20 năm chiến dịch hè: Một thời tuổi trẻ
14/08/2019 10:21
Kỷ niệm 20 nămchiến dịch thanh niên tình nguyện hè, những câu chuyện chứa đầy lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ trên những công trình cứ tưởng như mới ngày hôm qua.
19 năm về trước, tuyến đường Trường Sơn lần đầu tiên có bước chân tình nguyện của sinh viên trường ĐH Mở, cũng là lần đầu tiên phong trào tình nguyện của thành phố lan đến những vùng xa. Thời kỳ ấy không thể không nhắc đến thủ lĩnh thanh niên xuất sắc Lê Xuân Sinh, hiện là Phó phòng công tác sinh viên trường ĐH Mở TP.HCM, nguyên Bí thư Đoàn trường giai đoạn 1999 – 2004. Những câu chuyện chứa đầy lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ trên những công trình cứ tưởng như mới ngày hôm qua qua lời kể của anh.
Dấu ấn Trường Sơn
Nhớ lại khoảng thời gian năm 1999 - 2000, khi còn là Bí thư Đoàn trường và là chỉ huy trưởng chiến dịch Mùa hè xanh của trường, trong khi đang loay hoay không biết tìm đâu ra cách làm để thực hiện chủ trương lúc này là cả nước phát động thanh niên góp sức mình đẩy nhanh tiến độ công trình tuyến đường Hồ Chí Minh. Nhìn hàng cây đổ do mưa bão trên đường Võ Văn Tần, anh liên tưởng đến tuyến đường Trường Sơn và sau đó đề xuất lên Thành đoàn TP.HCM chi viện lực lượng thanh niên để góp sức đẩy nhanh tiến độ công trình tuyến đường Hồ Chí Minh.
Chủ trương đã có nhưng thực hiện thì khó. Khi đi tiền trạm, nhiều anh chị em công nhân tỏ ý nghi ngờ với những cô cậu sinh viên “chân yếu tay mềm” có thể làm được gì. Nhưng chính sự nhiệt tình của mình, trong đầu anh Lê Xuân Sinh chợt “sáng” lên hai ý tưởng mà sinh viên có thể làm được, cùng làm đường với các anh lực lượng TNXP và tuyên truyền cho đồng bào địa phương ý nghĩa của tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử. “Chúng tôi phải chịu đựng khí hậu khắc nghiệt của dãy Trường Sơn, chưa kể sốt rét và cả chất độc da cam, nhưng 3 năm thực hiện tuyến đường này (2000 – 2003) là một dấu ấn thật hạnh phúc”, anh cho biết.
7 đội bám đường, 4 đội bám làng. Sinh viên không chỉ khuân đá, làm đường như một công nhân thực thụ mà còn khảo sát và kiểm tra lại các thông số kỹ thuật làm đường, giúp các anh công nhân kiểm tra độ chính xác của công trình. Càng tự hào hơn khi các chiến sĩ tình nguyện cùng nhau thả mét bê tông đầu tiên sau 3 năm làm đường tại tuyến đường lịch sử này.
Anh cho biết: “Người dân ở đó cùng làm với mình. Họ thương lắm nên có gì ngon cứ chừa cho chiến sĩ”. Cũng trong lúc này, sinh viên của trường đã xây dựng được nhà hộ sinh, góp phần “phá vỡ” tập tục “tự lên núi đẻ” của phụ nữ M’nông. Nhà hộ sinh giữa làng cũng trở thành trạm y tế cho người dân chữa bệnh. Rồi “đài phát thanh sinh viên” phát 2 thứ tiếng: M’nông – Kinh ra đời để dạy bà con tiếng Kinh, dễ dàng tuyên truyền các chính sách cho đồng bào vùng khó.
Đôi chân không chịu nghỉ
Ví von như vậy vì anh rất “máu” với phong trào. Cuộc sống khó khăn nên anh phải làm nhiều việc từ bán báo dạo, dạy kèm, bồi bàn,.. để kiếm tiền đóng học phí. Và khi đỡ vất vả hơn, anh luôn đặt một câu hỏi cho chính mình: “Ta sống như thế có ích kỷ không? Câu trả lời đã có khi một lần bán báo, đạp xe ngang qua Nhà văn hóa thanh niên thấy các bạn sinh viên chuẩn bị ra quân chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, anh mừng quýnh. “Lúc ấy, tôi cảm thấy nghẹn lời vì hạnh phúc quá và sau đó tôi được biết trường tôi cũng có đi chiến dịch, thế là tôi để hết công việc lại và lên đường”, anh kể.
Không một tấm thẻ chiến sĩ, không đồng phục, một mình chạy xe xuống Cần Giờ làm tình nguyện. Anh không ngại ngần cùng làm với bà con, vận động người dân ra lớp học. Người dân tưởng anh là chiến sĩ, còn chiến sĩ tưởng anh là thanh niên địa phương. Sau thời gian tình nguyện, nhìn mọi người rộn ràng trong lễ tổng kết, một mình anh lủi thủi ra về.
Tháng 4/1996, Đoàn trường ĐH Mở được thành lập. Mùa hè năm ấy anh xin làm chỉ huy trưởng chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè, và mùa hè tại Cần Giờ là mùa hè không thể quên được.
Mặt trận Cần Giờ lúc ấy có 110 -150 chiến sĩ đóng quân tại 7 xã. Điều kiện sống lúc đó khó khăn. Nước sinh hoạt là một thứ xa xỉ phẩm. Việc dùng nước sinh hoạt cũng phải được qui định. Cả xã chỉ có 1 bồn nước để trữ nước mưa với khối lượng khoảng từ 30-40m3. Từng giọt nước sẻ đôi, người dân nhường nước cho chiến sĩ, chiến sĩ nam nhường nước cho chiến sĩ nữ, chiến sĩ nữ nhường lại cho người dân.
Bên cạnh đó, dạy học cũng có nhiều chuyện để bàn. Người dân thì tay lưới tay cào, có người đi biển từ 1 giờ sáng. Cực khổ như thế nên ít ai ra lớp học. Thế là sinh viên phải đi theo người dân vừa làm, vừa dạy chữ cho họ. “Tôi phải đi hết địa bàn 7 xã để quán xuyến công việc. Lúc ấy cũng trăn trở lắm với việc có thể mở rộng nội dung hoạt động chiến dịch, không chỉ là dạy học. Anh Cang, anh Thưởng cũng là những đồng chí rất chịu lắng nghe và cho chúng tôi thử mở rộng nội dung thực hiện”, anh cho biết.
Một tháng còn lại ở Cần Giờ, từ 2 nội dung đề xuất làm 5 nội dung rồi 7 nội dung như chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường, chăm sóc cho các em thiếu nhi.... “Các bạn thanh niên đang căng tràn sức trẻ và tôi mong muốn có thể tận dụng sự nhiệt huyết ấy giúp ích cho cộng đồng”.
“Thanh niên lúc đó có hoài bão khát khao cống hiến, máu lửa và rất nhiệt tình. Vấn đề là khơi sức được thanh niên, khơi sức sáng tạo cho thanh niên để giải quyết các vấn đề xã hội”, anh chia sẻ. Và đó cũng là những điều cần thiết mà tuổi trẻ ngày nay cần phải có, để góp phần nâng chất cho chiến dịch Mùa hè xanh./.