Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng họp phiên thứ Bảy

25/04/2015 20:53

(ĐCSVN) –Chiều 25/4, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) họp phiên thứ Bảy dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Nhiều vụ việc, vụ án đã được đưa ra khỏi diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo

Tại phiên họp, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận và cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kết quả công tác PCTN quý I và nhiệm vụ trọng tâm công tác PCTN quý II năm 2015.

Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản đồng tình với các nội dung trong dự thảo báo cáo và thống nhất đánh giá, trong quý I, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, công tác PCTN tiếp tục được triển khai tích cực trên một số mặt: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN; thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là cải cách hành chính; phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong PCTN; phát hiện, xử lý tham nhũng; hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: HH


Ban Chỉ đạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN ở 10 tỉnh, thành phố và 4 bộ; tập trung chỉ đạo, đôn đốc công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và thu hồi tài sản tham nhũng…

Các cơ quan chức năng và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã nghiêm túc triển khai thực hiện kết luận tại Phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo và cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.

Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn đạt kết quả thấp. Nguyên nhân do các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng thường mang tính nguyên tắc, tản mạn; trách nhiệm của các cơ quan liên quan và trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao quản lý tài sản của Nhà nước còn hạn chế; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập còn bất cập; vẫn còn hạn chế trong công tác phát hiện tham nhũng; nhiều vụ còn có trở ngại từ công tác giám định tư pháp hoặc việc tương trợ tư pháp trong giải quyết các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong các cơ quan có chức năng chưa đáp ứng yêu cầu…

Từ thực tiễn trên, Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng cần chú trọng áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng song song với quá trình chứng minh, xử lý hành vi tham nhũng. Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật PCTN 2005, trong đó xem xét việc xây dựng một chế định riêng về thu hồi tài sản tham nhũng. Cụ thể hóa, bổ sung những quy định về thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tương trợ tư pháp và một số luật liên quan khác.

Về tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo: Từ sau Phiên họp thứ 6 Ban Chỉ đạo đến nay, Ban Nội chính Trung ương – cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và các cơ quan tiến hành tố tụng đã chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Để giúp đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh một số vụ việc, vụ án tham nhũng phức tạp, vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo đã thống nhất bổ sung 7 vụ án vào diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; 53 vụ án, vụ việc vào diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.

Đồng thời, Thường trực Ban Chỉ đạo quyết định đưa 4 vụ án, 2 vụ việc ra khỏi diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đưa 5 vụ án, 2 vụ việc ra khỏi diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; đưa 17 vụ án, 7 vụ việc ra khỏi diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý, do các vụ việc, vụ án này đã được giải quyết theo quy định của pháp luật; có văn bản yêu cầu các cơ quan tố tụng Trung ương, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Trên cơ sở ý kiến của các đồng chí thành viên, Ban Chỉ đạo thống nhất đưa 01 vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối họp với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, lập danh sách bổ sung những vụ việc, vụ án vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo có văn bản yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các 5 vụ việc, vụ án.

Thực hiện Chương trình công tác năm 2014 của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiến hành rà soát, nắm tình hình tại 04 Ngân hàng thương mại nhà nước.

Xác định nhiệm vụ trọng tâm công tác PCTN quý II năm 2015

Ban Chỉ đạo xác định, trong quý II, chú trọng thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu: Tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng; quan tâm triển khai Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN. Tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội Khóa XIII (kỳ họp thứ 9) thông qua, cho ý kiến đối với các dự án luật: Luật ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Luật kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Bộ luật dân sự, Luật tố tụng dân sự, Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.

Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại 04 Bộ và 10 địa phương. Tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trong hai năm 2013 và 2014.

Chỉ đạo triển khai việc rà soát tổng thể các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội tại các địa phương để xem xét, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng sang cơ quan điều tra xác minh, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhất trí với những đánh giá của các thành viên Ban Chỉ đạo và nêu rõ: Trong quý I, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiếp tục chỉ đạo, triển khai khá toàn diện, đồng bộ các hoạt động phòng, chống tham nhũng, thu được những kết quả tích cực. Ban Chỉ đạo tiếp tục quan tâm chỉ đạo làm ráo riết, quyết liệt và có hiệu quả công tác kiểm tra, đôn đốc; không chỉ đôn đốc, kiểm tra các vụ án mà còn kiểm tra, đôn đốc công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các lĩnh vực, các địa phương. Trên cơ sở các việc đã làm, Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng phát hiện một số lĩnh vực, khâu khó khăn cần tập trung tháo gỡ và đây là điều rất quan trọng sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở cả Trung ương và địa phương.

Quang cảnh phiên họp - Ảnh: HH


Về phương hướng sắp tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, để công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao hơn, trước hết đội ngũ những cơ quan, đơn vị trực tiếp làm công tác này phải có quyết tâm lớn, trách nhiệm cao. Trên cơ sở các kế hoạch, chương trình công tác, các khâu trọng tâm, trọng điểm đã được xác định, cần tập trung triển khai thực hiện triệt để hơn nữa, quyết liệt hơn nữa; các thành viên Ban Chỉ đạo cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện .

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh thời gian tới, Ban Chỉ đạo cần tăng cường kiểm tra đôn đốc, thường xuyên trao đổi thông tin để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tập trung vào các vụ việc phức tạp, các vụ án trọng điểm đang làm; đẩy nhanh tiến độ các khâu thanh tra, điều tra, giám định tư pháp, truy tố, xét xử, thi hành án, thu hồi tài sản tham nhũng; "Cần chọn những khâu, lĩnh vực còn trì trệ để tập trung làm quyết liệt hơn, nhanh hơn trong thời gian tới", Tổng Bí thư lưu ý.

Tổng Bí thư yêu cầu tăng cường kiểm tra các cơ quan chức năng, cấp ủy đảng các địa phương; kiểm tra việc thực hiện kết luận của đợt kiểm tra trước; kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt; xử lý các đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa làm tốt, làm chậm; nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng tới nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng tham nhũng vặt; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các thành viên trong Ban Chỉ đạo; giám sát việc thực hiện những công việc đã được Ban Chỉ đạo thông qua./.