Bộ Công Thương nhận "phần thưởng kép" trong cải cách thể chế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Bộ Công Thương là Bộ đi đầu trong cải cách thể chế. Công tác này của Bộ Công Thương góp phần không nhỏ trong những đóng góp mà theo Thủ tướng, “không phải bàn cãi” vào thành tựu chung của phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2019.

31/12/2019 07:52

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Bộ Công Thương là Bộ đi đầu trong cải cách thể chế. Công tác này của Bộ Công Thương góp phần không nhỏ trong những đóng góp mà theo Thủ tướng, “không phải bàn cãi” vào thành tựu chung của phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2019.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Công Thương, công tác cải cách hành chính cũng như đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục đầu tư kinh doanh của Bộ Công Thương đã nhận được “phần thưởng kép” từ phía Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Về phía Chính phủ, ở vai trò người đứng đầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Bộ Công Thương là Bộ đi đầu trong cải cách thể chế. Công tác này của Bộ Công Thương có thể nói đã góp phần không nhỏ trong những đóng góp mà theo Thủ tướng, “không phải bàn cãi” vào thành tựu chung của phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong năm 2019.

“Thể chế chính là nguồn lực” - Thủ tướng nhấn mạnh. Đó cũng là lời biểu dương và cũng là cách Thủ tướng trực tiếp “đặt hàng” ngành Công Thương ngay cho năm 2020.

“Phần thưởng” thứ hai đến từ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khi Chủ tịch VCCI - ông Vũ Tiến Lộc - khẳng định, những kết quả trong cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh của Bộ Công Thương những năm qua nói chung và năm 2019 nói riêng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Người đứng đầu VCCI “hồi cố” việc Bộ Công Thương trước đây là bộ “siêu quyền lực”, quản lý rất nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng như có rất nhiều điều kiện kinh doanh. Theo khảo sát của VCCI, năm 2016, Bộ Công Thương có tới 1.216 điều kiện kinh doanh, một con số mà theo Chủ tịch VCCI là “rất lớn”. Cùng đó, lĩnh vực quản lý của bộ ảnh hưởng tới 60 - 70% GDP của nền kinh tế. “Do vậy thủ tục hành chính cũng như các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp” - ông Lộc nhìn nhận.

Khía cạnh được coi là hết sức đáng mừng, theo ông Vũ Tiến Lộc là trong những năm gần đây dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có những chuyển biến rất tích cực trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính cùng các điều kiện đầu tư, kinh doanh.

“Bộ Công Thương làm lĩnh vực này rất bài bản, tự nguyện và hoàn toàn xuất phát từ yêu cầu tự thân cũng như tư duy quản lý chứ không phải từ ép buộc của Thủ tướng Chính phủ” - Chủ tịch VCCI nhận xét. Ông Lộc cũng nhìn nhận, cải cách của Bộ Công Thương không chỉ dừng lại ở đó mà Bộ Công Thương cũng đã ban hành chương trình cải cách rất bài bản, rà soát điều kiện kinh doanh do Bộ phụ trách và lên được các phương án cải cách được các doanh nghiệp đánh giá là “khá đồng bộ”.

Ví dụ về các hiệu quả trong cải cách của Bộ Công Thương được ông Vũ Tiến Lộc đưa ra là lĩnh vực điện năng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Báo cáo Doing Businesss của Ngân hàng Thế giới đã xếp Việt Nam vào vị trí 27/190 nền kinh tế và lọt Top 4 trong ASEAN và CPTPP. “Các ngành khác cứ theo ngành điện thì các cải cách sẽ nhanh như điện" - ông Lộc nói.

Phân tích thêm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chú ý việc Bộ Công Thương là Bộ về đích sớm nhất trong việc thực hiện mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính được Thủ tướng Chính phủ giao. Sau khi hoàn thành mục tiêu năm 2018, cho đến nay cũng chỉ mới có 2 bộ tiếp tục ban hành cắt giảm điều kiện kinh doanh giai đoạn 2 sau năm 2018 và một trong hai bộ đó là Bộ Công Thương.

Thành công trong cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương, theo ông Vũ Tiến Lộc không chỉ có nguyên nhân đến từ các đòi hỏi trong tư duy quản lý của Bộ trong việc cụ thể hóa mục tiêu xây dựng một chính phủ kiến tạo. Một nguyên nhân nữa là Bộ luôn chủ động và tích cực trong công tác tham vấn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Ông Vũ Tiến Lộc ví von các nhà đàm phán của Bộ Công Thương như những “con ong chăm chỉ, cần mẫn” trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và cho biết thêm: "Các nhà đàm phán đều liên tục tham vấn các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và VCCI”.

Thêm một điểm sáng trong công tác của Bộ Công Thương trong năm 2019 được ông Lộc đặc biệt lưu ý là các hoạt động phòng vệ thương mại, chống gian lận thương mại được Bộ Công Thương triển khai một cách khá tích cực, chuyên nghiệp, hiệu quả. “Đây là những hoạt động rất khó, rất phức tạp, rất mới song đã được làm một cách rất bài bản. Chính điều này giúp cho nền kinh tế chúng ta thời gian qua đạt được kết quả tích cực, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu và đich cuối cùng cũng là vì doanh nghiệp”- ông Lộc nói.

Để phát huy và lan tỏa được những thành công trên, theo ông Vũ Tiến Lộc, thời gian tới Bộ Công Thương cần đi đầu trong việc chuyển giao các dịch vụ công cho thị trường và xã hội. Cùng đó, Bộ cần tăng cường xây dựng được chính sách công nghiệp theo nghĩa rộng nhất có khả năng dẫn dắt được cả nền kinh tế. “Điểm nữa là Bộ cần xây dựng và trình Chính phủ một nghị định về “made in Việt Nam” cho các hàng hóa tiêu thu tại Việt Nam để doanh nghiệp có thể chủ động hơn, có cơ sở hơn”- ông Lộc đề xuất.