Áp dụng biện pháp tự vệ: Có cứu được ngành Thép?

Ngành Thép Việt Nam đang trong tình cảnh “trên đe, dưới búa”, một mặt vừa là sản phẩm xuất khẩu (XK) bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất, mặt khác thị trường trong nước phải đối mặt với thép giá rẻ nhập ồ ạt từ nước ngoài, nhất là Trung Quốc…

25/07/2016 15:13

Ngành Thép Việt Nam đang trong tình cảnh “trên đe, dưới búa”, một mặt vừa là sản phẩm xuất khẩu (XK) bị kiện phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất, mặt khác thị trường trong nước phải đối mặt với thép giá rẻ nhập ồ ạt từ nước ngoài, nhất là Trung Quốc…

Bởi vậy, các doanh nghiệp (DN) thép cần có một chiến lược đầu tư kinh doanh bài bản mới có thể trụ vững. Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam với phóng viên TBTCVN.

* PV: Nhiều ý kiến lo ngại trước tình trạng thép Việt đang “khó trong, khó ngoài”. Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn của ngành Thép hiện nay?

- Ông Nguyễn Văn Sưa: Hiện nay, đúng là ngành Thép đang đứng trước nhiều áp lực lớn, khi sản phẩm thép XK bị vướng nhiều vụ kiện PVTM từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, tại thị trường trong nước ngành Thép lại đang phải cạnh tranh khốc liệt với thép ngoại, đặc biệt là thép giá rẻ nhập ồ ạt từ Trung Quốc (chiếm tới hơn 60%).

Thực tế, khủng hoảng thừa tại Trung Quốc đang khiến quốc gia này tìm mọi cách đẩy mạnh XK thép ra thị trường thế giới và Việt Nam không thể tránh khỏi. Song đáng nói là trong số thép nhập từ Trung Quốc, có lượng không nhỏ thép có chứa nguyên tố Bo, Crôm… được bán dưới dạng thép hợp kim nhằm “né” thuế nhập khẩu. Do không phải chịu thuế, nên giá bán thép Trung Quốc rẻ hơn thép sản xuất trong nước.

Cùng với đó, trong lúc thị trường nội địa gặp khó thì thép XK của Việt Nam lại đối mặt với nhiều rào cản khi là sản phẩm bị các nước nhập khẩu liên tục yêu cầu điều tra và áp dụng các biện pháp PVTM nhiều nhất. Theo thống kê, ngành Thép Việt đang bị áp dụng khoảng 62 biện pháp PVTM từ khắp thế giới. Hiện đã có 16 quốc gia áp dụng biện pháp PVTM lên mặt hàng thép Việt Nam, trong đó nhiều nhất là từ Hoa Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Chilê, Ấn Độ, Indonesia…

Ngoài ra, ngành Thép trong nước cũng đang đối mặt với khủng hoảng công suất thừa. Hiện nay, tổng năng lực sản xuất thép trong nước đạt hơn 30 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong nước chưa đủ hấp thụ sản lượng thép. Tình trạng dư thừa khiến các nhà máy chỉ hoạt động khoảng 50 - 60% công suất thiết kế.

* PV: Ngày 18/7, Bộ Công thương đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tự vệ chỉ là giải pháp giúp DN ngành Thép đỡ khó trong một khoảng thời gian nhất định. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Sưa: Trước khi có quyết định áp thuế tự vệ chính thức, từ hồi cuối tháng 3, Bộ Công thương đã có áp dụng thuế tạm thời, đây là công cụ phòng vệ hữu ích, vì lợi ích của toàn ngành Thép và nền kinh tế, không trái thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, tự vệ cũng chỉ là biện pháp bảo hộ tạm thời, trước tình trạng gia tăng đột biến của hàng hóa nước ngoài nhập khẩu gây thiệt hại cho sản xuất nội địa. Theo đó, các nước chỉ có thể áp dụng tự vệ ở mức cần thiết đủ, kéo dài không quá 4 năm để ngăn chặn hoặc bù đắp các thiệt hại và tạo điều kiện để ngành sản xuất nội địa điều chỉnh. Biện pháp gia hạn là có, nhưng thời hạn không quá 8 năm và riêng các nước đang phát triển như Việt Nam, WTO quy định được kéo dài thêm 2 năm, tức là thời hạn không quá 10 năm.

Qua đó, có thể thấy, không thể dựng “hàng rào” bảo hộ ngành Thép được mãi, thậm chí, ngay cả khi Việt Nam áp thuế tự vệ tạm thời từ tháng 3/2016 thì thực tế cũng không thể ngăn chặn làn sóng nhập khẩu thép vẫn tăng mạnh từ Trung Quốc. Vì vậy, về lâu dài, nội lực mới là yếu tố để quyết định sự tồn tại của DN ngành Thép trong bối cảnh mở cửa như hiện nay.

* PV: Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh lớn như hiện nay, theo ông, các doanh nghiệp ngành Thép cần có chiến lược như thế nào để trụ vững và phát triển?

- Ông Nguyễn Văn Sưa: Việc giải quyết tận gốc những bất cập của thị trường thép Việt Nam phải bắt đầu từ việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Thép, phát huy sức mạnh nội tại của DN. Hiện nay, quy mô, trình độ công nghệ của nhiều DN còn hạn chế dẫn tới giá thành, chất lượng sản phẩm chưa thật sự cạnh tranh. Năng lực tài chính mỏng, nhiều DN chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất với quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nhiên liệu và chi phí cao…

Để sản phẩm thép có bước tăng trưởng khá, các DN sản xuất thép trong nước cần xây dựng lộ trình sản xuất, kinh doanh bài bản, tiết kiệm tối đa mọi chi phí trong sản xuất để có giá thành cạnh tranh, nhưng chất lượng vẫn phải đảm bảo tốt…

Đặc biệt, DN thép cần đặc biệt quan tâm đổi mới công nghệ, áp dụng các biện pháp tiên tiến… nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm thép thì mới có khả năng trụ được tại thị trường trong nước cũng như vươn tới nhiều thị trường quốc tế….

* PV: Xin cảm ơn ông!