Báo chí chống tham nhũng
21/06/2016 15:49
Tại cuộc gặp mặt nhà báo nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chia sẻ: “Thành phố khuyến khích báo chí chỉ rõ các vụ tiêu cực đến Đảng bộ, chính quyền thành phố xem xét xử lý… Báo chí đã vui cùng niềm vui, đau với nỗi đau của người Hà Nội, thẳng thắn phê phán với mục tiêu chung xây dựng Thủ đô ngày càng đẹp hơn”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã đánh giá, đã nhấn mạnh rất rõ về chuẩn mực về lương tâm, trách nhiệm của người cầm bút đối với Thủ đô.
Cung cấp thông tin cho báo chí lâu nay được nhiều người dân đánh giá là kênh “đánh” tham nhũng hiệu quả nhất. Vì sao có chuyện như thế, khi hầu hết các tổ chức, cơ quan đều có những bộ phận đảm trách công tác thanh tra, kiểm tra?
Nói như thế không có nghĩa là xã hội phủ nhận vai trò thanh tra, kiểm tra trong các cơ quan, doanh nghiệp. Thực tế, những người làm việc trong các tổ chức thanh tra, kiểm tra nội bộ biết rõ mười mươi “sức khỏe” của tổ chức, doanh nghiệp mình “có vấn đề”. Tuy nhiên, việc làm cho ra sự thật, nói cho ra nhẽ thì quả là không đơn giản, bởi những con người này đang hưởng lương trong chính tổ chức và doanh nghiệp đó. Thẳng thừng mà làm thì “không phải đầu cũng phải tai”. Đây là thực trạng mà các bộ phận chức năng đã không làm hoặc làm không hết trách nhiệm trong việc giải quyết tiêu cực nội bộ. Là cội nguồn sâu xa dẫn đến những người trong cơ quan hoặc ngay chính người trong cơ quan kiểm tra, thanh tra “tuồn” thông tin ra ngoài cho báo chí. Khi bị phanh phui trước dư luận, lúc đó sự che đậy sẽ rất khó và các cơ quan chức năng ngoài tổ chức, doanh nghiệp sẽ phối hợp vào cuộc.
Đó cũng là lý do hầu hết các vụ tham nhũng “động trời” đều được báo chí “nổ phát súng” đầu tiên, như: Vinashin, Vinalines… Rồi vụ cá chết bất thường ở biển miền Trung. Hay mới đây nhất là vụ “ông hội đồng” Thanh ở tỉnh Hậu Giang và chiếc xe tai tiếng… Báo chí đưa tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngay lập tức chỉ đạo 9 cơ quan cùng vào cuộc, báo cáo kết quả Ban Bí thư trước ngày 25/6, bởi đây là việc cần làm ngay!
Nhiều cán bộ, viên chức trong các cơ quan, doanh nghiệp thừa nhận: Muốn phanh phui sai phạm, tốt nhất là cung cấp thông tin cho báo chí. Nếu gửi đơn thư (nặc danh) tới cơ quan chức năng thì khả năng xem xét là rất thấp; nếu gửi chính danh thì không khéo “gặp họa”. Vì thế, các nhà báo là địa chỉ chống tham nhũng an toàn nhất, bởi danh tính của người cung cấp thông tin được bảo mật. Rất nhiều người dân cùng đồng quan điểm này.
Phản biện là chức năng quan trọng nhất của báo chí. Trước đây, vì có nhiều lý do khác nhau mà người ta thường quy các vấn đề nóng về tiêu cực là vấn đề nhạy cảm, tạo nên “vùng cấm” luật bất thành văn. Vài năm gần đây, tính phản biện của báo chí được tăng lên. Báo chí nêu vấn đề khách quan, trung thực, thể hiện quan điểm của tờ báo; phải có dự báo và định hướng cho bạn đọc.
Tất nhiên hoạt động báo chí trung thực, đặc biệt là báo chí chống tham nhũng phải đối diện với cái ác. Vụ việc nhà báo Nguyễn Ngọc Quang ở Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên bị truy sát, hai nhà báo VOV bị hành hung ở Văn Giang - Hưng Yên… đang là nỗi lo của người cầm bút.
Bên cạnh những nhà báo, tờ báo đúng nghĩa với báo chí cách mạng Việt Nam thì vẫn còn những “con sâu” trong làng báo. Vụ việc một nhóm nhà báo “làm tiền” tại huyện Yên Thành, Nghệ An vừa qua đã bị cơ quan chức năng xử lý…
Những đóng góp to lớn của báo chí trong việc nêu gương “người tốt, việc tốt”, phát hiện những điển hình cũng như kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng… đã và đang được toàn xã hội ghi nhận và gửi gắm niềm tin. Không chỉ dừng lại ở mức độ ghi nhận và biểu dương báo chí, xã hội tiếp tục tạo hành lang thông thoáng hơn cho báo chí hoạt động để có những cống hiến to lớn hơn nữa. Điều đó thể hiện: Luật Báo chí (sửa đổi) năm 2016 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2017 với hành lang pháp lý rộng hơn: Nhà báo được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; các tổ chức, cơ quan có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo tài liệu không thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước; cấm hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm, cản trở nhà báo tác nghiệp…
Nhân dân đặt niềm tin ở báo chí, người làm báo phải luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.