5 thay đổi quan trọng của Luật Doanh nghiệp 2020

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/7 với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM thông tin về những điểm cải cách mới của Luật Doanh nghiệp 2020.

14/07/2020 16:05

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 10/7 với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM thông tin về những điểm cải cách mới của Luật Doanh nghiệp 2020.

Cho biết Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những thay đổi quan trọng, nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh Luật được soạn thảo trên nguyên tắc và mục tiêu nhằm nâng cao khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp để đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực cũng như quốc tế.

Cũng theo ông Hiếu, Luật Doanh nghiệp 2020 có 5 thay đổi quan trọng, tác động tích cực đến thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư.

Thứ nhất, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường.

Theo đó, Luật đã bãi bỏ các thủ tục thông báo mẫu dấu, DN có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu truyền thống, thiết lập cơ chế đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử với hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm hồ sơ dấu như hiện nay).

Thứ 2, nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến.

Cụ thể, Luật mở rộng phạm vi và mức độ quyền của cổ đông trong việc tiếp cận thông tin về tình hình hoạt động của công ty nhằm tạo điều kiện và thuận lợi để cổ đông bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hạn chế người quản lý hoặc cổ đông lớn lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông nhỏ, bổ sung quy định về quản trị công ty cổ phần theo thông lệ quốc tế tốt về quản trị DN.

"Luật giảm bớt yêu cầu, điều kiện để cổ đông thực hiện các quyền quan trọng: đề cử, triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông... như: Giảm yêu cầu về tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 3%, bỏ yêu cầu phải sở hữu cổ phần liên tục từ trên 6 tháng, bỏ yêu cầu sử dụng mẫu đại diện ủy quyền của cổ đông do công ty phát hành...", ông PHan Đức Hiếu nói.

Thứ 3, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước.

Theo đó, Luật sửa đổi khái niệm DNNN để xác định rõ loại DN mà nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và DN Nhà nước sở hữu hơn 50% (đến dưới 100%) vốn điều lệ để có cách thức và phương thức giám sát, quản lý phù hợp; bổ sung quy định kiểm soát tập quyền, chống xung đột lợi ích và bảo đảm minh bạch hóa, công khai hóa thông tin của DN có sở hữu nhà nước.

Thứ 4, thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hoá nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh.

Cụ thể, Luật bổ sung quy định về Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết làm đa dạng hóa sản phẩm giao dịch trên thị trường chứng khoán, đồng thời giúp các DN, đặc biệt là DN kinh doanh ngành nghề hạn chế sở hữu nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội hơn trong thu hút vốn của nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ 5, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp. Vấn đề này trong Luật Doanh nghiệp 2020 tương thích với Luật Cạnh tranh 2018, bổ sung quy định về chuyển đổi DN tư nhân thành công ty cổ phần (thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty TNHH như quy định hiện hành).

Có thể thấy, với việc tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000 – 2005 -2014 trong hiện thực hoá đầy đủ quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế, Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ cải thiện mạnh mẽ chất lượng quản trị nói riêng và doanh nghiệp nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia.