Đoàn công tác của Tiểu Ban Văn kiện Đại hội XIII làm việc tại Thanh Hóa. (Ảnh: HH) |
Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã và đang được diễn tại các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cũng là dịp để đưa ra những mục tiêu, dấu mốc mới trong quá trình phát triển của tổ chức Đảng các cấp.
Tại mỗi kỳ Đại hội, việc xây dựng Báo cáo chính trị là yêu cầu bắt buộc các cấp ủy phải chuẩn bị từ trước Đại hội, sau đó lấy ý kiến góp ý và hoàn chỉnh dự thảo trình Đại hội. Tại Đại hội, các đại biểu tiếp tục thảo luận và góp ý để thống nhất biểu quyết và thông qua vào cuối kỳ Đại hội để triển khai thực hiện trong cả nhiệm kỳ.
Báo cáo chính trị của đại hội là sự kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, sự sáng tạo, tầm nhìn, khát vọng của đảng bộ và định hướng phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị. Theo yêu cầu của Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Quá trình xây dựng báo cáo phải bám sát Cương lĩnh, các quan điểm, đường lối, định hướng lớn của Đảng, nhất là sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XII, bám sát định hướng chuẩn bị Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và tình hình thực tế để đánh giá và xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và với tầm nhìn xa hơn.
Báo cáo chính trị của ban chấp hành đảng bộ phải đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới phải sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện hiệu quả.
Báo cáo phải gắn kết nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa và đổi mới; tập trung đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; đánh giá sự lãnh đạo, chỉ đạo, việc đổi mới tư duy, tầm nhìn và cách thức tổ chức thực hiện của cấp ủy, tổ chức đảng.
Trên thực tế, đã có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta đưa nghị quyết vào cuộc sống hay đưa cuộc sống vào nghị quyết? Có nghĩa là đề ra chủ trương để thực hiện hay từ thực tế yêu cầu phải điều chỉnh chủ trương, chính sách? Trong mỗi kỳ Đại hội, trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội, đã có rất nhiều chủ trương, chỉ thị, nghị quyết được ban hành. Song cũng không ít lần, tại các hội nghị tổng kết đã ghi rõ: chủ trương đúng, hợp lòng dân, nhưng quá trình thực hiện còn chưa đúng, thậm chí còn sai, còn vi phạm. Đây là điều đáng lưu ý, suy nghĩ khi xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng các cấp.
Thực tế cũng cho thấy, tại các Văn kiện Đại hội các cấp, càng đề rõ chỉ tiêu phấn đấu, càng dễ thực hiện, nhất là tại các chi bộ, đảng bộ cấp cơ sở. Nhiều đảng bộ đã đề ra những con số cụ thể như 15, 20 mục tiêu, chương trình… Từ đó dễ theo dõi, đôn đốc cũng như triển khai thực hiện. Quá trình sơ kết, tổng kết cũng sẽ có sự so sánh dễ dàng để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị.
Theo kinh nghiệm tại Đảng bộ Thành phố Hà Nội, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xây dựng 8 chương trình công tác toàn khóa. Theo đó, từng đồng chí trong Ban Thường vụ được giao phụ trách từng chương trình; hằng năm đều có sơ kết đánh giá. Chính vì vậy, những kết quả đạt được trong mỗi chương trình đều rất rõ, cụ thể và ngược lại, những hạn chế, tồn tại sẽ được tháo gỡ kịp thời. Trong đợt chuẩn bị dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội nhiệm kỳ này, Tiểu Ban Văn kiện Đại hội Thành phố cũng định hướng tương tự.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Tổ trưởng Tổ Thư ký - giúp việc Ban Biên tập Tiểu Ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII cho biết: Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 20 (ngày 15/10/2019), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã thảo luận, thông qua Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII. Kể từ đó đến nay, Tổ Thư ký, giúp việc Ban Biên tập đã tích cực, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, đã hoàn thành xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị có kết cấu, nội dung bám sát Đề cương chi tiết được Thành ủy thông qua. Tổ trưởng Tổ Thư ký, giúp việc Ban Biên tập nêu một số vấn đề xin ý kiến Tiểu ban về Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị như: Chủ đề, phương châm, đánh giá khái quát, 8 kết quả, 7 hạn chế trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI; mục tiêu, định hướng, tầm nhìn, 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 18 chỉ tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025... Bám sát từng mục tiêu, mới có thể đưa ra những đánh giá chính xác và dự báo được tình hình trong thời gian tới.
Chia sẻ kinh nghiệm từ việc tổ chức Đại hội thành công trong nhiệm kỳ này, Bí thư Đảng ủy xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội Nguyễn Đăng Mạc cho biết, Đảng ủy xã được chọn tổ chức Đại hội điểm, do đó, công tác chuẩn bị được tổ chức kỹ lưỡng ở tất cả các khâu.Trong quá trình chuẩn bị đại hội, bên cạnh việc chú trọng đến công tác nhân sự thì cần phải đặc biệt quan tâm tới việc chuẩn bị văn kiện. Do đó, Đảng ủy xã Hát Môn đã chỉ đạo xây dựng văn kiện đại hội một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Dự thảo Văn kiện đại hội của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 bám sát dự thảo Nghị quyết của Đảng bộ huyện, gắn với việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Không chỉ vậy, dự thảo văn kiện còn lấy ý kiến rộng rãi trong toàn Đảng bộ, qua đó, không những thu được nhiều ý kiến giá trị, mà còn nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao.
Theo PGS.TS Dương Trung Ý, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, vai trò định hướng của báo cáo chính trị thể hiện từ tiêu đề, nội dung kết cấu, bố cục của báo cáo. Tiêu đề của báo cáo chính trị không chỉ đơn thuần là tên gọi, chủ đề của báo cáo mà còn là khẩu hiệu, tuyên ngôn hành động, là những nội dung nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đảng bộ và nhân dân trong nhiệm kỳ, là tư duy, tầm nhìn chiến lược, ngọn cờ hiệu triệu, tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của các cấp bộ đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị.
Hình ảnh tại phiên họp Tổ biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương. (Ảnh: HH) |
Nội dung của báo cáo chính trị không chỉ đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội nhiệm kỳ trước, xác định nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ sau, mà còn đề cập đến những vấn đề lý luận và thực tiễn cụ thể đang đặt ra đối với toàn Đảng, đối với đất nước hoặc đối với đảng bộ địa phương, cơ quan, đơn vị; là sự phản ánh chân thực, sinh động mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn, giữa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với mọi mặt đời sống của nhân dân. Chính vì vậy, đại hội đảng bộ các cấp còn là đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng, khoa học, sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập rộng rãi góp phần nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mỗi cấp bộ đảng.
Kết cấu, bố cục, tiêu đề các phần, mục trong nội dung của báo cáo chính trị vừa thể hiện nội dung các mặt công tác, nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị, các lĩnh vực đời sống xã hội; đồng thời, cũng thể hiện tư duy, cách tiếp cận, tầm nhìn, sự đổi mới, sáng tạo của các cấp bộ đảng, mà trước hết là của cấp ủy triệu tập đại hội và tiểu ban văn kiện (tiểu ban nội dung) của đại hội.
Với vị trí, tính chất đặc biệt quan trọng nêu trên, xây dựng báo cáo chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cấp ủy triệu tập đại hội, trong đó trách nhiệm được giao trực tiếp là tiểu ban văn kiện đại hội đảng bộ các cấp. Thảo luận xây dựng báo cáo chính trị là một trong những hoạt động trung tâm, đặc biệt quan trọng của đại hội đảng bộ các cấp. Việc tổng hợp, chắt lọc ý kiến góp ý đòi hỏi bản lĩnh của người làm biên tập và thể hiện sức mạnh, ý chí tập thể của Tiểu ban Văn kiện. Để làm sao, đặt trong một tổng thể các báo cáo thì “Báo cáo chính trị phải là văn kiện trung tâm của đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác, phải thể hiện một cách tập trung nhất tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ, ý chí, sức mạnh đoàn kết của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân” như yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu./.