Bộ Công Thương và cuộc cải cách lịch sử

Chưa bao giờ vấn đề cải cách, tạo thuận lợi cho DN lại được nhắc nhiều đến như vậy. Chính luồng gió mới từ bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới mang thông điệp “Chính phủ kiến tạo”, “Chính phủ hành động” đã buộc các bộ, ngành phải vào cuộc để “guồng máy” được vận hành trôi chảy.

04/01/2017 09:00

Chưa bao giờ vấn đề cải cách, tạo thuận lợi cho DN lại được nhắc nhiều đến như vậy. Chính luồng gió mới từ bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới mang thông điệp “Chính phủ kiến tạo”, “Chính phủ hành động” đã buộc các bộ, ngành phải vào cuộc để “guồng máy” được vận hành trôi chảy.

Trong những “mắt xích” để tạo nên một “Chính phủ kiến tạo”, việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN từ phía Bộ Công Thương đánh giá là một điểm mấu chốt bởi đây là bộ quản lý 2 lĩnh vực lớn bao trùm nền kinh tế là công nghiệp và thương mại.

Còn nhớ, hàng ngàn DN trong ngành dệt may đã nhiều lần “kêu khóc” về quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt đối với sản phẩm dệt may, được quy định tại Thông tư 37/2015/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành. Thực tế, Thông tư 37 ra đời để thay thế cho những bất cập trong một thời gian dài Thông tư 32/2009/TT-BCT mang đến cho các DN dệt may. Song sự thay đổi này không làm cho các DN dệt may “thở phào” được bởi quy định kiểm tra vẫn không khác là bao so với quy định cũ. DN vẫn than rằng, quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt tốn thời gian, phát sinh thêm chi phí cho DN. Thậm chí, có nhiều DN còn cho rằng, quy định này đi ngược với tinh thần của Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN: “Cải cách toàn diện các quy định về môi trường kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XK, NK phù hợp với thông lệ quốc tế chuyển căn bản sang hậu kiểm”.

Cùng với hàng ngàn DN dệt may, nhiều DN trong lĩnh vực năng lượng cũng chịu áp lực không kém khi phải thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng và kiểm tra hiệu suất năng lượng tối thiểu. Cụ thể, kiểm tra hiệu suất và dán nhãn năng lượng được điều chỉnh bởi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, Thông tư số 07/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương lại yêu cầu DN NK phương tiện phải thực hiện thủ tục khai báo 2 giai đoạn do 2 đơn vị khác nhau thực hiện: Thủ tục thử nghiệm tại các tổ chức đánh giá sự phù hợp do Bộ Công Thương chỉ định, kéo dài hàng tháng, chi phí lớn, nhiều sản phẩm phải kiểm tra phá hủy (bao gồm cả những mặt hàng giá trị cao của các thương hiệu nổi tiếng thế giới), vừa phải xin cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng như một loại giấy phép do Tổng cục Năng lượng thực hiện, mất thời gian và chi phí tốn kém.

Đây là 2 trong 3 thủ tục của Bộ Công Thương bị DN “kêu” nhiều nhất, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những bức xúc ấy đã được gửi đến Bộ Công Thương bằng nhiều hình thức: Công văn lên Bộ, công văn kiến nghị với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thậm chí là phản ánh trực tiếp đến lãnh đạo Bộ Công Thương thông qua 2 cuộc lấy ý kiến về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương được tổ chức ở Hà Nội và TP. HCM.

Rốt cục thì những bức xúc của DN cũng đã “đến tai” Bộ Công Thương. “Phát súng” đầu tiên thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu, tháo gỡ khó khăn cho DN từ phía Bộ Công Thương đó là bãi bỏ Thông tư 37. Phải nói rằng, DN "mừng ra mặt" khi quyết định này giúp DN dệt may tiết kiệm được hàng tỷ đồng. Một tuần sau, kể từ khi Bộ Công Thương bãi bỏ quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may (ngày 12-10), ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục có buổi làm việc với các đơn vị thuộc Bộ để bàn tiếp các giải pháp gỡ khó trong thủ tục dán nhãn năng lượng. Ông Trần Tuấn Anh thừa nhận rằng, so với Thông tư 37, các quy định tại Thông tư 07 còn rườm rà, khó hiểu và gây bức xúc cho DN hơn rất nhiều. “Đã đến lúc, chúng ta phải ‘cởi trói’ cho doanh nghiệp. “Nếu chúng ta không gỡ bỏ những thủ tục phiền hà, cải cách thể chế thì chúng ta đang cản trở sự phát triển của xã hội, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Mới đây thôi, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định 4846/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước năm 2017. Theo đó, Bộ bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thuộc phạm vi Bộ quản lý, tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có của Bộ Công Thương nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, DN khi tiếp cận. Theo đó, các lĩnh vực đơn giản hoá gồm kiểm tra chất lượng thép sản xuất, nhập khẩu (5 thủ tục), thương mại quốc tế (3 thủ tục), công nghiệp nặng (2 thủ tục), sản xuất kinh doanh thuốc lá (6 thủ tục), kinh doanh khí (18 thủ tục), kinh doanh rượu (19 thủ tục), xăng dầu (15 thủ tục), an toàn thực phẩm (12 thủ tục), XNK (8 thủ tục), xúc tiến thương mại (5 thủ tục)...

Với những động thái trên, đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay. Coi việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, Bộ Công Thương đang dần thực hiện lời hứa với DN, với người dân, với Chính phủ. Cuộc cải cách mạnh mẽ này sẽ là trợ lực tốt nhất để cộng đồng DN có thể cạnh tranh tốt hơn trong sân chơi hội nhập ngày càng sâu rộng.