6 lý do cần nhanh tay chặn phôi thép nhập khẩu

Áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, phù hợp với quy định của WTO, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại… là những lý do mà bên nguyên đơn đưa ra.

29/01/2016 15:44

Áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, phù hợp với quy định của WTO, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại… là những lý do mà bên nguyên đơn đưa ra.

Sau khi nhận được đơn yêu cầu của 4 doanh nghiệp thép là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH MTV Thép miền Nam, Công ty CP Thép Việt Ý, Công ty CP Thép Hòa Phát và xác nhận đơn của bên yêu cầu là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Dù vậy, "sốt ruột" trước lượng phôi thép và thép dài đang NK vào Việt Nam, các doanh nghiệp tiếp tục đưa ra những luận chứng cho thấy việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với nhóm mặt hàng này là hết sức cần thiết và cần nhanh chóng thực hiện để đảm bảo sự công bằng và hỗ trợ doanh nghiệp thép Việt Nam chống đỡ với hàng nhập khẩu, bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Lý do đầu tiên các doanh nghiệp đưa ra là để bảo vệ ngành luyện kim đầu tư từ thượng nguồn còn non trẻ của Việt Nam trước nguy cơ bị xóa sổ và phải mất hàng chục năm sau mới có thể khôi phục.

Theo thông tin của các công ty nói trên, các doanh nghiệp tiên phong trong ngành thép Việt Nam đã đầu tư sản xuất thép từ thượng nguồn để có được một ngành luyện kim thực sự. Trước năm 2010, ngành thép Việt Nam vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào phôi thép nhập khẩu từ nước ngoài khi khối lượng nhập khẩu trên 2 triệu tấn/năm. Đến nay, ngành thép đã tự đáp ứng nhu cầu trong nước và trở thành nước xuất khẩu phôi thép trong khu vực.

Tuy nhiên, trước sự nhập khẩu ồ ạt không lường trước được của thép ngoại, ngành thép Việt Nam đang biến thành nơi gia công công đoạn cuối và trở thành thị trường tiêu thụ cho thép ngoại, ngành luyện kim đầu tư từ thượng nguồn còn non trẻ của Việt Nam có nguy cơ bị xóa sổ và phải mất hàng chục năm sau mới có thể khôi phục.

Lý do thứ hai là để bảo vệ cả ngành sản xuất thép trong nước. Điều này thể hiện rõ ở sự ủng hộ mạnh mẽ của doanh nghiệp ngành thép, với tỷ lệ ủng hộ đến nay lên tới gần 80% thị phần đối với sản phẩm phôi thép và gần như tuyệt đối với sản phẩm thép dài.

Lý do thứ ba là nhằm ngăn chặn sự ồ ạt cửa thép nhập khẩu. Năm 2015 lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2014, trong đó lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 2/3 với giá bán liên tục sụt giảm sâu, thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất trong nước.

Thống kê của WTO, mỗi năm các nước trên thế giới tiến hành điều tra chống bán phá giá và tự vệ thương mại khoảng 150 vụ, riêng ngành thép chiếm tới khoảng 60%.

Đáng lưu ý, khắp thế giới đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, trong 7 năm gần đây, Ủy ban châu Âu đã 14 lần sử dụng hàng rào thuế quan và áp dụng biện pháp phụ phí nhập khẩu lên tới 40% đối với thép Trung Quốc, Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép dây Trung Quốc ở mức 31,2% - 35,31%...

Sản phẩm thép của Trung Quốc bị chặn khắp nơi trên thế giới, vô hình trung Việt Nam càng trở thành chỗ trũng lý tưởng cho thép Trung Quốc nếu không áp dụng biện pháp hạn chế. Do đó, 4 doanh nghiệp đưa ra lý do thứ tư với nội dung đây “là biện pháp hữu hiệu và được WTO cho phép trong giai đoạn hội nhập sâu rộng như hiện nay”.

Lý do thứ năm là để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2015, hơn 72.000 tấn phôi kê khai phôi hợp kim chứa Crom, Bo... với vi lượng thành phần hợp kim đã nhập khẩu vào Việt Nam và trà trộn vào thị trường thép để sản xuất thép xây dựng. Bộ Công Thương đã vào cuộc, đi kiểm tra và thu hồi giấy phép nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu không ngăn chặn kịp thời bằng các hàng rào kỹ thuật mạnh mẽ và thuế quan thì ngân sách nhà nước sẽ thất thu khoản lớn từ thuế nhập khẩu.

Lý do cuối cùng, việc áp dụng biện pháp tự vệ giúp duy trì ổn định đời sống của hàng triệu người lao động trực tiếp và giản tiếp của ngành thép, bảo vệ ngành công nghiệp đầu tư từ thương nguồn, tiết kiệm nguồn lực đã đầu tư của xã hội, có khả năng vực dậy các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, đang bên bờ vực phá sản.