Các doanh nghiệp họp đại hội cổ đông như thế nào giữa tâm dịch Covid-19?
19/03/2020 13:09
Mùa đại hội cổ đông thường niên chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp đã có thông báo chính thức về việc hoãn và dời lịch họp do dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp đã lùi lịch tổ chức
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) vừa quyết định gia hạn thời gian tổ chức đại hội thường niên năm 2020 nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng như theo khuyến cáo của Bộ Y tế về việc hạn chế các sự kiện tập trung đông người.
Trước đó Đại hội đồng cổ đông Thế giới Di động được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 27/3 với ngày chốt quyền 20/2. Tuy nhiên gần đây, công ty này đã phải quyết định lấy ý kiến cổ đông lùi lịch họp với lí do giảm nguy cơ lây nhiễm và để đảm bảo công bằng giữa các cổ đông do việc di chuyển của các cổ đông người nước ngoài có thể gặp khó khăn do yêu cầu cách li và thủ tục nhập cảnh
Cùng với Thế giới Di động, một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) cũng có quyết định lùi thời gian tổ chức đại hội. Theo đó, doanh nghiệp này đã thông qua quyết định hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 dự kiến tổ chức vào ngày 20/3 do những lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Công ty cho biết sẽ quyết định lại việc tổ chức đại hội vào thời gian thích hợp.
CTCP Sữa Việt Nam (Mã: VNM) quyết định dời lại thời gian tổ chức phiên họp đại cổ đông thường niên năm 2020 thay vì ngày 24/4 như đã thông báo. Về thời gian cụ thể tổ chức đại hội, Vinamilk sẽ thông báo sau nhưng không chậm hơn ngày 30/6/2020.
CTCP Container Việt Nam (Mã: VSC) vừa thông báo sẽ hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 dù đã lên lịch trước đó vào ngày 31/3. Tuy nhiên, VSC cũng khẳng định đại hội sẽ sớm được tổ chức vào thời điểm thích hợp, có thể là khi Việt Nam công bố hết dịch nhưng không muộn hơn ngày 30/6/2020.
Hay CTCP Đầu tư Hải Phát (HPX) mới đây cũng xin ý kiến về việc gia hạn thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ. Thời gian và địa điểm họp công ty sẽ thông báo cụ thể trong thời gian tới.
Bên cạnh đó còn có những cái tên nổi bật thông báo lùi lịch tổ chức Đại hội đồng cổ đông như: CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), Chứng khoán SSI, Digiworld (DGW), Đạt Phương (DPG), Eximbank...
Giám sát y tế chặt chẽ tại các sự kiện
Bên cạnh những doanh nghiệp lùi thời gian tổ chức Đại hội đồng cổ đông, vẫn có nhiều doanh nghiệp tổ chức Đại hội đồng cổ đông dưới sự giám sát y tế chặt chẽ.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của BIDV diễn ra vào sáng 7/3, đúng thời điểm dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, BIDV đã chuẩn bị những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như khẩu trang, nước rửa tay và bố trí khu vực y tế kiểm tra nhiệt độ nhằm đảm bảo đại hội diễn ra thành công. Số lượng người tham dự cuộc họp rất ít chỉ khoảng vài chục người, tuy nhiên vẫn đảm bảo đủ điều kiện để tiến hành đại hội.
GTNFoods vừa tổ chức phiên họp đại hội cổ đông thường niên vào giữa tháng 2 - thời điểm Covid-19 bùng phát trên thế giới và căng thẳng ở Việt Nam. Khi tham dự, cổ đông được yêu cầu trả lời một bảng câu hỏi về thông tin di chuyển gần ngày họp và khả năng tiếp xúc với những người đi về từ Vũ Hán hoặc Trung Quốc. Khi hoàn tất hai "chốt chặn" đầu tiên, cổ đông sẽ được đăng ký tham gia họp, nhận tài liệu kèm một khẩu trang y tế để sử dụng.
CTCP Nhựa Xanh An Phát (AAA) mới đây cũng ra thông báo yêu cầu cổ đông tham dự đại hội thường niên sắp tới phải viết cam kết không di chuyển từ vùng dịch về trong vòng 14 ngày và có tình trạng sức khoẻ tốt (không ho, sốt, khó thở, tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm). Bên cạnh đó, công ty cho biết cổ đông sẽ được đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước diệt khuẩn và thực hiện thủ tục y tế cần thiết khi đến dự họp.
Tương tự, Hội đồng quản trị CTCP Bia rượu Sài Gòn - Đồng Xuân (BSD) cũng đề nghị cổ đông khai báo y tế theo hướng dẫn. Cổ đông và khách tham dự đến từ vùng dịch sẽ không được phép tham dự đại hội vì lí do an toàn sức khỏe.
Về phía cơ quan quản lí, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đã trình lãnh đạo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm triển khai ngay dịch vụ biểu quyết điện tử phục vụ Đại hội đồng cổ đông của các công ty đại chúng/quĩ đầu tư chứng khoán thay thế cho việc biểu quyết trực tiếp tại Đại hội đồng cổ đông truyền thống.
Hệ thống bỏ phiếu điện tử (E-Voting) được Trung tâm lưu ký chứng khoán triển khai từ đầu năm 2017, mục đích ban đầu giúp các cổ đông đảm bảo quyền và lợi ích tại phiên họp thường niên. Vì các nguyên nhân khách quan, nhiều cổ đông không tham dự dẫn tới có trường hợp doanh nghiệp phải hủy họp vì số lượng tham gia không đạt tỷ lệ theo quy định.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, điều này hi vọng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên sàn tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông, đồng thời cũng sẽ giúp cho các cổ đông, đặc biệt là các cổ đông nước ngoài tại các vùng chịu tác động của dịch bệnh có khả năng tham gia và thể hiện quyền lợi của mình thông qua lá phiếu điện tử.