần phải chi ngân sách nhiều mà vẫn tăng trưởng được, DN vẫn tăng trưởng tốt, để dành phần đấy đến lúc nền kinh tế gặp khó khăn, DN gặp khó thì mang tiền đó ra để cứu trợ. Cho nên lúc này nền kinh tế cần đến ngân sách, kiểu gì cũng ngân sách..." - TS Trần Đình Thiên cho biết.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, mặc dù Chính phủ đã đưa ra khá kịp thời gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sớm vượt qua đại dịch, tuy nhiên, việc thực thi gói hỗ trợ này trên thực tế đã không đạt kết quả như mong muốn, thậm chí là “kém hiệu quả”.
Do vậy, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong bối cảnh cả cầu trong nước cũng như cầu ngoài nước vẫn đang suy giảm thì không nên tiếp tục các gói hỗ trợ như vậy, mà ưu tiên số 1 chính là phải có ngay các giải pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ hơn, cụ thể và thực chất hơn để phục hồi tăng trưởng.
"Kích thích kinh tế thì rõ ràng là chính sách tiền tệ phải khác, đặc biệt là chính sách tài khóa phải rất khác, thâm hụt ngân sách phải lớn hơn, nợ công thay đổi, và kèm với đó thì phải tính toán nên tập trung kích thích kinh tế vào đâu. Chi tiêu của Nhà nước phải tăng lên, đặc biệt là chi tiêu về đầu tư. Chúng ta đã có hàng loạt dự án đầu tư công quan trọng quy mô lớn, hạ tầng như vậy thì nên tập trung đầu tư vào đó. Tập trung đầu tư nhiều hơn vào khu vực TP HCM và xung quanh cũng như khu vực ĐBSCL..." - TS Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS Lương Văn Khôi cho rằng, đầu tư công đang là điểm sáng cho phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cùng với việc tăng cường giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công tại các công trình, dự án đã xác định, TS Lương Văn Khôi nhấn mạnh tới một gói kích thích kinh tế đặc biệt nhất hiện nay - đó chính là “những khoản đầu tư không hối tiếc” - là những khoản đầu tư lớn, tạo nền tảng cho phát triển bền vững, lâu dài.
TS Lương Văn Khôi nói thêm: "Những khoản đầu tư không hối tiếc là những khoản đầu tư chúng ta không quan tâm đến hiệu quả về khả năng thu hồi về mặt tài chính, tuy nhiên những khoản đầu tư này sẽ có lợi ích rất lớn về mặt kinh tế - xã hội lâu dài cho đất nước.
Ví dụ hiện nay chúng ta thấy rằng những tác động ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu đặc biệt ở khu vực ĐBSCL thì chúng ta phải có những khoản đầu tư vào để khắc phục và hạn chế được những tác động của biến đổi khí hậu, và chúng ta cần phải có những khoản đầu tư lớn và coi như đây là những khoản đầu tư không hối tiếc. và như vậy thì chúng ta phải chấp nhận thâm hụt ngân sách để có những khoản đầu tư tạo đà tăng trưởng lâu dài cho nền kinh tế…".
Cũng theo TS Lương Văn Khôi, Chính phủ nên tập trung vào các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là các công trình “điện, đường, trường, trạm” ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi để thúc đẩy cơ sở hạ tầng gắn với an sinh xã hội.
"Việc tăng cường vào các chương trình mục tiêu quốc gia này sẽ có tác động rất lớn. thứ nhất là nó tạo ra cơ sở hạ tầng rất tốt cho khu vực vùng sâu vùng xa để tăng cường giao lưu hàng hóa. Thứ 2 là người dân có nguồn kinh phí, có thu nhập và do vậy sẽ kích thích tiêu dùng hàng hóa trong nước. Việc kích thích tiêu dùng hàng hóa này sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước và như vậy sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế..." - TS Lương Văn Khôi chỉ rõ.
Một gói kích thích tăng trưởng cho là “không tốn tiền” được các chuyên gia nhấn mạnh, đó là việc đầu tư vào chuyển đổi số, hỗ trợ cung cấp thông tin về các thị trường xuất nhập khẩu cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là thế mạnh của doanh nghiệp trong nước tại các thị trường mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao như CPTPP và EVFTA… Từ thực tế hiện nay đã có hơn 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thực hiện thành công việc nộp thuế qua mạng cũng như tổ chức các cuộc hội nghị trực tuyến tầm cỡ quốc gia và quốc tế,.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến nghị: "Ngoài những biện pháp về ngân sách, tín dụng thì tôi nghĩ việc vận dụng Chính phủ điện tử một cách sâu rộng trong các lĩnh vực để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động và giảm bớt các chi phí cho DN đấy là một trong những điều mà nếu chúng ta làm tốt thì đại dịch này lại có thể tạo ra những cơ hội để cho chúng ta phát triển và chúng ta có thể tiếp tục thực hiện các cải cách đó một cách mạnh mẽ hơn, để có thể tận dụng được công nghệ thông tin và cũng nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước cũng như hoạt động của các DN..."./.